Tháng Nhân đạo: Hướng về ngư dân nghèo và trẻ em nghèo, khuyết tật
Chia sẻ về điểm đặc biệt của Tháng Nhân đạo năm nay, bà Bùi Thị Hòa cho biết Tháng Nhân đạo năm nay khác các năm trước ở chỗ Hội đặt ra những chiến lược dài hơi hơn như “Dinh dưỡng cho em.”
Ngày 8/5 hàng năm là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế.
Thông qua đó, những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp toàn cầu.
Ở Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 23/11/1946 và Người là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội. Hội chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập Đỏ-Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế vào ngày 4/11/1957, tại cuộc họp Đại hội đồng Hiệp hội Chữ thập Đỏ-Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế họp tại Delhi (Ấn Độ).
[Nỗ lực huy động 400 tỷ đồng, trợ giúp 1 triệu lượt người khó khăn]
Trong gần 76 năm hoạt động và trưởng thành, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam là thành viên có những đóng góp tích cực đối với phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế. Hội phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cứu trợ xã hội, phòng ngừa và ứng phó thảm họa.
Phong trào xuất phát từ nhu cầu cần được trợ giúp của những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương trong xã hội; từ thực trạng cần thiết phải tăng cường giáo dục lòng nhân ái, nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác nhân đạo. Đồng thời, phong trào cũng đáp ứng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước đối với hoạt động nhân đạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nhân đạo, năm 2017, Đảng đoàn Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã xây dựng Đề án tổ chức Tháng Nhân đạo hằng năm trình Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Hướng về ngư dân nghèo và trẻ em nghèo, khuyết tật
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết Tháng Nhân đạo được Hội đề xuất tổ chức vào tháng Năm hàng năm vì đây là tháng kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, trong đó có ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), người đã sáng lập và lãnh đạo Đảng cũng như sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người đã đặt nền móng cho tư tưởng nhân đạo.
Đặc biệt, tháng Năm cũng là tháng có ngày kỷ niệm Ngày Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ. Hội chọn tháng Năm làm tháng cao điểm vận động toàn dân làm nhân đạo với mong muốn thông qua đó kêu gọi sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng làm nhân đạo để lan tỏa tốt hơn truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc.
Qua 4 năm triển khai, Tháng Nhân đạo đã đạt được trên 1.500 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 3,3 triệu người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2022 là năm thứ năm triển khai Tháng Nhân đạo theo chỉ đạo của Ban Bí thư, cũng là năm tổng kết ở cấp Trung ương Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08/6/2010 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam” và là thời điểm các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức Đại hội Chữ thập Đỏ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027.
Chia sẻ về điểm đặc biệt của Tháng Nhân đạo năm nay, bà Bùi Thị Hòa cho biết Tháng Nhân đạo năm nay khác các năm trước ở chỗ Hội đặt ra những chiến lược dài hơi hơn.
Đó là việc khởi động hai chương trình được xác định là trọng điểm, xuyên suốt trong nhiệm kỳ XI là “An toàn cho ngư dân” và “Dinh dưỡng cho em.” Trong đó, Chương trình “An toàn cho ngư dân” hướng đến mục tiêu trang bị bộ áo phao cứu sinh đa năng cho 50.000 ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; 90.606 tàu thuyền đánh cá được trang bị túi sơ cấp cứu và cờ Tổ quốc; 1.244 hộ ngư dân đang sống ở ghe thuyền không đủ điều kiện về cấu tạo ngôi nhà được hỗ trợ xây nhà an toàn (50 triệu đồng/căn); 50.000 hộ ngư dân được hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững; 300.000 ngư dân được tiếp cận kiến thức về pháp luật và sơ cấp cứu.
Chương trình “Dinh dưỡng cho em” hướng đến các mục tiêu: 1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, khu vực nông thôn, vùng bãi ngang, hải đảo… được khám dinh dưỡng và cải thiện khẩu phần ăn; 250 điểm trường bán trú, nội trú tại 250 xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi, biên giới được hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình “Bếp sạch-Cơm ngon;” 500.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, Tây Nguyên được tiếp cận kiến thức, kỹ năng về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ em; xây dựng và vận hành 100 chuỗi ngân hàng thực phẩm an toàn cung cấp thực phẩm và thông tin dinh dưỡng cho trẻ tại các điểm trung tâm cụm xã, nơi có đông trẻ em là con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sinh sống.
Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết việc hỗ trợ cho hai đối tượng này có liên quan đến một mục tiêu hết sức lâu dài đó là thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP 26). Hội mong muốn các hoạt động nhân đạo hướng về những mục tiêu chiến lược của đất nước trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để chúng ta thực sự là thành viên tích cực. Tinh thần này sẽ lan tỏa đến tất cả mọi thành viên trong xã hội.
Phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu
Cách đây 163 năm, ngày 24/6/1859 ở thành phố Solferino, miền Bắc nước Italy, cuộc giao chiến khốc liệt giữa lực lượng quân đội liên minh Pháp-Italy chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại trên chiến trường 40.000 người thương vong. Quân y của các bên tham chiến không đủ lực lượng để giải quyết tình trạng quá nhiều người bị thương. Vô tình chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên, một thương gia Thụy Sĩ tên là Henry Dunant đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào.
Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong cuốn sách “Ký ức về Solferino.” Cuốn sách được hoàn thành năm 1862. Trong đó, ông đưa ra 2 ý tưởng: thành lập tại mỗi quốc gia một hội cứu trợ bao gồm những người tình nguyện, người danh tiếng, khách có tên tuổi để chăm sóc người bị thương khi có chiến tranh; vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.
Năm 1863, ý tưởng của Henry Dunant đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) và việc thành lập các Hội quốc gia đầu tiên. Cũng năm đó, dấu hiệu phân biệt – chữ thập đỏ trên nền trắng – để nhận biết và bảo vệ những người giúp đỡ binh sỹ bị thương trên chiến trường đã được thông qua. Một năm sau, năm 1864, Công ước đầu tiên mang tên Công ước Geneva được các quốc gia thành viên thông qua. Đến năm 1919, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế được thành lập.
Ðến nay đã có 192 Hội Chữ thập Đỏ/Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu.
Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế được thành lập là dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của Phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế, phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu. Ðể ghi nhớ công lao của người sáng lập phong trào, ngày sinh của Henry Dunant (8/5) đã được lấy làm Ngày Chữ thập Đỏ quốc tế.
Năm 1948, Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập Đỏ quốc tế đầu tiên được chính thức tổ chức. Đến năm 1984, Ngày Chữ thập Đỏ quốc tế được đổi tên thành Ngày Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế. Đây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ. Trong gần 160 năm hoạt động, Phong trào cam kết luôn mang sự hỗ trợ nhân đạo phù hợp và kịp thời, không phân biệt đối xử tới các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Hàng năm, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế sẽ đưa ra một chủ đề kỷ niệm Ngày Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế khác nhau. Chủ đề năm nay được Hiệp hội lựa chọn là “Lan tỏa hành động nhân ái.”
Với chủ đề này, Phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế kêu gọi các Hội quốc gia chia sẻ những công việc, hoạt động đầy ý nghĩa của những cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, để những hành động đó được lan tỏa, nhân lên những giá trị tốt đẹp, qua đó vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động nhân đạo như là một phong trào có phạm vi quốc gia và quốc tế. /.
Ý kiến ()