Thành công nhờ mô hình trồng hoa áp dụng công nghệ cao
Sinh ra, lớn lên và gắn với nghề trồng rau trên vùng đất thuộc tổ Đa Phước 2, Phường 11, TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), cũng như nhiều nông dân khác, anh Nguyễn Văn Trung (41 tuổi) từng thấm thía cảnh “được mùa nhưng mất giá” do rau không có thị trường tiêu thụ. Trăn trở mãi, cuối cùng anh đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư và thành công với cây hoa cẩm chướng.
Anh Nguyễn Văn Trung với vườn hoa cẩm chướng 1,5 tháng tuổi của mình |
Theo lời anh kể, anh sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân trồng rau nên từ nhỏ đã sớm quen với việc chân lấm tay bùn. Đến năm anh vào lớp 10 thì cũng là lúc gia đình gặp rất nhiều khó khăn, anh đã quyết định nghỉ học ở nhà làm vườn giúp cha mẹ. Sau đó 3 năm (năm 1997), anh lập gia đình và tiếp tục gắn với nghề trồng rau “truyền thống” của gia đình.
Nhờ số tiền mà 2 bên gia đình cho khi đám cưới, cộng với một ít vốn mượn từ bạn bè, người thân, vợ chồng anh quyết định mua đất rồi ra riêng với 1 ha. “Khoảng 10 năm nước, mình vẫn trồng rau. Tuy nhiên, giá rau làm ra bán không ổn định, thậm chí là quá nhiều bấp bênh nên sau nhiều tháng ngày trăn trở; được nhiều người giới thiệu, mình đã lên đường đi tham quan, tìm hiểu một số mô hình trồng hoa tại các nhà vườn trong tỉnh. Qua các chuyến đi này, mình nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vườn nhà mình cũng khá tương đồng tại một số nơi đã thành công với mô hình trồng hoa theo hướng công nghệ cao. Thế là mình bàn với vợ, quyết định đầu tư nhà kính, thiết bị rồi chuyển hẳn sang trồng hoa” – anh Trung kể.
Ban đầu, anh Trung đầu tư trồng hoa cúc và dù mang lại hiệu quả nhất định, song anh vẫn thấy chưa hiệu quả như mong muốn. Thế là anh tiếp tục tìm hiểu và nhận thấy hoa cẩm chướng nhiều người đã trồng ở các địa phương khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trong khi ở địa phương mình chưa trồng nhiều. Từ đó, anh quyết định chuyển hướng sang trồng toàn bộ hoa cẩm chướng.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm nông, cùng với việc chịu khó nghiên cứu, tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng hoa cẩm chướng theo hướng công nghệ cao, anh Trung cuối cùng cũng đã thành công với loài cây này.
Anh Trung cho biết: Trong hệ thống nhà kính, ngoài các thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm, anh còn đầu tư song song 2 hệ thống tưới phun sương và nhỏ giọt, điều khiển chung trong một hệ thống máy móc. Quá trình hoạt động, hệ thống tưới phun sương ở trên, hệ thống tưới nhỏ giọt ở dưới và tùy vào thời tiết, độ ẩm mà canh thời gian tưới: 1 ngày, 2 ngày hoặc thậm chí cả tuần tưới 1 lần, đồng thời sử dụng hệ thống tưới nào cho phù hợp. Khi độ ẩm nhiều thì tưới nhỏ giọt đưa nước vào tận gốc cây mà không làm ướt lá nếu không rất dễ bị nấm bệnh. Ngược lại khi thời tiết nóng thì sử dụng hệ thống tưới phun sương phía trên để làm mát cây. Ngoài ra, trước khi bơm thuốc cho cây phải sử dụng hệ thống tưới phun sương để rửa trôi hết thuốc cũ giúp cho thuốc mới bơm có hiệu quả hơn. Trong khi đó, toàn bộ phân bón thì được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Anh chia sẻ: “Trồng hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả cao hơn hẳn trồng rau, hoa ngoài trời. Với cây hoa cẩm chướng, bên cạnh áp dụng công nghệ cao thì việc siêng năng, chịu khó chăm sóc, quan sát hằng ngày là rất quan trọng giúp mình phát hiện cây bị sâu bệnh xử lý và biết cây cần gì để đáp ứng kịp thời. Hơn nữa, khi còn nhỏ, loài cây này dễ bị bệnh và chết chùm (chết cả bụi) nên cần để ý chăm sóc thường xuyên và phải luân phiên cây trồng. Sau chu kỳ cây cẩm chướng thì chuyển sang trồng hoa cát tường hoặc các loài khác. Việc chọn cây giống cũng không kém phần quan trọng, phải chọn cây giống ở những cơ sở nuôi cấy mô uy tín, chọn cây khỏe, cứng cáp và xử lý đất thật tốt trước khi trồng”.
Hoa cẩm chướng sau 5 tháng trồng sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, đáng nói hơn là với loài cây này, thời gian cho thu hoạch kéo dài từ 1,5 – 2 năm hoặc nhiều hơn tùy vào việc chăm sóc. Trồng được hoa, nhưng chuyện thị trường không phải đơn giản. “Ban đầu nhờ anh em, bạn bè trong nghề giới thiệu các đầu mối tiêu thụ ở TP.Hồ Chí Minh, sau đó mình tự thân phát triển thêm thị trường và nhờ làm ăn uy tín, chất lượng hoa đạt tốt nên dần dần thương lái tìm đến vườn đặt hàng ngày một đông” – anh Trung cho biết thêm.
Hiện nay, bình quân hằng ngày vườn hoa cẩm chướng của anh Trung cho thu hoạch khoảng 250 bó (1 bó có 20 cành) và bán với giá 15.000 – 30.000đ/1 bó, mang về hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo anh Trung, dù giá cả có lúc cao, lúc thấp nhưng vườn hoa của anh chưa bao giờ bị ế phải đổ bỏ. Từ sự thành công này, trong 5 năm liên tục gần đây, anh Trung được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Tháng 11/2013, UBND TP.Đà Lạt đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” – chủng loại hoa cẩm chướng cho vườn của anh.
Cũng theo anh Nguyễn Văn Trung, ngoài cây hoa cẩm chướng, 3 năm trước gia đình anh đã mua thêm 2 ha đất tại xã Xuân Thọ (TP.Đà Lạt) để đầu tư trồng hoa cẩm tú cầu theo hướng công nghệ cao và đến nay đã cho thu hoạch 500 – 700 bông/ngày, bán với giá từ 3.000 – 5.000 đồng/bông, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình.
Cho biết về dự định sắp tới, anh Trung chia sẻ: “Trước mắt mình vẫn ưu tiên các loài cây đã thành công. Còn về lâu dài, nếu điều kiện cho phép mình sẽ tính đến việc mở rộng diện tích và nghiên cứu thêm một số loài hoa có giá trị khác phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nhằm hướng tới xây dựng một số thương hiệu hoa có giá trị tại địa phương mình trên cơ sở áp dụng các kỹ thuật canh tác công nghệ cao”.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()