Thành công mới của chuyên ngành ghép tạng
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Quân đội 108 vừa thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên ở nước ta từ người cho chết não hiến tạng. Ca ghép phổi thành công là đỉnh cao mới và khẳng định trình độ, tay nghề của các thầy thuốc Việt Nam nói chung và Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 nói riêng trong chuyên ngành ghép tạng.
Với anh Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, ở Nam Ðịnh), ngày 26-2-2018 mãi là một ngày đáng nhớ, có lẽ là ngày thứ hai anh được sinh ra. Cuộc sống của anh Hanh những năm gần đây gắn liền với những cơn ho dai dẳng, thậm chí liên tục phải đi bệnh viện trong tình trạng cấp cứu với những cơn khó thở triền miên, thậm chí còn phải sống nhờ vào máy thở hỗ trợ bởi căn bệnh suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Các phương pháp điều trị nội khoa đều không đạt kết quả, chỉ còn phương án ghép phổi là cách duy nhất để có thể cứu được người bệnh. Sau khi một người bệnh được xác định chết não, gia đình đồng ý hiến tạng, các bác sĩ đã hội chẩn, đánh giá các điều kiện phù hợp, anh Hanh đã may mắn được nhận phổi.
Trong tám giờ thực hiện, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp và Vương quốc Bỉ, các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã thực hiện ghép thành công hai lá phổi của người hiến tặng cho anh Hanh; còn tim, thận, giác mạc được điều phối ghép cho năm người bệnh khác. Trong đó, tim và một quả thận được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh ghép cho một người bị suy tim giai đoạn cuối và một người suy thận. Sau hơn 20 ngày được ghép, sức khỏe anh Hanh đã bình phục tới 80%, tự đi lại được, giao tiếp, tự thở, thông khí phổi, mọi sinh hoạt bình thường dần ổn định… Sức khỏe những người được ghép tạng khác cũng đều ổn định, có người đã được ra viện. Ðây là ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện từ nguồn tạng từ người cho chết não hiến tặng.
GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, tổng chỉ huy ca ghép phổi đầu tiên này đánh giá: Ðây là một thành công rất lớn, không chỉ cho ca ghép phổi nói riêng mà cho cả năm ca phẫu thuật ghép đa tạng song song khác được thực hiện ở cả hai miền đất nước. GS, TS Mai Hồng Bàng khẳng định, ghép phổi là thách thức lớn với y học Việt Nam, là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng hiện nay bởi sự phức tạp, khẩn trương, chuyên sâu, nhất là sự phối hợp chặt chẽ từ các khâu trong quy trình kỹ thuật.
Bác sĩ Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108), người trực tiếp tham gia ghép phổi chia sẻ thêm: Một trong những điều gay cấn, hồi hộp nhất trong ca ghép đa tạng lần này, là việc điều phối quả tim và thận vào Bệnh Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh để ghép. Các bác sĩ chỉ có tối đa hơn sáu tiếng đồng hồ sau khi phẫu thuật lấy tạng nhưng phải di chuyển chặng đường hơn 1.800 km. Việc bảo đảm được thời gian giới hạn này đòi hỏi sự kỹ lưỡng, nhịp nhàng ở mức cao nhất giữa cả nơi lấy và nơi nhận. Rất mừng là quá trình chuyển tạng vào TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của cơ quan hàng không (hạn chế các thủ tục) và Công an TP Hồ Chí Minh (bố trí xe chuyên dụng và dẫn đường để tránh tắc đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về tới Bệnh viện Chợ Rẫy).
Bác bác sĩ khẳng định, ghép phổi từ người cho còn sống đã rất khó khăn thì ghép phổi từ người cho chết não phức tạp, khó khăn hơn nhiều. Bởi lẽ, đây là trạng thái ghép cấp cứu, không có nhiều sự chuẩn bị trước, đòi hỏi sự khẩn trương, nhanh chóng. Bắt buộc bệnh viện phải bảo đảm tuyệt đối từ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Tiếp đó, việc điều trị sau ghép, chống thải ghép, chống nhiễm khuẩn cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu. Ðiều khó nhất trong ca ghép phổi này là hồi sức chết não, các bác sĩ bắt buộc làm sao phải giữ được phổi nguyên vẹn trong một thời gian ngắn trước ghép. Ðồng thời triển khai kỹ thuật gây mê, hồi sức và chống thải sau ghép…
GS, TS Mai Hồng Bàng cho biết, để có sự thành công của ca ghép phổi này bệnh viện đã có bước chuẩn bị rất công phu, bài bản trong ba năm qua, từ xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đến cử các kíp bác sĩ đi đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Là sản phẩm đặc biệt của Ðề tài Khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu triển khai ghép phổi từ người cho chết não” và “Ðề án khoa học công nghệ tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108”, trong quá trình chuẩn bị, bệnh viện đã cử hơn 30 bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng sang học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện, trung tâm hàng đầu thế giới về ghép tạng, như: bệnh viện Foch (CH Pháp), Bệnh viện Yangsan (Hàn Quốc), Bệnh viện Fukuoka (Nhật Bản). Bệnh viện cũng tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bệnh viện hàng đầu trong nước về ghép tạng như: Hữu nghị Việt Ðức, Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh. BS Hoàng Anh Dũng, chuyên gia ghép tạng từ Vương quốc Bỉ khẳng định, ca ghép phổi của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới. Các chuyên gia của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã thật sự làm chủ kỹ thuật ghép rất khó khăn, phức tạp này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()