Thành công trên nẻo đường hoàn lương
Anh Nguyễn Văn Bằng giới thiệu giống cây mới trồng |
Những ngày chấp hành án phạt tù thực sự là chuỗi ngày buồn và u ám trong cuộc đời Bằng. Nỗi ân hận day dứt, thương nhớ cha mẹ dày vò anh hằng đêm. Quá trình chấp hành án tại trại giam, đã có lúc Bằng cảm thấy tiêu cực, chán nản, muốn buông xuôi tất cả. Nắm bắt được tâm tư, tình cảm của phạm nhân, Ban Giám thị, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh luôn quan tâm, thường xuyên trò chuyện giúp Bằng nhận thức được những sai trái của mình, quyết tâm lao động cải tạo và chấp hành tốt nội dung, quy chế của trại giam với mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, được giảm án, tha tù trước thời hạn để làm lại cuộc đời. Nỗ lực cố gắng cải tạo tốt, sau 1 năm chấp hành án phạt tù, Nguyễn Văn Bằng đã được đặc xá trở về địa phương. Sau những giây phút mừng tủi khi gặp lại người thân, anh lại rơi vào tâm lý xấu hổ, tự ti và không muốn giao tiếp với mọi người, thậm chí với cả những người thân trong dòng họ, bạn bè.
Trung tá Lý Văn Đường, Đội phó Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Hữu Lũng cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương, lực lượng công an, gia đình và bà con hàng xóm thường xuyên đến nhà động viên, giúp đỡ, chia sẻ và tuyên truyền trong việc tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, Nguyễn Văn Bằng đã được gia đình, làng xóm đón nhận. Và may mắn anh được cô gái hàng xóm đem lòng cảm mến và nên nghĩa vợ chồng sau 3 tháng rời trại. Đây thực sự là động lực khiến anh dần xóa bỏ tự ti, mặc cảm, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cai Kinh chia sẻ: Với quyết tâm xóa bỏ tội lỗi, làm lại cuộc đời, anh Bằng đã không ngừng học hỏi, tham khảo các mô hình phát triển kinh tế từ làm vườn, trồng cây công nghiệp. Quá trình tìm hiểu, anh nhận thấy vùng đất nơi anh sinh sống có thổ nhưỡng rất hợp cho phát triển cây đặc sản là cây na và trồng bạch đàn để bán lấy gỗ. Anh đã vay vốn tại ngân hàng chính sách để mua giống, dồn hết tâm huyết trồng và chăm sóc trên 1.700 cây na và trên 1 ha rừng bạch đàn. Với hướng đi đúng đắn, áp dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc, những cây na và rừng bạch đàn đã cho thu hoạch, đem lại cho gia đình anh mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Vào vụ chăm bón cây và thu hoạch quả, gia đình đã tạo công ăn việc làm cho từ 10 đến 20 lao động, với tiền công trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ chăm chỉ lao động, đến nay anh đã trả hết nợ ngân hàng, có vốn tích lũy để phát triển sản xuất, mua sắm đầy đủ vật dụng trong gia đình, nuôi dạy con nhỏ và tích cực tham gia đóng góp các đợt quyên góp do thôn, xã phát động để xây dựng và phát triển nông thôn mới, chấp hành tốt mọi nội quy, quy định của địa phương.
Chính sự quan tâm của xã hội, lực lượng công an cùng tình cảm của người thân trong gia đình đã giúp cho anh Bằng làm lại cuộc đời. Giờ đây, trong căn nhà đầm ấm, anh Nguyễn Văn Bằng cảm thấy rất may mắn vì có được gia đình hạnh phúc, được cấp ủy chính quyền, bà con lối xóm ủng hộ. Mong muốn lớn nhất của anh là có thể tiếp tục đầu tư phát triển cây na và cây bạch đàn, trồng thêm cây ăn quả, tạo được nhiều việc làm hơn nữa cho người dân. Đặc biệt là những thanh niên đã từng lầm lỡ để họ có công việc ổn định, làm giàu chính đáng trên con đường hoàn lương và thực sự trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Ý kiến ()