Thành công từ chăn nuôi vịt thương phẩm
– Chị Hoàng Thị Trang (sinh năm 1982), thôn Tằm Nguyên, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc được biết đến là người đầu tiên trên địa bàn xã xây dựng thành công mô hình liên kết chăn nuôi vịt thương phẩm. Nhờ đó, gia đình chị có thu nhập trên 200 triệu đồng sau trừ chi phí.
Đến thăm mô hình liên kết chăn nuôi vịt thương phẩm của chị Trang vào những ngày giữa tháng 4, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khu chuồng trại được đầu tư rộng rãi, thoáng sạch.
Chị Trang chăm sóc đàn vịt của gia đình
Chị Trang cho biết: Tôi sinh ra, lớn lên ở thôn Nà Cưởm, xã Tân Lang (nay là khu 1, thị trấn Na Sầm), huyện Văn Lãng. Sau khi học hết THPT, tôi học kế toán tại Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, tôi lập gia đình và xin làm kế toán tại Công ty TNHH Bảo Long (huyện Cao Lộc). Do hoàn cảnh gia đình, năm 2016, tôi đã xin nghỉ việc. Sau đó, tôi có xin đi làm tại một số công ty. Năm 2018, tôi cùng chồng tiến hành thu mua nông sản của người dân để xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi dịch COVID- 19 bùng phát, mọi hoạt động buôn bán, giao thương qua cửa khẩu tạm dừng, tôi nghỉ ở nhà. Khoảng thời gian này rất khó khăn với gia đình tôi.
Lúc này, nhận thấy trên địa bàn xã có lò mổ chuyên nhập vịt từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương… về thịt để cung cấp cho thị trường các huyện trong tỉnh nên chị Trang đã nghĩ đến việc liên kết chăn nuôi vịt thương phẩm. Theo đó, từ cuối năm 2021, chị đã chủ động liên kết với lò mổ để thực hiện bao tiêu đầu ra. Đồng thời, chị Trang tìm kiếm thông tin trên mạng, liên hệ và trực tiếp tham quan một số mô hình nuôi vịt thương phẩm tại các tỉnh như: Hải Dương, Bắc Ninh… để học hỏi kinh nghiệm.
Tháng 6/2022, chị dùng số vốn tích góp được (gần 500 triệu đồng) đầu tư xây dựng khu chuồng trại khép kín với tổng diện tích trên 600 m2, gồm đầy đủ hệ thống máng thức ăn, máng nước tự động, đèn sưởi và hệ thống bioga xử lý chất thải.
Chị Trang chia sẻ: Thời điểm đầu mới nuôi, tôi nhập 1.000 con vịt giống. Do gia đình chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên đàn vịt thường xuyên nhiễm bệnh, chậm lớn. Để nắm được kỹ thuật chăn nuôi, tôi đã chủ động tìm hiểu thông tin trên báo, đài; đồng thời, trực tiếp liên hệ với công ty cung cấp con giống tham khảo quy trình chăm sóc và cách tiêm phòng bệnh. Theo đó, tôi thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh trong 15 ngày đầu tiên sau khi nhập con giống. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật và tiêm phòng đầy đủ nên đàn vịt của gia đình phát triển khỏe mạnh.
Được biết, hiện nay trung bình mỗi lứa vịt, gia đình chị Trang nuôi từ 2.000 đến 2.500 con, các lứa được nuôi gối nhau. Bình quân sau 45 đến 50 ngày nuôi (tính từ khi nhập con giống đến khi xuất bán), vịt sẽ đạt trọng lượng từ 3 đến 3,5 kg/con, được lò mổ bao tiêu đầu ra với giá dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg vịt thương phẩm, tùy thời điểm.
Theo chị Trang, so với những con vật nuôi khác, nuôi vịt thương phẩm có thời gian nuôi ngắn, chăn bằng hệ thống tự động, hoàn toàn bằng thức ăn hỗn hợp dạng viên nên không mất nhiều thời gian… Để đàn vịt phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh đòi hỏi người chăn nuôi phải hiểu biết kỹ thuật, có quy trình chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Do đó, mỗi con vịt chị đều phải tiêm vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên dọn chuồng trại, phun thuốc khử trùng để đảm bảo khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ. Từ khi triển khai mô hình đến nay, gia đình chị đã xuất bán trên 8.000 con vịt thương phẩm (tương đương khoảng 28 tấn), mang lại doanh thu gần 1 tỷ đồng. Trừ chi phí, gia đình chị Trang thu lãi trên 200 triệu đồng.
Chị Đinh Mai Uyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Liên cho biết: Chị Trang là hội viên nông dân năng động, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm và có quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Đây là tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương để các hội viên nông dân khác có thể học tập và làm theo. Gần đây nhất, tháng 2/2023, chị Trang vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước năm 2022.
Ý kiến ()