Thành công lớn từ những phiên chợ nhỏ
LSO-Sau 5 năm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh đã tổ chức thành công hơn 20 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại tất cả các huyện. Các phiên chợ đã góp phần giúp người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận, sử dụng hàng Việt chất lượng, thay đổi tâm lý tiêu dùng và nhà sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ.
Người dân mua hàng Việt tại phiên chợ Lộc Bình |
Từ những phiên chợ nhỏ
Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức với hình thức như một hội chợ thương mại nhưng khác biệt là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia gian hàng đều ở trong nước và hàng hóa được bày bán 100% là hàng có thương hiệu Việt. Trung bình mỗi năm tỉnh tổ chức từ 3 đến 5 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện. Mỗi phiên chợ có quy mô từ 50 – 70 gian hàng tiêu chuẩn, thu hút từ 30 – 50 doanh nghiệp tham gia. Để thu hút người dân, trước mỗi phiên chợ hàng Việt, Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với các huyện tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, thông tin, cổ động. Nhờ vậy, mỗi phiên chợ hàng Việt tổ chức thường thu hút trên 3.000 lượt người đến tham quan, mua sắm. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, tỉnh đã tổ chức được 4 phiên chợ tại các huyện Tràng Định, Cao Lộc, Đình Lâp, Lộc Bình và dự kiến tổ chức phiên chợ thứ 5 tại huyện Chi Lăng vào giữa tháng 10 năm 2014.
Ông Từ Như Hiển, Cán bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết: Để đảm bảo sự thành công của các phiên chợ cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo uy tín cho doanh nghiệp, trung tâm rất chú trọng đến công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa. Theo đó, hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tham gia có các chương trình khuyến mãi, thực hiện các chương trình từ thiện, an sinh xã hội lồng ghép trong khuôn khổ hội chợ. Cùng với đó tổ chức các hoạt động ý nghĩa như giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo vượt khó… Vì vậy, hiệu quả của các phiên chợ hàng Việt đã được thể hiện rõ nét.
Chuyển biến nhận thức người dân
Sau 5 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức hơn 20 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Mỗi phiên chợ có nét đặc trưng riêng phù hợp với từng vùng, miền. Các phiên chợ được tổ chức đã đạt doanh số bán trung bình 1,2 tỷ đồng. Riêng năm 2014, phiên chợ đã được tổ chức lồng ghép với hội chợ thương mại nên đã có kết quả cao hơn. Ông Bùi Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết: Từ sự thành công của phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn những năm trước, năm 2014 Trung tâm đã tổ chức lồng ghép cùng hội chợ thương mại với hình thức khu gian hàng Việt riêng và khu gian hàng thương mại riêng. Sự thay đổi này nhằm tăng quy mô của phiên chợ, thu hút người dân đến tham quan mua sắm. Và quan trọng là qua đó có thể so sánh, đánh giá về tâm lý tiêu dùng của người dân đối với hàng Việt. Mặc dù số lượng các gian hàng của khu hội chợ thương mại nhiều hơn, hàng hóa có phần phong phú hơn nhưng không ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của khu Phiên chợ hàng Việt. Theo tổng hợp báo cáo sơ bộ của các doanh nghiệp tham gia gian hàng thì trong 4 phiên chợ vừa được tổ chức đều đạt doanh số bán khoảng 1,5 tỷ đồng.
Doanh số bán hàng tại các phiên chợ luôn đạt được theo dự kiến, tuy đó không phải là mục đích chính của các phiên chợ nhưng đã góp phần khẳng định nhận thức và tâm lý tiêu dùng hàng Việt của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Anh Hoàng Văn Tùng, khu 5, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định chia sẻ: Trước đây, khi mua sắm gia đình tôi thường quan tâm đến hàng hóa giá rẻ, mẫu mã đẹp, không quan tâm lắm đến xuất xứ Việt Nam hay Trung Quốc, nhưng từ khi cuộc vận động được tuyên truyền mạnh mẽ gia đình đã dần thay đổi thói quen mua sắm. Đặc biệt, khi đến tham quan, mua sắm hàng hóa tại một số phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại huyện tôi đã có cơ hội đánh giá chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước nên đã chuyển sang sử dụng hàng hóa Việt Nam.
Việc người dân ưu tiên lựa chọn hàng thương hiệu Việt khi mua sắm đã cho thấy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát huy hiệu quả thiết thực. Qua đó, vừa giúp người dân Việt Nam, nhất là người dân vùng nông thôn được sử dụng hàng Việt chất lượng, giá cả phù hợp, vừa giúp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Có thể nói, các phiên chợ nhỏ đã góp phần tạo ra chuyển biến lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung.
ANH DŨNG
Ý kiến ()