Thành công nhờ mô hình kinh doanh dịch vụ homestay
– Với khát vọng làm giàu chính đáng, chị Lèo Thị Thim, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Làng Bên, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã không ngừng học hỏi, mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch homestay.
Chị Lèo Thị Thim dọn dẹp phòng lưu trú tại homestay
Chị Lèo Thị Thim sinh năm 1986 trong một gia đình thuần nông ở xã Hữu Liên. Năm 2005, chị lập gia đình và sinh sống ở thôn Làng Bên, xã Hữu Liên. Khi ấy, hai vợ chồng chị chủ yếu làm ruộng nên chỉ đủ ăn, không có thu nhập ổn định. Nhận thấy cần phải tìm hướng đi mới để thoát nghèo nên từ năm 2017, khi UBND xã tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng, gia đình chị Thim là 1 trong 5 gia đình đầu tiên của xã đăng ký tham gia xây dựng mô hình “nhà nghỉ lưu trú Homestay” với tên gọi Homestay Rừng Xanh.
Chị Thim chia sẻ: “Thấy được tiềm năng của xã Hữu Liên là có những đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm, mà chỗ ăn nghỉ phải ra thị trấn rất xa, gia đình tôi đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng và xây dựng homestay tại chính ngôi nhà sàn của mình, đồng thời sửa sang lại và thiết kế thêm các phòng nghỉ riêng”.
Ban đầu, khi mới thực hiện, gia đình chị Thim cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm kinh doanh dịch vụ homestay, khách hàng cũng chưa biết đến nên số lượng khách không nhiều. Để có thêm kinh nghiệm, chị đã đi tham quan các mô hình ở các tỉnh khác như: Hòa Bình, Sơn La… và tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ du lịch do huyện, tỉnh tổ chức. Ngoài ra, chị còn tích cực quảng bá homestay trên các trang mạng xã hội để nhiều người biết đến hơn, nhờ đó, lượng khách đến lưu trú tại homestay cũng ngày càng tăng.
Năm 2020, nhận thấy nhu cầu của du khách đến tham quan, lưu trú ngày càng đông, nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ ngày càng nhiều, gia đình chị Thim đã đầu tư xây dựng thêm một homestay và cung cấp thêm nhiều dịch vụ khác tại homestay như: dịch vụ ngâm chân, tắm thuốc nam người Dao; trải nghiệm gói bánh chưng đen, bánh bí đỏ; chèo thuyền Kayak…
Hiện nay, lượng khách đến tham quan, lưu trú tại 2 homestay của gia đình luôn ổn định, trung bình mỗi tháng khoảng 180 đến 200 lượt khách, thu nhập sau khi trừ chi phí đạt 45 triệu đồng mỗi tháng. Bình quân mỗi năm, gia đình có thu nhập 400 triệu đồng.
Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, nhờ phát triển hiệu quả mô hình kinh doanh dịch vụ homestay, gia đình chị còn tạo việc làm cho 6 – 7 lao động làm việc trực tiếp tại homestay với thu nhập bình quân từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/ngày.
Bà Hoàng Thị Thếp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hữu Liên cho biết: Chị Lèo Thị Thim là tấm gương phụ nữ điển hình trong phong trào phát triển kinh tế gia đình của xã. Gia đình chị là một trong những hộ tiên phong đầu tư cơ sở vật chất hiện đại phát triển dịch vụ homestay. Từ một trường hợp có điều kiện kinh tế còn khó khăn, với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, chị Thim đã vượt qua mọi khó khăn để xây dựng thành công mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển của gia đình để giúp đỡ hội viên khác vươn lên phát triển kinh tế. Với những nỗ lực đó, nhiều năm liền, tại các cuộc họp sơ kết năm, chị Thim đều được hội biểu dương, khen thưởng. Năm 2019, ý tưởng kinh doanh dịch vụ homestay của chị Thim đạt giải ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.
Sự thành công của chị Thim trong việc phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ homestay đã tạo sức lan tỏa đến nhiều hội viên, người dân trên địa bàn xã cùng tham gia. Đến nay, trên địa bàn xã có 19 hộ kinh doanh dịch vụ homestay, đón khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của xã.
Ý kiến ()