Thắng mùa quýt
LSO-Cây quýt vàng Bắc Sơn được trồng ở xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cách đây gần 30 năm. Từ một loại cây trồng “cho vui” thời điểm đầu, đến nay, quýt đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Dự báo vụ quýt năm nay, người dân Chiến Thắng thắng lớn.
Du khách tham quan vườn quýt Hang Hú, thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng |
Chuyện ông Đoan “điên”
Năm 2003, có người làng gọi ông Đoan điên. Thế nhưng, chính cái “điên” của ông lúc đó lại mở ra một hướng phát triển cây quýt mạnh mẽ cho Chiến Thắng như bây giờ. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn quýt, bưởi của gia đình, ông Dương Hữu Đoan, thôn Lân Vi vừa chia sẻ: Người ta gọi như vậy là do lúc đó, mọi người lấy giống quýt để trồng ở lân, lũng thì tôi lại đem trồng ở nương, vườn. Thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mặc dù cũng đã có sự tìm hiểu, song lúc đấy, tôi cũng đánh liều mà làm.
Ông Đoan vừa làm, vừa học, vừa tích lũy kinh nghiệm, 4 năm sau, những cây quýt đầu tiên bói quả. Mặc dù việc trồng quýt ở nương, bãi khó hơn do thiếu nước, song gia đình xác định “lấy công làm lãi”. Từ đó, mỗi năm mở rộng thêm một ít diện tích. Đến nay, gia đình ông đã có 500 cây quýt có tuổi đời từ 7 – 14 năm. Trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 10 tấn. Với giá thị trường dao động từ 20 – 25 nghìn đồng/kg, gia đình thu về 200 – 250 triệu đồng. Năm nào được mùa, giá trị có thể cao hơn gấp rưỡi. Không dừng lại ở đó, thấy cây quýt phát triển ổn định, lượng tiêu thụ vừa đủ nên với diện tích còn lại của gia đình, ông trồng thêm hàng trăm cây bưởi Diễn, bưởi da xanh và 1 ha cam.
Nâng giá trị quýt
Được coi như một bước ngoặt quan trọng, cùng với gia đình ông Đoan, nhiều hộ dân khác ở Chiến Thắng cũng “hạ sơn” cây quýt. Đưa quýt về trồng ở nương, bãi, vườn, ruộng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ quýt, người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch.
Bên cạnh sự chủ động của người dân, Nhà nước cũng đã có sự hỗ trợ thiết thực. Ông Phan Văn Hiền, thôn Hồng Phong 4 chia sẻ: Gia đình tham gia vào mô hình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, được cơ quan chuyên môn trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn và thiết thực hơn cả là được Nhà nước quan tâm hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt gồm: téc nước, đường ống, địa điểm bán hàng, biển báo… Từ đó, gia đình có thêm điều kiện mở rộng phát triển sản xuất. Đến nay, gia đình trồng được 400 cây quýt, trong đó có khoảng 300 cây đã cho thu hoạch, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ dừng lại ở việc bán quýt, người dân còn năng động, sáng tạo, khai thác lợi thế về địa hình, địa điểm thuận lợi, bắt đầu mở dịch vụ du lịch sinh thái ngay tại vườn quýt. Gia đình anh Hiền là một trong những hộ như vậy. Việc đầu tư thêm những dịch vụ phụ trợ chi phí không quá nhiều, trong khi hiệu quả mang lại khá cao. Anh Hiền chia sẻ: Việc mở điểm tham quan không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn là một hình thức quảng bá rất hiệu quả cho sản phẩm quýt của gia đình nói riêng cũng như thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn nói chung.
Cây trồng chủ lực
Từ bước đi táo bạo của gia đình ông Đoan, nhiều hộ dân khác ở Chiến Thắng cũng mạnh dạn đầu tư công sức, tiền của để nhân rộng diện tích quýt ra các nương, bãi. Điển hình phải kể đến hộ ông Đặng Văn Lương, thôn Hồng Phong 4 với trên 500 cây cho thu hoạch; gia đình ông Đặng Văn Quân, thôn Hồng Phong 4 với 300 cây cho thu hoạch; gia đình anh Phan Văn Hiền khoảng 400 cây… Bên cạnh những vườn quýt đã được đưa xuống nương, bãi, số hộ có quýt ở các lân, lũng của xã vẫn còn khá nhiều. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Nghiêm Xuân Tinh, thôn Hồng Phong 3.
Ông Hoàng Quang Phiệt, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chiến Thắng cho biết: Đến nay, toàn xã có gần 90 ha cây quýt. Trong đó, có 37 hộ với diện tích khoảng 35 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Song song với tiêu thụ sản phẩm quýt, năm 2017, loại hình dịch vụ tham quan vườn quýt kết hợp với du lịch sinh thái bắt đầu xuất hiện. Trung bình mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách thăm quan du lịch.
Hiệu quả kinh tế từ cây quýt ngày một nâng lên, qua đó diện tích trồng cũng không ngừng được mở rộng và cây quýt đã trở thành cây trồng chủ lực của xã. Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Chiến Thắng là một trong những xã nằm trong quy hoạch tập trung phát triển cây quýt. Để giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả từ cây quýt, các cấp, ngành sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, từ đào tạo, tập huấn đến hỗ trợ cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát triển bền vững thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn.
NHÓM PVKT
Ý kiến ()