Tháng Tư thăm quê hương chị Sứ
LSO-Từ quốc lộ 80 rẽ vào một con đường bê tông nhỏ song song với kênh 9 - kênh đưa nước ngọt từ Rạch Giá - Hà Tiên về thau phèn rửa mặn cho cả một khu vực rộng lớn ven vịnh Cây Dương. Xa xa Hòn Đất hiện lên xanh thẫm giữa bát ngát cánh đồng đang vào vụ gặt…
Mộ chị Sứ tại Hòn Đất |
Nắng dát vàng xuống những con kênh, xuyên qua những kẽ lá của vườn xoài cổ thụ, như rải những nụ hoa xuống con đường nhựa phẳng phiu uốn lượn quanh Hòn Đất, hắt lên sườn núi đá hoa cương màu xám bạc, tôn lên sự hoành tráng của khu di tích. Giữa vùng đồng bằng châu thổ, thiên nhiên đã ban tặng cho xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang 3 ngọn núi (Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo) và cũng trao cho địa phương này một trọng trách thiêng liêng: là căn cứ cách mạng của huyện Hòn Đất, là khởi đầu của con đường 1C- sợi dây kháng chiến bền chặt nối đồng bằng Sông Cửu Long với khu U Minh- Đồng Tháp Mười, niềm tự hào của thanh niên xung phong Miền Tây Nam bộ. Để hoàn thành trọng trách ấy, con người đất “Xứ Ba Hòn” cũng cứng như những tảng đá hoa cương, là điểm tựa cho Đảng bộ Hòn Đất, thành con người của lịch sử và là nguyên mẫu của văn học.
Vòng qua bờ hồ rộng, nở đầy bông súng được cải tạo từ hố bom B52, chúng tôi lên thắp nén nhang thơm trước mộ chị Phan Thị Ràng (Tư Phùng)- nguyên mẫu nhân vật chị Sứ của nhà văn Anh Đức. Đã nhiều lần đọc và nghiên cứu tác phẩm, đã nhiều đêm thao thức với trang giáo án để giảng cho học sinh trung học, hôm nay, đứng trước mộ chị Sứ, nghe giọng anh hướng dẫn viên mà lòng vẫn bồi hồi xúc động. Những cái tên thực ngoài đời đã trở thành nhân vật trong tác phẩm văn chương, thực đến nỗi bà Cà Mỵ ngày nay (nhân vật Cà Mỵ trong tác phẩm Hòn Đất), khi gặp khách cứ thanh minh rằng mình không phải là em gái của tên trung úy Săm độc ác. Chỉ tay hướng sang bên trái, anh hướng dẫn viên nói rằng: Trên kia là Hang Hòn, nơi xảy ra trận chống càn ác liệt tháng 1/1962, chị Tư Phùng bị bắt và sau nhiều ngày bị tra tấn dã man, giặc đã nhổ những cây cọc tre đâm nát thân thể chị. Trước khi rút, chúng còn gài rất nhiều mìn, lựu đạn vào thân thể chị, hòng “hốt mẻ cuối cùng” khi du kích ra lấy xác. Thân thể chị bị tung thành nhiều mảnh, người dân đi thu lượm về an táng tại đây. Dân Hang Hòn, người đi qua đều đặt vào mộ chị những hòn đất, viên đá… Hơn chục năm với hàng trăm trận càn, hàng ngàn tấn bom rải thảm, vùng đất này bị cày đi, xới lại nhiều lần, song kỳ lạ thay, mộ của chị vẫn không hề bị suy chuyển. Từ mộ chị Sứ nhìn lên những tấm đá hoa cương khắc tên 960 liệt sỹ của vùng đất “Ba Hòn” – minh chứng cho sự hy sinh lớn lao của người dân nơi đây cho cách mạng. Dưới sân rộng của khu di tích, người dân đang phơi thóc, những mẻ thóc được nắng như những tấm thảm vàng nơi đồng quê yên bình…
Tạm biệt nơi an nghỉ của chị Sứ, chúng tôi tìm đến Hang Hòn. Đi qua khu vườn rộng xum xuê những cây xoài cổ thụ, dòng suối Lươn nước róc rách ẩn sâu dưới lùm cây rậm rạp. Đây chính là mạch sống của người dân Hang Hòn, là nơi giặc thả thuốc độc để đầu độc du kích trong hang mà nhà văn đã nhắc đến. Lần ngược dòng suối là đường lên Hang Hòn với những dây leo chằng chịt phủ trên những tảng đá hoa cương rất lớn nằm chồng lên nhau. Tay lần, chân bước, ngược “ma trận” của đá mà chúng tôi tưởng tượng ra trận Hang Hòn đã được nhà văn Anh Đức miêu tả trong tác phẩm. Đúng là thế trận của đá cùng với lòng dân đã làm nên địa danh Hòn Đất.
Thăm Hòn Đất giữa tháng Tư lịch sử, tôi nhớ lại lời của nhà văn Anh Đức “… Một yếu tố khiến tôi tin tưởng là ngay từ trong chuyện đã xuất hiện một người con gái, đã sống và đã chết như một nữ anh hùng… Tôi rất sung sướng về một chị Sứ trong Hòn Đất do tôi xây dựng nên từ một nguyên mẫu đã trở thành nhân vật văn học đến cùng bạn đọc gần xa. Tôi hy vọng hình tượng chị Sứ sẽ sống lâu trong lòng bạn đọc qua các thế hệ, nhất là đối với các em gái nhỏ sắp lớn lên thành những người con gái trên xứ sở xanh tươi, yên bình của chúng ta”.
TRẦN KIM
Ý kiến ()