Tháng Tám trong tâm thức người Việt ở nước ngoài
Đã 70 mùa thu, kể từ ngày 2-9-1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giờ phút lịch sử vĩ đại, thiêng liêng, từ thành công của Cách mạng Tháng Tám rồi đến Quốc khánh 2-9 vẫn khắc sâu trong trái tim của những người con đất Việt ở xa Tổ quốc, trong đó có kiều bào ở Pháp.
Dù không là nhân chứng được hòa mình trong không khí thiêng liêng những sự kiện lịch sử đó, nhưng bà con Việt kiều ở Pháp từng tham gia các hoạt động phong trào hướng về quê hương đều biết những hình ảnh hùng tráng của cuộc Cách mạng Tháng Tám và thời khắc khai sinh của chế độ mới – nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp cho biết: Tôi sang Pháp năm 1954 lúc mới 16 tuổi, tức là chín năm sau sự kiện lịch sử đó nên chỉ được nghe các bác kể lại về niềm hân hoan của người Việt bị buộc phải xa Tổ quốc. Mấy ngày sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, các bác công nhân, lính thợ Việt Nam tại Pháp đã đấu tranh để được treo cờ đỏ sao vàng trong các trại. Hình ảnh cuộc đấu tranh đó để lại dấu ấn quan trọng trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp. Những năm sau đó, các hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 ở Pháp luôn có ý nghĩa đặc biệt và được gọi là “Tết Độc lập”.
Đối với ông Nguyễn Văn Bổn và nhiều Việt kiều yêu nước ở Pháp, việc kỷ niệm ngày lễ trọng đại của dân tộc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 không dễ dàng, phải bí mật nhưng tràn đầy cảm xúc. Ông nói: “Mãi tới lúc đó tôi mới được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng, đó là hình ảnh mà tôi còn nhớ mãi cho tới hôm nay. Cảm xúc thật khó tả, nhất là lúc mọi người cùng nhắc lại những lời mà Bác Hồ đã trịnh trọng tuyên bố với cả thế giới: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Và với tôi, Tết Độc lập năm 1975 là Tết đặc biệt nhất vì miền nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất. Vậy là sau bao nhiêu mong đợi, niềm vui vỡ òa trong chúng tôi. Không ai trong chúng tôi có thể quên được những giờ phút lịch sử đó”.
Năm nay, tròn 70 năm sau mùa thu lịch sử đó, ông Nguyễn Văn Bổn lại vinh dự được mời về Việt Nam dự Lễ Quốc khánh. Vui là vì đất nước đã đi từ khó khăn đến thắng lợi, không ngừng phát triển và hội nhập với thế giới, nhưng ông mong được tiếp tục góp sức bảo vệ chủ quyền của dân tộc, do có những diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua ở Biển Đông.
Từ Sài Gòn sang Pháp học từ năm 1964, ông Nguyễn Thanh Tòng – nguyên Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp – khi đó đã gặp những thanh niên người Việt cùng tổ chức các hoạt động để vận động sự ủng hộ của người Pháp và bạn bè quốc tế dành cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam ở quê nhà. Cũng như nhiều bà con Việt kiều yêu nước sang Pháp lúc đất nước còn chưa thống nhất, ông Nguyễn Thanh Tòng luôn mong chờ đến lúc chuẩn bị hai cái Tết hằng năm. Tết cổ truyền là lúc mọi người sum vầy đón Xuân mới và Tết 2-9 hay còn gọi là Tết Độc lập. Ông xúc động khi kể về Tết Độc lập năm 1975: “Đối với tôi, đó là Tết Độc lập cảm động nhất vì sau 30 năm ròng bị áp bức, chia cắt và tranh đấu, cả dân tộc Việt Nam đã giành được tự do và tất cả các quyền như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với cả thế giới tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Chúng tôi, ai cũng vậy vô cùng sung sướng và tự hào là người dân Việt Nam. Không ai nhắc ai, chúng tôi đều tự thấy lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ, người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam tới độc lập, cũng như bao anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để giải phóng miền nam thống nhất đất nước”.
Nhân dịp Quốc khánh 2-9, các ông Nguyễn Văn Bổn, Nguyễn Thanh Tòng cùng bà con Việt kiều ở Pháp đều muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ là cần phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc được vun đắp bởi các thế hệ đi trước. Dù các bạn trẻ ở trong môi trường nào, cần nhớ rằng chúng ta là người Việt Nam, nước Việt Nam ta đã tranh đấu lâu dài và gian khổ để giành được độc lập. Thanh niên ở Pháp cũng như trong nước phải thấy được niềm vinh dự là con cháu của một đất nước anh hùng. Càng ở ngoại quốc càng thấy rõ thế giới tôn trọng độc lập và cuộc đấu tranh của Việt Nam, một nước anh dũng đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, chống lại chế độ thuộc địa và đế quốc. Các thế hệ trẻ cần phải nhớ công lao những người đã ngã xuống để có ngày hôm nay, phải nhớ cội nguồn của mình và phải cùng nhau đóng góp sức mình, sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc cần.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()