Tháng Tư ở Trường Sa
– Quần đảo Trường Sa – một phần máu thịt của Tổ quốc, ở nơi ấy, mỗi năm có tới trên 130 ngày bão; mỗi tháng lại từ 13 đến 20 ngày gió mạnh. Thiên nhiên khắc nghiệt là thế, nhưng vẫn “chừa ra” những ngày tháng Tư trời yên, biển lặng, để chúng tôi, những người từ đất liền được ra thăm các anh – những người lính hiên ngang, kiên cường trước đầu sóng ngọn gió, ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đoàn công tác tỉnh Lạng Sơn chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc
chủ quyền tại đảo Sinh Tồn Đông
Tình cảm từ đất liền
Đoàn công tác thăm Trường Sa của tỉnh Lạng Sơn năm nay có 15 thành viên và tất cả đều chưa một lần đặt chân tới vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc. Bởi vậy, để chuẩn bị thật tốt cho chuyến đi, ngay từ những ngày đầu tháng Tư, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng đoàn công tác đã chủ trì cuộc họp đoàn, bàn thảo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từ vận động ủng hộ cán bộ, chiến sĩ đến các phương án hậu cần, phân công tổ văn nghệ, tuyên truyền…
Đại diện cho khối doanh nghiệp tham gia đoàn công tác, bà Nguyễn Kim Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: Được đến Trường Sa thăm, động viên cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa là mơ ước của tôi từ rất lâu rồi. Lần này, mặc dù thời gian khá gấp rút, nhưng tôi cũng đã kịp chuẩn bị một số quà đặc sản của Lạng Sơn để tặng chiến sĩ trên đảo; công ty cũng đóng góp 30 triệu đồng để chung tay cùng đoàn công tác động viên các chiến sĩ Trường Sa.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn và đoàn công tác tỉnh Lạng Sơn
đọc Báo Lạng Sơn trong giờ giải lao
Được tham gia đoàn công tác của tỉnh lần này, ông Trần Hồng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cũng tất bật lên danh sách các vật dụng thiết yếu có thể mang theo để tặng lính đảo. Ông Nghĩa cho biết: Ngoài 20 triệu đồng đơn vị ủng hộ, tôi tham khảo kinh nghiệm từ thành viên của các đoàn trước để biết những vật dụng gì hữu ích nhất đối với cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa, rồi chọn mua, đóng gói để làm quà. Những món quà tuy nhỏ, nhưng là cả tấm lòng, tình cảm của chúng tôi đối với Trường Sa.
Mặc dù thời gian khá gấp rút nhưng với sự chủ động chung tay, góp sức của các thành viên trong đoàn công tác, chỉ trong vài ngày số tiền, quà do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp để ủng hộ Trường Sa đã lên đến gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, những vật dụng sinh hoạt thiết yếu hằng ngày như: dao cạo râu, đèn pin… cũng được đoàn chuẩn bị chu đáo để tặng các chiến sĩ Trường Sa.
Trong đợt thăm Trường Sa lần này, ngoài đoàn công tác Lạng Sơn còn có đoàn công tác của các tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa; một số cơ quan trung ương. Qua trao đổi thông tin, trước chuyến đi, các đoàn cũng đã chuẩn bị rất chu đáo các phần quà để động viên cán bộ, chiến sĩ với tổng giá trị trên 9 tỷ đồng. Đoàn văn công với các nghệ sĩ đến từ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long; Nhà hát cải lương, Nhà hát chèo Hà Nội…cũng luyện tập kỹ càng để mang đến cho quân và dân Trường Sa những tiết mục văn nghệ đặc sắc. Tất cả đã sẵn sàng với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa”.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh giao lưu văn nghệ với đoàn công tác
Niềm tin nơi biển đảo
Xuất phát tại cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, sau gần 48 giờ di chuyển trên tàu HQ 561, rạng sáng 14/4, đoàn chúng tôi đến điểm đảo đầu tiên trên hải trình thăm Trường Sa. Trước mắt chúng tôi, Sinh Tồn Đông như tấm thảm xanh giữa khơi xa, nổi bật trên nền xanh ấy là lá cờ Tổ quốc tung bay, lời khẳng định vững chắc về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Điểm đến đầu tiên này cũng là nơi tuyến đầu, có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ của ta ở quần đảo Trường Sa. Đảo không có nước ngọt, trước đây, đất trên đảo chỉ là nền cát san hô nên không trồng được cây xanh. Khắc nghiệt là thế, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là lá chắn thép giữa trùng khơi và cũng là chỗ dựa vững chắc để ngư dân của ta vươn khơi, bám biển.
Đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh đảo, Thiếu tá Đặng Thế Anh, trợ lý hóa học đảo Sinh Tồn Đông cười tươi: Có ý chí và niềm tin thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Bác của chúng ta đã từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”, thực hiện lời dạy ấy, cùng với cả nước, chúng tôi luôn kiên định, khắc phục mọi khó khăn để bảo vệ một phần máu thịt của Tổ quốc.
Mặc dù điều kiện khắc nghiệt, nhưng với sự hỗ trợ từ đất liền và những nỗ lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ, giờ đây đảo Sinh Tồn Đông đã được phủ xanh cây phong ba, bàng quả vuông, các loại hoa và cả khu tăng gia với vườn rau, chuồng trại; những mầm xanh trên đảo nhú lên từ đất cằn, vươn lên trong gió bão với sức sống mạnh mẽ đúng như tên đảo: Sinh Tồn.
Rời Sinh Tồn Đông, đoàn chúng tôi tiếp tục đến thăm các điểm đảo: Len Đao, Tiên Nữ, Lúi Le B, Phan Vinh A, Thuyền Chài A… Tháng Tư là mùa biển lặng, thế nhưng không phải lặng hoàn toàn. Trong hải trình thăm các điểm đảo cũng có lúc sóng to, gió lớn, cũng có lúc mưa giông. Có lẽ thiên nhiên phải thử thách “nhè nhẹ” như vậy để đoàn công tác chúng tôi cảm nhận rõ hơn những nhọc nhằn của cán bộ chiến sĩ nơi đây, để thấy được những hiểm nguy khi ca nô không cập được cầu tàu đảo An Bang; để cảm nhận những cơn mưa rát mặt trên đảo Trường Sa Đông…
Vừa tỉ mẩn buộc lại từng giò phong lan sau trận gió lớn trên đảo Thuyền Chài A, chiến sĩ trẻ Đặng Văn Kiên (21 tuổi, quê Bình Thuận) vừa chia sẻ: Được công tác tại đảo, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương là vinh dự, tự hào, và cũng là trách nhiệm của mỗi người dân đất Việt, từ suy nghĩ ấy em đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ làm nhiệm vụ ngoài đảo xa. Nơi đây dẫu còn khó khăn, gian khổ, nhưng cùng với sự động viên từ đất liền, sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, em và đồng đội luôn quyết tâm, chủ động khắc phục, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đó cũng là suy nghĩ, là lý tưởng của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Tại tất cả những điểm đảo chúng tôi đến, dù là đảo nổi hay đảo chìm, dù điều kiện thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, dù khó khăn gian khổ đến nhường nào, điều mà chúng tôi cảm nhận được vẫn là sự lạc quan, tin tưởng và hăng say trong huấn luyện, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu cao của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.
Chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn chăm sóc vườn ươm cây giống
Những cảm xúc thiêng liêng
Có lẽ không nơi đâu như Trường Sa, nơi mà chỉ một lần đến đã mang lại cho mỗi người mọi cung bậc của cảm xúc. Đó là cảm giác tim như thắt lại khi làm lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì biển đảo quê hương; là niềm tự hào đến vô bờ khi hát vang Quốc ca dưới cờ đỏ sao vàng trên đảo Trường Sa Lớn; là tình yêu, sự tin tưởng, cảm phục với những cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng; là cảm giác bình yên khi đứng dưới tán cây phong ba nghe tiếng chuông chùa trên đảo xa…
Những cảm xúc thiêng liêng ấy nhắc nhở chúng tôi luôn ghi nhớ công lao của những người đã ngã xuống, phải ra sức phấn đấu hơn nữa để chung tay gìn giữ và phát huy những thành quả hôm nay. Tôi vẫn nhớ mãi những vần thơ xúc động của Cục trưởng Cục Thuế Lạng Sơn Trần Hồng Nghĩa đọc trong ngày cuối của chuyến hải trình:
“…Văn tế Gạc Ma nghẹn ngào tâm trí,
Những Anh hùng quyết tử giữ quê hương
Biển ôm các anh thay mẹ đất liền.
Yên nghỉ nhé hòa hồn thiêng sông núi,
Các thế hệ sau vẫn đang tiếp nối
Theo các anh giữ biển đảo quê hương
Để các em thơ vui bước đến trường
Dẫu bao vất vả, hy sinh chẳng quản…”
Và trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những người lính nơi đầu sóng không đơn độc, bởi:
“…Cùng các anh, lòng chúng tôi không nản
Dạy cháu con biết truyền thống quê hương
Xây dựng Việt Nam lớn mạnh, hùng cường
Tự tin sống trong tự do, độc lập.”
Chia tay Trường Sa, hải trình 10 ngày tuy chưa đến hết được các điểm đảo, nhưng chuyến đi này đã để lại những cảm xúc, kỷ niệm thiêng liêng với mỗi chúng tôi. Mỗi cột mốc chủ quyền nơi đây thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các thế hệ cha anh và để gìn giữ thành quả ấy, những thế hệ ngày nay vẫn đang tiếp bước, vững vàng, hiên ngang nơi đầu sóng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ý kiến ()