Thành công ở Hợp tác xã Thịnh Phương
LSO-Thay vì sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, nhà nông liên kết lại, chuyển sang hình thức sản xuất mới quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn. Câu chuyện ở Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phương (HTX Thịnh Phương), thành phố Lạng Sơn là một ví dụ.
Khu chăn nuôi gà đẻ trứng của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phương |
Năm 2011, 10 hộ gia đình anh em, bạn bè ở các thôn: Pò Đứa, Mai Thành (xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) đã chủ động liên kết lại thành lập nên HTX Thịnh Phương. Anh Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, bản thân gia đình tôi cùng các hộ khác đã nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên sản xuất manh mún, sản phẩm làm ra khi thì thừa thãi không tiêu thụ được; có lúc lại phụ thuộc thời tiết, mất mùa là chuyện bình thường.
Trước thực tế đó, các hộ thành viên đã nghĩ ngay đến việc liên kết lại để sản xuất. Vẫn là trồng rau, nuôi gà, trồng nấm. Thế nhưng cách làm thì khác hoàn toàn. Trước đây mỗi hộ làm riêng lẻ, thấy hiệu quả từ mô hình nào đó muốn nhân rộng thì lại vướng ngay vào thiếu vốn, thiếu đất canh tác, thiếu nhân công… Khi vào hợp tác, người có vốn góp vốn, người có đất góp đất. Công việc trong HTX được phân công rõ ràng từ khâu sản xuất đến các khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được nâng lên rõ rệt.
Gom được vốn, sẵn thêm diện tích đất canh tác rộng rãi của các hộ thành viên, nên ngay sau khi thành lập HTX nhanh chóng bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Ngọc Dương, thành viên HTX chia sẻ: Với kinh nghiệm được tích lũy từ trước nên khi thành lập, HTX hướng chủ yếu vào sản xuất nấm và nuôi gà đẻ trứng. Đối với sản xuất nấm, bản thân tôi được đào tạo bài bản về kỹ thuật cũng như tích lũy được kinh nghiệm, nên ngay sau khi có đất, có vốn, HTX đã nhanh chóng mở rộng diện tích sản xuất. Đến nay, diện tích trồng nấm của HTX lên tới trên 1.000 m2. Cao điểm, mỗi ngày HTX xuất bán khoảng 2 tạ nấm, còn bình thường cũng được 20-30 kg/ngày. Doanh thu từ nấm trung bình từ 200-400 triệu đồng/năm, trừ chi phí HTX vẫn lãi từ 100-200 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, để phát huy tối đa những lợi thế của các thành viên, HTX còn đầu tư phát triển thêm mô hình gà đẻ trứng. Nếu như mô hình sản xuất nấm của HTX chủ yếu được các thành viên tự đảm nhận hết các khâu, thì mô hình nuôi gà đẻ trứng lại khác rất nhiều. Cụ thể, HTX liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP trong việc cung ứng giống, thức ăn, quy trình chăm sóc. Liên kết như vậy vừa đảm bảo chất lượng con giống lại vừa tiết kiệm chi phí thức ăn. Đến nay, HTX vẫn duy trì nuôi 4.500 con gà đẻ, năng suất trung bình khoảng 2.000 quả trứng/ngày. Với giá từ 2.000-2.200 đồng/quả, doanh thu mỗi ngày từ bán trứng của HTX khoảng 4 – 4,4 triệu đồng/ngày.
Rõ ràng, nếu chỉ từng hộ sản xuất riêng lẻ, manh mún thì rất khó có được hợp đồng cung ứng vật tư, thức ăn với số lượng lớn, giá rẻ; khó đảm bảo thị trường tiêu thụ. Đó là những ưu điểm nhìn thấy rõ nhất và là chìa khóa thành công trong sản xuất của HTX Thịnh Phương. Không dừng lại ở đó, thời gian tới, HTX Thịnh Phương cùng với 6 HTX nông nghiệp khác trên địa bàn sẽ xây dựng đề án và thành lập liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ của HTX sẽ tiếp tục rộng mở, HTX sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để vươn lên phát triển. Thay đổi tư duy, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất là nền móng để xây dựng nông thôn mới bền vững.
TÂN AN
Ý kiến ()