Thành công từ 4 tại chỗ
>>> Tích cực, chủ động khắc phục thiệt hại của bão lũ>>> Nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa bão>>> Lạng Sơn tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt
LSO-Tuyến đường sắt Mai Pha- Na Dương là tuyến nội địa vận chuyển hàng hóa. Mặc dù tuyến chỉ dài hơn 20 km nhưng tàu phải chạy qua những đoạn hiểm trở. Trong cơn bão số 2 vừa qua, nhiều đoạn trên tuyến đã bị sạt lở đến mức phải dừng tàu. Thế nhưng chỉ sau một tuần, lưu thông đã trở lại bình thường, thành công ấy chính là từ nỗ lực khắc phục hậu quả bão lụt theo phương châm 4 tại chỗ.
Công nhân ngành đường sắt khắc phục sạt lở trên tuyến Mai Pha- Na Dương |
Trời nắng gắt, dọc tuyến đường bão đã qua cả tuần mà đất còn nhão nhoẹt nhưng trên đoạn km 18 tuyến đường sắt Mai Pha – Na Dương vẫn vang lên tiếng hô một…hai… ba… làm rung động núi rừng. Trên đoạn sạt lở, hàng chục công nhân đường sắt, người xà beng, người cuốc, người cáng, người chở xe rùa nhộn nhịp không khác gì trong lễ động thổ công trình. Họ đang phải san gạt, bóc hết đất đá để thông tàu sớm nhất. Không kịp lau những giọt mồ hôi còn đầm trên khuôn mặt rám nắng, anh Đào Tuấn Anh, Cung trưởng cung Lộc Bình tâm sự, chúng em phải gắng hết sức, thi đua để chậm nhất 3 ngày nữa thông tàu. Mà chậm một giờ tàu, ngành mất hàng chục triệu. Phương án 4 tại chỗ giờ phát huy hiệu quả tối đa vì các điểm sạt lở chỉ có sức người, không có bất kỳ phương tiện nào tiếp cận được.
Tuyến Mai Pha- Na Dương chủ yếu vận chuyển than nâu được khai thác từ mỏ Na Dương đến các đơn vị tiêu thụ, vận chuyển đá, vật tư kỹ thuật cho mỏ. Dù lượng vận chuyển ít nhưng ngành đường sắt vẫn duy trì 2 đôi tàu thường xuyên. Khi đột xuất có ngày trên tuyến liên tục có 4 đôi tàu chạy. Với đặc thù miền núi, địa hình chia cắt, trên tuyến thường xảy ra sạt lở đất nên ngành đường sắt đã tăng cường các đội tuần đường, duy tu sửa chữa trên tuyến để ứng phó với bão lụt, thiên tai. Trong cơn bão số 2 với lượng mưa trung bình 350 mm trên địa bàn Lạng Sơn, cộng với hướng tàu chạy là hướng đón bão nên các khu vực km 18, km 23 đã xảy ra 4 điểm sạt lở lớn, trong đó riêng km 18 đất đá tràn lấp cả đường ray. Ngay khi bão tan đất đá vẫn tiếp tục sạt lở khiến ngành đường sắt phải dừng tàu. Với mục tiêu thông tàu sớm nhất, ngay lúc bão chưa tan, cán bộ công nhân của toàn cung đường Mai Pha- Na Dương đã có mặt tại hiện trường. Với phương án 4 tại chỗ; chỉ huy tại chỗ lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, xử lý tại chỗ cung đường đã thông tàu trước khi có ứng cứu của ngành đường sắt. Theo ông Nguyễn Văn Đường, Cung trưởng cung đường sắt Lạng Sơn khi phát hiện sạt lở đất với khối lượng lớn xác định xe cơ giới không vào thi công, san gạt được anh em họp, sử dụng luôn các cung dưới sự chỉ đạo của cung Lạng Sơn, dùng lực lượng tại chỗ để khắc phục. Lúc này vai trò của thanh niên, công đoàn được phát huy tối đa. Có người mặc dù nhà cửa đang bị ảnh hưởng lũ lụt nhưng cũng xung phong lên đường. Để chuẩn bị hậu cần tại chỗ, cung chỉ đạo các đội gác cầu, gác ghi, tuần đường đảm bảo bữa cơm cho anh em ngay tại công trường. Phương tiện cũng huy động tại chỗ nhất là cuốc xẻng, búa, xe…
Do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước nên cơ động đến công trường anh em lao vào việc được ngay. Nhiều điểm sạt lở đất tràn xuống lấp ray tầm 20 m, nhưng anh em phải mở rộng diện san gạt đến cả trăm mét. Nhiều điểm có những vỉa đá sạt to như chiếc gường cá nhân phải cả chục người mới vần nó ra được. Những ngày khắc phục sạt lở, anh em dựng lán ngay tại điểm sạt, thậm chí sẵn sàng ăn, ngủ ngay tại điểm sạt. Vì vậy số lượng san gạt đất đá rất cao. Theo anh Nguyễn Văn Đường, Cung trưởng cung đường sắt Lạng Sơn thì chỉ trong vòng 1 tuần sau bão anh em đã cơ bản dọn dẹp chướng ngại vật, huy động trên 1.000 công, với trên 100 lượt cán bộ công nhân tham gia tổ chức dẫn tàu với tốc độ 5km giờ qua các điểm sạt lở. Tại các điểm sạt lở luôn có cán bộ ứng trực để xử lý kịp thời các sự cố.
Có mặt trên công trường san gạt, khắc phục sự cố, chúng tôi thấy một không khí khẩn trương hết mình vì công việc. Đoàn viên Vi Văn Tuấn cho biết, với tinh thần thanh niên xung kích, chúng em sẵn sàng làm hết sức mình để thông tàu. Chỉ trong vòng một tuần hàng nghìn m3 đất đá sạt lở đã được công nhân cán bộ toàn cung xử lý xong để đảm bảo chạy tàu. Với các ngành khác chắc chuyện đó không lớn nhưng với ngành đường sắt, khi sạt lở rất hiếm nơi điều được phương tiện thi công cơ giới can thiệp, thế mới thấy quyết tâm của những người công nhân đường sắt. Họ chỉ có sự chủ động quyết tâm tại chỗ cộng với bàn tay, đôi vai. Khi chúng tôi viết những dòng này cũng là lúc ngành đường sắt đã thông xong toàn tuyến với tốc độ chạy tàu trở lại bình thường như trước khi xảy ra bão. Đó là thành công của việc chủ động phòng chống bão lụt 4 tại chỗ, thành công của sự quyết tâm vượt khó của những người công nhân đường sắt trên tuyến Mai Pha- Na Dương.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()