Thành công với mô hình sản xuất sạch hơn
Với sự trợ giúp của Bộ Công thương và Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam, Công ty CP giấy xuất khẩu Thái Nguyên là một trong những đơn vị điển hình của Thái Nguyên tham gia vào hợp phần sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp và đạt được những thành công bước đầu.Công ty CP giấy xuất khẩu Thái Nguyên là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giấy vàng mã xuất khẩu từ những nguyên liệu tre, nứa, vầu và các loại phế thải từ khâu sản xuất đũa. Với ba dây chuyền xeo giấy đế có tổng công suất 6.500 tấn/năm, toàn bộ sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc).Giống như đặc điểm chung của những doanh nghiệp sản xuất giấy, vấn đề môi trường lớn nhất mà công ty gặp phải là nước thải phát sinh từ khâu ngâm ủ mành tre theo công nghệ kiềm lạnh, khâu xeo và vệ sinh thiết bị, nhà xưởng, sân phơi. Nước thải của công ty có mầu đen đặc, vàng đậm, lẫn rất nhiều xơ sợi, bột giấy, dầu mỡ, tạp chất vô cơ, có mùi khó...
Công ty CP giấy xuất khẩu Thái Nguyên là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giấy vàng mã xuất khẩu từ những nguyên liệu tre, nứa, vầu và các loại phế thải từ khâu sản xuất đũa. Với ba dây chuyền xeo giấy đế có tổng công suất 6.500 tấn/năm, toàn bộ sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc).
Giống như đặc điểm chung của những doanh nghiệp sản xuất giấy, vấn đề môi trường lớn nhất mà công ty gặp phải là nước thải phát sinh từ khâu ngâm ủ mành tre theo công nghệ kiềm lạnh, khâu xeo và vệ sinh thiết bị, nhà xưởng, sân phơi. Nước thải của công ty có mầu đen đặc, vàng đậm, lẫn rất nhiều xơ sợi, bột giấy, dầu mỡ, tạp chất vô cơ, có mùi khó ngửi. Tổng lượng nước thải của toàn công ty là 372.640 m3/năm, có hàm lượng hữu cơ cao hơn so với tiêu chuẩn TCVN 5945-2005. Chính vì những tồn tại này mà công ty từng bị đưa vào 'danh sách đen' về môi trường của tỉnh, khiến cho uy tín giảm sút.
Để khắc phục tình trạng này, công ty đã bắt đầu tham gia vào hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI). Giám đốc công ty Trần Đức Quyết, cho biết: 'Do quy mô của công ty không lớn, cho nên công ty đã quyết định thực hiện SXSH trong toàn bộ công ty, bắt đầu bằng các giải pháp không tốn chi phí hoặc chi phí thấp'.
Cụ thể, trước khi tham gia SXSH, nguồn nguyên liệu sản xuất giấy của công ty như tre, nứa, vầu và các loại phế thải từ sản xuất đũa luôn trong tình trạng thất thoát, hỏng do rơi vãi trong khâu nhập nguyên liệu, chặt mảnh để ngâm ủ, bao gói, đóng kiện… Do vậy, đội SXSH đã tiến hành một số giải pháp nhằm giảm thất thoát nguyên liệu như chặt mảnh, vệ sinh, thu hồi mảnh bắn ra, giảm lượng nguyên liệu là đầu mẩu và tre cây, mua nguyên liệu bảo đảm chất lượng… Với số tiền đầu tư là 6,5 triệu đồng, công ty đã tiết kiệm được 108,1 triệu đồng/năm nhờ giảm tiêu thụ nguyên liệu thô 4%/năm đồng thời giảm sản phẩm hỏng, thừa. Bên cạnh đó, với tình trạng dịch ngâm lò bị rò rỉ và chảy tràn từ khâu ngâm ủ do bể nứt, thấm, tràn bể do cấp bể quá đầy, đội SXSH đã thực hiện các giải pháp như xử lý các chỗ thấm, nứt của bể; không cấp liệu quá đầy; xút dư từ quá trình ngâm ủ được sử dụng làm dịch ngâm cho các mẻ sau; nâng cao ý thức công nhân… Chỉ với 500 nghìn đồng phí đầu tư, công ty đã tiết kiệm được 10 triệu đồng/năm từ tái sử dụng xút dư. Đồng thời, để tiết kiệm dầu và lưu huỳnh, đội SXSH đã tiến hành những biện pháp như điều chỉnh chế độ đốt dầu và lưu huỳnh hợp lý; bảo dưỡng vòi phun; thay mới nếu cần thiết; kiểm tra và giảm việc mua lưu huỳnh loại hạt làm nguyên liệu. Riêng giải pháp này làm lợi cho công ty 342 triệu đồng/năm nhờ tiết kiệm 47 tấn dầu FO/năm và giảm phát thải 125,8 tấn CO2/năm; giảm phát thải 1,285 tấn SO2/năm; giảm 115 kg muội/năm. Ngoài ra, để tiết kiệm điện năng, đội SXSH đã tiến hành các giải pháp như sử dụng chiếu sáng tự nhiên cho các nhà xưởng; thay thế các động cơ cũ; bảo dưỡng thiết bị thường xuyên; sử dụng đèn com-pắc thay cho đèn sợi đốt… Với 50 triệu đồng đầu tư, hằng năm công ty tiết kiệm được 156 triệu đồng tiền điện.
Nhận thấy những thành công đáng ghi nhận sau khi hoàn thành giai đoạn đầu, công ty bắt đầu thực hiện những giải pháp đầu tư lớn hơn cho giai đoạn hai. Cụ thể, để giải quyết tình trạng xơ sợi lẫn trong nước thải từ khâu ngâm ủ do bột giấy mịn lẫn trong nước rửa khi bơm, công ty đã quyết định chi 370 triệu đồng để xây dựng hai bể lắng để thu hồi bột giấy và tuần hoàn nước thải. Sau một năm, công ty đã tiết kiệm được 315,2 triệu đồng từ việc thu hồi 373 tấn bột giấy thô/năm và tuần hoàn 89.430m3 nước thải.
Bên cạnh đó, để tận thu bột giấy mịn lẫn trong nước thải xeo, công ty đã tiếp tục tiến hành đầu tư bổ sung hệ thống nước tuyển nổi. Đây là hệ thống tuyển bằng phương pháp đông keo tụ để thu hồi bột giấy lơ lửng, thu được toàn bộ lượng bột giấy còn lại trong nước thải. Với tổng số tiền đầu tư là 701,8 triệu đồng, công ty đã thu lợi 477 triệu đồng/năm, đồng thời giảm đáng kể tình trạng mùi bột giấy phân hủy.
Trước đây, công ty có bốn phân xưởng làm việc trong nhà nên đều nóng, nhiều muội và mùi hóa chất, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của công nhân. Cho nên, công ty đã quyết định đầu tư lắp hệ thống thông góp cưỡng bức kết hợp với lọc bụi công nghiệp. Với tổng mức đầu tư là 978 triệu đồng, giải pháp này đã giúp giảm phát thải khoảng 52,23 tấn SO2/năm; giảm 5,19 tấn CO2/năm, đồng thời cải thiện đáng kể sức khỏe và năng suất lao động của công nhân.
Ngoài ra, một trong những bất cập lớn của công ty là do bốn máy in của công ty đều đã cũ, chất lượng truyền động kém, chạy giật cục, rất hay làm rách giấy. Cho nên công ty đã thay mới hai máy in có công suất phù hợp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế sản phẩm hỏng. Các máy in mới cho phép giảm 80% số lỗi rách, hỏng giấy khi in, vận hành tin cậy và ít sự cố. Với giá trị đầu tư là 500 triệu đồng, hằng năm, giải pháp này đã giúp công ty giảm 80% số sản phẩm hỏng do khâu in mầu, tương đương 4.658 tấn/năm, trị giá 708 triệu đồng/năm.
Nhận xét về những lợi ích mà SXSH mang lại, Giám đốc Quyết khẳng định: 'SXSH không chỉ giúp chúng tôi tiết kiệm nguyên nhiên liệu, phát triển sản xuất mà còn giúp công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao uy tín thương hiệu của mình'.
Theo Nhandan
Ý kiến ()