Thành công trong nhân giống khoai môn Tràng Định bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh kiểm tra mô hình trồng khoai môn Tràng Định tại xã Quốc Khánh (Tràng Định) |
Với ruột củ màu tím, có vị bùi, béo, dẻo, bở và hương thơm đặc trưng, khoai môn Tràng Định là đặc sản mà các vùng khác không có được. Để trồng khoai môn Tràng Định nói riêng, giống khoai môn khác nói chung, thời gian qua, nông dân trồng bằng củ con hoặc các chồi mắt đã được ủ cho nảy mầm, vì vậy hệ số nhân giống thấp, chất lượng củ giống không đồng đều, giống bị thoái hóa và nhiễm bệnh khiến tỷ lệ cây sống, năng suất và sản lượng thấp. Vì yếu tố này, khoai môn trồng ở Lạng Sơn đều ở quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát và thiếu tập trung. Do vậy, việc nghiên cứu nhân giống khoai môn bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào là rất cần thiết.
Công nghệ nuôi cấy mô tế bào đối với khoai môn Tràng Định được trung tâm thực hiện từ khâu chuẩn bị tạo cây mẹ sạch bệnh, nuôi cấy khởi động, nhân nhanh, tạo cây hoàn chỉnh; thích ứng cây invitro (cây nuôi trong phòng thí nghiệm) ngoài điều kiện tự nhiên và trồng cây ngoài đồng ruộng. Trung tâm đã sản xuất được 7.000 cây khoai môn invitro đủ tiêu chuẩn xuất vườn và 6 tấn củ giống khoai môn G1 từ cây khoai môn invitro; xây dựng mô hình thâm canh giống khoai môn từ củ G1 với quy mô 1,2 ha tại xã Quốc Khánh (Tràng Định) và xã Đồng Bục (Lộc Bình) với sự tham gia của hơn 10 hộ dân. Trong quá trình nghiên cứu, thực hiện, tỷ lệ cây khoai môn invitro sinh sống đạt trên 99%, có số ngày sinh trưởng tại vườn là 218 ngày (tương đương số ngày sinh trưởng của cây khoai môn được trồng từ củ theo phương pháp thông thường). Năng suất thu được tại mô hình trồng ở xã Quốc Khánh là 10,8 tấn/ha (cao hơn trồng theo phương pháp thông thường 1,6 tấn/ha); năng suất thu được ở mô hình trồng tại xã Đồng Bục đạt 9,5 tấn/ha (cao hơn trồng theo phương pháp thông thường 0,8 tấn/ha). Với năng suất như trên, mỗi héc ta khoai môn cho nông dân thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng.
Ông Lương Doãn Nho, thôn Lăng Xè, xã Đồng Bục (Lộc Bình) cho biết: Nhà tôi trồng 4 sào khoai môn bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Tỷ lệ cây mọc đạt 96%. Năng suất đạt khoảng 4 tạ/sào, tương đương 10 tấn/ha. Với giá bán 15.000 đồng/kg, so với các loại cây trồng khác như ngô, sắn thì hiệu quả kinh tế từ trồng khoai môn cao gấp 2 đến 3 lần. Khoai môn là cây ưa bóng nên có thể trồng xen với các cây trồng khác. Thời gian tới, tôi sẽ tận dụng diện tích đất để mở rộng thâm canh loại cây này.
Kỹ sư Thi Văn Hạt, cán bộ kỹ thuật Trung tâm ƯDTBKH&CN, chủ nhiệm đề tài cho biết: Trong kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào, khâu quan trọng nhất là xác định vật liệu nuôi cấy, thực hiện phương pháp khử trùng thích hợp và thích nghi cây invitro ngoài điều kiện tự nhiên. Chúng tôi đã áp dụng nghiêm ngặt các quy trình công nghệ nên kết quả đem lại của đề tài ngoài cả mong đợi. Tỷ lệ cây mọc, cây sống đạt cao; chất lượng sản phẩm tốt, củ thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, đề tài không chỉ tạo được phương pháp nhân giống khoai môn số lượng lớn, đảm bảo chất lượng, phục tráng và bảo tồn được nguồn gen cây khoai môn bản địa Tràng Định mà còn mở ra hướng sản xuất khoai môn đại trà, mang tính hàng hóa ở Lạng Sơn.
Ý kiến ()