Thành công từ mô hình liên kết nuôi trâu nhốt chuồng
– Anh Đỗ Công Huân, sinh năm 1984, thôn Phổng, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng được biết đến là người đầu tiên trên địa bàn xã xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi trâu theo hình thức nhốt chuồng cho hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập 1 tỷ đồng mỗi năm sau trừ chi phí.
Anh Huân sinh ra trong gia đình thuần nông, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Học hết cấp 3, anh thi đỗ và theo học Trường Cao đẳng Nghề mỏ Hữu Nghị, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Sau đó anh làm công nhân mỏ than tại đây. Năm 2010, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Nhận thấy tại địa phương có nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, anh dùng số vốn tích góp được mua 4 con trâu về chăn thả theo cách truyền thống.
Anh Huân chăm sóc trâu nuôi vỗ béo tại trang trại
Tuy nhiên, các bãi chăn thả dần bị thu hẹp, đàn trâu chậm phát triển, khi bán hay bị tư thương ép giá nên hiệu quả kinh tế không cao. Trước thực tế đó, anh đã suy nghĩ, nghiên cứu về phương thức liên kết chăn nuôi để có đầu ra ổn định. Theo đó, anh chủ động đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng có hiệu quả tại tỉnh Bắc Giang, anh đi khảo sát, tìm hiểu về các lò mổ trâu lớn trên địa bàn huyện Lạng Giang.
Sau khi nhận thấy các ưu điểm và hiệu quả của mô hình liên kết này, đầu năm 2016, anh Huân đặt vấn đề trực tiếp với chủ các lò mổ (bao tiêu đầu ra) để thực hiện mô hình nuôi trâu theo hình thức nhốt chuồng. Theo đó, anh đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại rộng hơn 1.000 m2 cùng những trang thiết bị hiện đại như: hệ thống quạt mát, hệ thống điện chiếu sáng…
Anh Huân cho biết: Thực hiện mô hình liên kết, tôi được các lò mổ cam kết đảm bảo đầu ra với giá cả ổn định theo giá thị trường. Trong lứa đầu tiên, tôi nuôi 12 con trâu vỗ béo, sau 4 tháng chăm sóc, trâu thương phẩm được các lò mổ bao tiêu toàn bộ với giá trung bình 40 triệu đồng/con, tôi thu về gần 500 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả từ lứa trâu thương phẩm đầu tiên, anh Huân tiếp tục liên kết, mở rộng chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn trâu tại trại nuôi của anh luôn duy trì từ 90 đến 100 con. Trung bình một tháng, anh Huân xuất bán từ 30 đến 40 con trâu thương phẩm. Sau khi bán, anh lại nhập trâu để tiếp tục nuôi vỗ béo, duy trì tổng đàn.
Anh Huân cho biết thêm: Quá trình chăn nuôi, tôi chú trọng chăn toàn bộ bằng cỏ tươi, mía và bổ sung cám ngô, cám gạo… Cùng đó, tôi đảm bảo vệ sinh chuồng trại, kiểm tra và tiêm phòng định kỳ, nhờ đó đàn trâu phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Tận dụng phân chuồng, tôi trồng 5 mẫu cỏ voi và cỏ mật để đảm bảo nguồn thức ăn tươi cho đàn trâu.
Hiện nay, trang trại của anh Huân tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Ông Hoàng Văn Phấn, thôn Pò Nim, xã Vân Nham cho biết: Tôi làm việc tại trang trại của anh Huân đã được hơn 2 năm. Công việc hằng ngày của tôi là vệ sinh chuồng trại và cho trâu ăn. Làm việc tại đây, ngoài có thu nhập ổn định mỗi tháng, tôi còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt từ đó áp dụng vào sản xuất tại gia đình.
Ông Hứa Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nham cho biết: Việc chủ động liên kết với các lò mổ để chăn nuôi có quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao như anh Huân là mô hình tiêu biểu, đầu tiên trên địa bàn xã. Từ mô hình này, hiện trên địa bàn đã có 7 hộ nuôi trâu vỗ béo với quy mô từ 10 đến 30 con/hộ. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tuyên truyền các hộ dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại đảm bảo an toàn dịch bệnh. Cùng đó, chú trọng chăn nuôi có liên kết để có đầu ra ổn định, giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.
Ý kiến ()