Thanh Hóa: Bảo tồn thành công 3 loài lan quý hiếm
Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã nhân giống được 45.320 cây lan của 3 loài lan Hài Vân Bắc, lan Hài Lông và lan Thủy Tiên Hường.
Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, đã thực hiện thành công đề tài khoa học “Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene lan Hài Vân Bắc, lan Hài Lông và lan Thủy Tiên Hường vùng Bắc Trung Bộ (giai đoạn 2017-2022).
Qua đó, phát hiện được 210 cá thể lan Hài Vân Bắc, 1.175 cá thể lan Hài Lông, 1.265 cá thế lan Thủy Tiên Hường tại khu vực Bắc Trung Bộ.
Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên Đỗ Ngọc Dương cho biết trong thời gian thực hiện đề tài, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã điều tra 42 tuyến với chiều dài 325,9km tại 14 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên thuộc vùng Bắc Trung Bộ để xác định hiện trạng, vùng phân bố các loài lan này, tìm giải pháp bảo tồn, nhân giống các loài lan quý này.
Đồng thời, xây dựng được 9 quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc các loài lan và 3 mô hình trồng cây lan thương phẩm, 1 mô hình vườn giống gốc với 5.035 cây để cung cấp vật liệu giống sản xuất cây thương phẩm.
Đến thời điểm này, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã nhân giống được 45.320 cây lan của 3 loài gồm phương pháp sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô (30.000 cây/3 loài), phương pháp tách mầm (15.000 cây/3 loài).
Thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sẽ đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Bộ Khoa học Công nghệ tạo điều kiện để đơn vị tiếp tục đăng ký thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình và sản xuất giống các loài lan Hài Vân Bắc, lan Hài Lông và lan Thủy Tiên Hường cho vùng Bắc Trung Bộ” phục vụ công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene các loài này một cách bền vững và hiệu quả, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên.
Theo kết quả nghiên cứu của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, loài lan Thủy Tiên Hường (Dendrobium amabile O’Brien) có thân dài 35cm, lá tập trung ở đỉnh thân, hoa màu tím. Cây thường mọc rải rác trong rừng gỗ lớn, ưa ẩm.
Cây tái sinh bằng chồi hạt, sinh trưởng từ tháng 2-8 dương lịch. Lan Thủy Tiên Hường thường phát triển theo bụi tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Nghệ An.
Lan Hài Vân Bắc (Paphiopedilum callosum Pfitzer) hay mọc trên đất, đá, cây có lá hình bầu dục hẹp, thời gian nở hoa từ tháng 4-6 dương lịch. Trên thế giới, cây phân bố tại Thái Lan, Lào.
Tại Việt Nam, cây thường mọc ở các khu rừng nguyên sinh rậm hoặc trên đá granit ở độ cao 300-1.300 mét. Lan Hài Vân Bắc được phát hiện mọc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Vườn Quốc gia Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và các khu vực khác thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Loài lan Hài lông (Paphiopedilum hirsutissimum Stein) có lá đài lưng dài 5,2 cm, hoa to và nở từ tháng 3-5 dương lịch. Trên thế giới, cây thường phân bố tại Trung Quốc, Thái Lan.
Tại Việt Nam, cây thường mọc ở các cánh rừng nguyên sinh hoặc ở các cao nguyên đá vôi bị bào mòn mạnh.
Lan Hài lông thường phát triển theo từng cá thể và mọc nhiều tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Xuân Liên và tại khu vực khác thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Các loài lan này có giá trị kinh tế cao, do vậy nhiều người dân ở các tỉnh đã khai thác để bán, cộng thêm tình trạng phá rừng diễn ra nhiều đã làm các loài lan này ít dần đi và đang có nguy cơ mất dần nguồn gene.
Hiện 3 loài lan này chỉ còn mọc rất ít trên các vách núi đá vôi, hang, sườn núi thuộc các khu bảo tồn, vườn quốc gia các tỉnh Bắc Trung Bộ, vì vậy việc thực hiện thành công đề tài khoa học trên đã giúp ba loài lan này được bảo tồn và tránh được nguy cơ tuyệt chủng loài./.
Ý kiến ()