Thành công bước đầu từ chăn nuôi lợn khép kín
– Nhờ mạnh dạn, năng động, dám nghĩ dám làm, anh Hứa Văn Phòng, thôn Minh Tiến, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín. Mô hình chăn nuôi lợn đã đem lại thu nhập cho gia đình anh 100 triệu đồng/tháng.
Anh Hứa Văn Phòng sinh năm 1985 trong một gia đình thuần nông tại thôn Minh Tiến, xã Thiện Tân. Trước đây, gia đình anh chỉ làm ruộng nên thu nhập bấp bênh. Đến năm 2008, anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang chăn nuôi lợn với mong muốn phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Hứa Văn Phòng vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn
Anh Phòng chia sẻ: Những ngày đầu khi mới xây dựng mô hình, trung bình mỗi lứa gia đình tôi nuôi từ 30 đến 40 con lợn thịt, thu nhập đem lại đạt 100 đến 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đến năm 2020, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên đàn lợn của gia đình tôi bị chết hết, phải tiêu hủy hàng trăm con lợn.
Không chịu lùi bước trước khó khăn, anh Phòng quyết tâm tìm hiểu về các mô hình chăn nuôi lợn không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Từ đó, anh không ngừng tìm tòi qua sách, báo, mạng internet và đến tham quan, học tập các mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học tại tỉnh Bắc Giang. Tháng 10/2021, anh mạnh dạn vay 500 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi khép kín với diện tích trên 200 m2, anh xây dựng thành 2 khu chuồng riêng biệt cho lợn nái và lợn thịt. Đồng thời, lắp đặt các thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ chăn nuôi như: máng ăn tự động, hệ thống điều hòa làm mát, hầm biogas…
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phòng cho biết thêm: Ban đầu gia đình tôi nuôi 10 con lợn nái để gây giống. Với cách làm này không chỉ giúp gia đình tự chủ được con giống mà còn giúp đàn lợn hạn chế được dịch bệnh khi mua lợn giống từ bên ngoài. Ngoài ra, thất bại từ lần chăn nuôi trước, tôi rút ra kinh nghiệm là cần chăn nuôi tập trung, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đàn lợn phát triển ổn định và hạn chế dịch bệnh.
Ngoài ra, mỗi ngày, trang trại đều được khử trùng toàn bộ khuôn viên, định kỳ hằng ngày tắm cho lợn một lần, đảm bảo chuồng trại và nguồn nước, thức ăn phải sạch sẽ để tăng cường khả năng đề kháng của lợn. Điều đặc biệt là ngay cả khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát thì gia đình anh vẫn luôn tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt như: tiêm phòng đầy đủ, không cho người từ bên ngoài vào khu chuồng trại để hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài vào.
Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi về kỹ thuật chăn nuôi lợn, từ 10 con lợn nái ban đầu, đến nay, trong chuồng trại của gia đình anh luôn có 100 con lợn thịt. Từ đầu năm 2022 đến nay, gia đình anh xuất bán ra thị trường từ 20 đến 30 con lợn thịt/tháng, thu nhập 100 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí. Ông Lý Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Tân nhận xét: Mô hình chăn nuôi lợn khép kín của anh Phòng là một trong những mô hình chăn nuôi tiêu biểu của xã. Nhờ sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi, bước đầu anh đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tuyên truyền người dân học tập cách làm, đặc biệt là hướng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học để nhân rộng, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Ý kiến ()