Thành công lớn về ngoại giao của Iran
Việc Iran trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được xem là cột mốc quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tehran.
Quyết định kết nạp Iran là thành viên chính thức thứ 9 đã được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 các nhà lãnh đạo SCO tổ chức mới đây tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan. SCO là một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập từ năm 2001 với các quốc gia thành viên ban đầu là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Hiện nay, SCO được xem là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới xét về diện tích địa lý và dân số khi trải dài 3/5 lục địa Á-Âu, chiếm gần ½ dân số thế giới và đóng góp khoảng 25% GDP toàn cầu.
Tuy cùng là quan sát viên từ năm 2005 và nộp đơn xin gia nhập muộn hơn nhưng Ấn Độ và Pakistan lại được kết nạp vào SCO sớm hơn Iran. Theo kênh truyền hình CGTN, Ấn Độ và Pakistan đã trở thành thành viên chính thức của SCO vào năm 2017 sau khi nộp đơn xin gia nhập vào năm 2015. Trong khi đó, Iran đã nộp đơn xin gia nhập SCO từ năm 2008. Nói như vậy để thấy rằng, hành trình hơn 10 năm để Iran được nâng cấp quy chế từ quan sát viên trở thành thành viên chính thức của SCO là không hề dễ dàng.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 các nhà lãnh đạo SCO được tổ chức mới đây tại Tajikistan. Ảnh: Tân Hoa xã |
Theo CGTN, trước thời điểm Iran ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với nhóm P5 1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), SCO có quy định, mọi quốc gia muốn được kết nạp đều phải đáp ứng tiêu chuẩn là không chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sau khi JCPOA được ký kết, theo đó, Iran thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, SCO đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận về việc kết nạp Tehran.
Thế nhưng, một trở ngại khác lại xuất hiện. Các quyết định của SCO được đưa ra dựa trên nguyên tắc đồng thuận và mọi quốc gia thành viên đều có quyền phủ quyết. Thời điểm này, việc kết nạp Iran vào SCO đã vấp phải sự phản đối của Tajikistan. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa hai quốc gia, liên quan tới mối quan hệ giữa Iran với phe đối lập tại Tajikistan.
Không dừng lại ở đó, căng thẳng leo thang giữa Iran và Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua chính sách “gây sức ép tối đa” của Washington cũng đã gián tiếp ảnh hưởng tới triển vọng gia nhập SCO của Tehran. “Nhiều nước thành viên SCO lo ngại một cuộc đối đầu mới giữa Iran và Mỹ sẽ lan tới khu vực mình. Kể từ khi thành lập, SCO với tư cách là một tổ chức khu vực vẫn theo đuổi “chính sách hướng nội” và không có ý định đối đầu với Mỹ hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, tạp chí Eurasia Daily Monitor nhận định.
Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, tư cách quan sát viên cũng không thể cản trở quan hệ hợp tác thực chất giữa Iran và SCO. Dẫn chứng được học giả Nicole Grajewski của Đại học Harvard (Mỹ) đưa ra trong bài viết đăng trên trang mạng của Viện Washington về Chính sách Cận Đông có trụ sở tại Washington là việc giới chức Iran thường xuyên tham dự các hội nghị thượng đỉnh, các cuộc họp cấp bộ trưởng, các cuộc diễn tập chống khủng bố của SCO. Cùng chung quan điểm, CGTN khẳng định, sự hợp tác tốt đẹp thậm chí còn được thắt chặt hơn ở cấp độ song phương giữa Iran với các quốc gia thành viên SCO, như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan.
Trong bối cảnh quan hệ Iran-Tajikistan có dấu hiệu “tan băng” sau chuyến thăm của Tổng thống Hassan Rouhani hồi năm 2019, cùng với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đưa Washington quay trở lại JCPOA, Iran và các cường quốc nối lại đàm phán khôi phục thỏa thuận này, triển vọng Tehran gia nhập SCO được xem như trở nên tươi sáng hơn. Sau cuộc điện đàm hồi tháng 8 vừa qua với người đồng cấp Nga Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran Ali Shamkhani cũng tuyên bố “các rào cản chính trị” đã được dỡ bỏ.
Theo tạp chí Eurasia Daily Monitor, việc Iran trở thành thành viên chính thức thứ 9 của SCO cho thấy thành công đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo trong việc gia nhập một tổ chức an ninh khu vực, sau khi Tehran rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Trung tâm (CENTO) hồi năm 1979. Trong khi đó, học giả Nicole Grajewski cho rằng đây là một thành công lớn về ngoại giao của Iran. “Gia nhập SCO là một mục tiêu lâu dài của Tehran trong một nỗ lực nâng cao vị thế quốc tế cũng như thúc đẩy quan hệ với phương Đông. Tư cách thành viên chính thức của SCO được xem là phương tiện để Iran củng cố các mối quan hệ song phương, đa phương với Nga, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á, đồng thời nâng cao vai trò của Tehran trong các vấn đề an ninh khu vực”, học giả Nicole Grajewski nhấn mạnh.
Ý kiến ()