Thắng lợi trên hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Bài học đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Từ ngày 26 đến 30-4-1975, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị (BCT) Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quân và dân ta tổ chức thực hiện thành công Chiến dịch Hồ Chí Minh-trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tiến công vào sào huyệt địch tại Sài Gòn-Gia Định, đập tan chính quyền, quân đội tay sai, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong chiến công vang dội đó, cánh quân hướng Đông Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.
Huấn luyện vượt cửa mở đánh chiếm mục tiêu của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Ảnh: HƯƠNG GIANG |
Đến tháng 4-1975, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến hết sức mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Sau hơn một tháng liên tục tiến công, nổi dậy mạnh mẽ, quân và dân ta giành thắng lợi to lớn trong các đòn chiến lược Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng; tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng của hai trên tổng số 4 quân khu-quân đoàn địch; chiếm giữ một khối lượng lớn vật chất, phương tiện chiến tranh; giải phóng hơn nửa đất đai và gần nửa dân số miền Nam. Lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng trưởng thành nhanh chóng. Về phía địch, do chịu thất bại nặng nề, lâm vào tình thế khủng hoảng, khó khăn nghiêm trọng, chúng buộc phải lùi về phòng thủ từ thị xã Phan Rang (Ninh Thuận) trở vào Nam, kêu gọi Mỹ viện trợ khẩn cấp. Trước diễn biến tình hình phát triển thuận lợi, trong hai ngày 31-3 và 1-4-1975, BCT họp bàn, bổ sung quyết tâm chiến lược, khẳng định: “Thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn-Gia Định đã chín muồi (…). Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”(1). Riêng hướng Đông và Đông Nam Sài Gòn-Gia Định, BCT đề ra yêu cầu cụ thể trước mắt: Cần nhanh chóng tập trung lực lượng đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây, cô lập hoàn toàn Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 8-4-1975, BCT và Quân ủy Trung ương (QUTW) quyết định thành lập Bộ chỉ huy (BCH) Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng-Ủy viên BCT, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng-Ủy viên BCT, Bí thư Trung ương Cục miền Nam làm Chính ủy. Ngày 14-4-1975, thể theo nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, BCT đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) cùng các LLVT, nhân dân địa phương trên địa bàn.
Theo kế hoạch tác chiến được BCH chiến dịch thông qua lần cuối (ngày 22-4-1975), đại quân ta nhanh chóng cơ động, hình thành thế bao vây tiến công Sài Gòn từ 5 hướng: Hướng Tây Bắc-Quân đoàn 3; hướng Bắc-Quân đoàn 1; hướng Đông Nam-Quân đoàn 2; hướng Đông-Quân đoàn 4; hướng Tây và Tây Nam-Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8). Về cách đánh: Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp tiêu diệt, làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn; sử dụng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích theo các trục đường lớn, đánh thẳng vào 5 mục tiêu trong nội thành (bộ tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, dinh Độc Lập, bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, tổng nha cảnh sát).
Trên hướng Đông Nam, Quân đoàn 2, gồm Sư đoàn 304, Sư đoàn 325, được phối thuộc Sư đoàn 3 (Quân khu 5) phối hợp với đặc công vùng ven (Trung đoàn 116) và quân, dân thị xã Vũng Tàu có nhiệm vụ: “Tiêu diệt quân địch, đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu Long Bình, căn cứ Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ-bến phà Cát Lái, đánh chiếm chi khu Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa, đặt pháo ở Nhơn Trạch bắn vào Tân Sơn Nhất. Đánh chiếm Vũng Tàu phát triển sang Cần Giờ, tiêu diệt địch ở hữu ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm các quận 9, 4 (Sài Gòn) có mũi phối hợp với hướng bạn đánh chiếm dinh Độc Lập. Sau đó tùy tình hình có thể tiếp tục phát triển tiến công xuống vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi có lệnh”(2).
Thực hiện quyết tâm của BCT và BCH Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ giữa tháng 4-1975, quân và dân ta đẩy mạnh tiến công địch trên toàn chiến trường nhằm tạo thế, tạo lực cho đại quân nhanh chóng cơ động hướng về Sài Gòn-Gia Định. Đặc biệt, từ ngày 9 đến 21-4-1975, Quân đoàn 4 tổ chức thực hiện thành công Chiến dịch giải phóng Xuân Lộc, “mở toang” cánh cửa hướng Đông, tạo thuận lợi cho Quân đoàn 2 (cánh quân Duyên Hải) cơ động vào đứng chân, thực hiện nhiệm vụ trên hướng Đông Nam.
Xe tăng của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) trong diễn tập, tháng 11-2020. Ảnh: HƯƠNG GIANG |
Ngay sau khi vào vị trí tập kết, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 họp quán triệt nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch tác chiến. Về địa hình, hướng Đông Nam Sài Gòn là khu vực tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi những đồng lầy cùng hệ thống sông ngòi khá dày (có hai sông lớn là sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu). Trên hướng tiến công của Quân đoàn 2, chỉ có 2 đường chính dẫn vào nội đô Sài Gòn: Xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa và Long Thành-Nhơn Trạch-thành Tuy Hạ-Sài Gòn; trên mỗi đường có nhiều cầu cống. Ở hướng Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ có Đường 15, từ Bà Rịa xuống Vũng Tàu phải qua cầu Cỏ May. Trong quá trình chiến đấu, nếu ta không tranh thủ thời gian đánh nhanh, để địch phá hoại cầu đường, dựa vào các chướng ngại thiên nhiên chống trả thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Về dân cư, ngay từ khi mới xâm lược miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã thực hiện dồn dân về địa bàn này lập thành vành đai, nhất là trên các trục đường chính. Trước sự an nguy của chế độ, địch dồn quân về bảo vệ thủ phủ Sài Gòn-Gia Định. Riêng hướng Đông Nam, địch bố trí lực lượng phòng ngự mạnh, gồm lữ đoàn 468 lính thủy đánh bộ, lữ đoàn 1 và 4, liên đoàn 33 biệt động quân, 18 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn xe tăng và xe bọc thép, 62 khẩu pháo lớn các loại. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn học viên sĩ quan, hạ sĩ quan của trường huấn luyện thiết giáp, trường huấn luyện bộ binh, trường biệt kích (ở Nước Trong), trường cảnh sát quốc gia và các trung tâm huấn luyện (Thủ Đức, Long Thành, Vạn Kiếp – Bà Rịa, Vũng Tàu). Với lực lượng trên, địch bố trí phòng ngự thành 3 tuyến: Tuyến vòng ngoài, từ phía đông Biên Hòa theo Đường 1 đến Trảng Bom và từ căn cứ Long Bình theo Đường 15 qua Long Thành đến Vũng Tàu. Đây là tuyến phòng ngự mạnh nhất, được xây dựng thành từng cụm dựa vào các căn cứ lớn, có công sự vững chắc. Tuyến thứ hai là tuyến trung gian, từ Thủ Đức đến bến phà Cát Lái, do quân địa phương đảm nhiệm. Tuyến thứ ba là tuyến trong cùng, do lực lượng địa phương và lực lượng của biệt khu thủ đô đảm nhiệm.
Căn cứ nhiệm vụ được giao, điều kiện địa hình, dân cư và thế bố trí lực lượng phòng ngự của địch, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 hạ quyết tâm: Tập trung lực lượng thực hành đột phá trên hướng chủ yếu từ điểm cao 43 (bắc trường huấn luyện bộ binh) đến ngã ba Phước Lộc (nam thị trấn Long Thành) theo Đường 15, ngã ba Long Bình, cầu Xa Lộ vào Sài Gòn. Mũi đột kích chủ yếu đánh vào căn cứ Nước Trong, Long Bình, cầu Xa Lộ do Sư đoàn 304 đảm nhiệm. Mũi đột kích quan trọng đánh vào chi khu Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, Cát Lái do Sư đoàn 325 đảm nhiệm. Hướng thứ hai là Sư đoàn 3 (Quân khu 5) đột phá chi khu Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa, thị xã Vũng Tàu. Về cách đánh: Tổ chức mũi đột kích mạnh chọc thủng tuyến phòng ngự của địch ở những nơi yếu và hiểm yếu; kết hợp đột phá chính diện với bao vây vu hồi, chia cắt, không cho địch rút chạy cả đường bộ, đường không, đường biển. Khi địch tan vỡ thì nhanh chóng sử dụng cơ giới phát triển thọc sâu. Tư tưởng chỉ đạo tác chiến là “mạnh, nhanh, chắc”. Phương châm hành động: “Táo bạo, mạnh dạn, chủ động, kịp thời”. Nhờ có sự chỉ huy tập trung thống nhất, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị trong quân đoàn cũng như với các đơn vị bạn, cùng sự giúp đỡ của LLVT và nhân dân địa phương, nên chỉ thời gian ngắn (từ ngày 21 đến 25-4-1975), mọi công tác chuẩn bị tác chiến được gấp rút hoàn thành.
17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Tất cả 5 cánh quân của ta từ các hướng dội bão lửa vào tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch. Tại hướng Đông Nam, pháo binh của Quân đoàn 2 dồn dập trút đạn vào các mục tiêu, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng khẩn trương vận động chiếm lĩnh bàn đạp chuẩn bị xung phong. Trên các mũi tiến công chính diện, ngay trong đêm 26-4, Sư đoàn 304 nhanh chóng chiếm được trường huấn luyện thiết giáp. Địch co cụm về trường huấn luyện bộ binh, trường biệt kích chống cự quyết liệt và điều thêm lực lượng từ Biên Hòa lên phản kích liên tục trong hai ngày 27 và 28-4, gây cho ta nhiều khó khăn. Cùng thời gian này, Sư đoàn 325 đánh chiếm ngã ba Đường 15, chi khu Long Thành… Trên hướng Sư đoàn 3, ta đánh chiếm Đức Thạnh, Bà Rịa; địch phá cầu Cỏ May ngăn chặn quân ta tiến ra thị xã Vũng Tàu. Đến tối 28-4, trên cơ sở đánh giá tình hình chung cơ bản thuận lợi, BCH Chiến dịch Hồ Chí Minh lệnh cho các hướng tiếp tục phát triển tiến công, bảo đảm sáng 29-4, toàn mặt trận nhất loạt tổng tiến công vào nội đô thành phố Sài Gòn.
Chấp hành mệnh lệnh, ở hướng Đông Nam, tối 28 và ngày 29-4, Sư đoàn 304 lần lượt đánh chiếm trường huấn luyện bộ binh, căn cứ Nước Trong, căn cứ Long Bình. Sư đoàn 325 tiến công làm chủ chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, áp sát Cát Lái. Sư đoàn 3 tiến công giải phóng Vũng Tàu. Từ 15 giờ ngày 29-4, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 (gồm Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 và Trung đoàn Bộ binh 66) được lệnh xuất phát, đến 24 giờ bắt liên lạc được với Đoàn Đặc công 116 tại cầu Đồng Nai, sẵn sàng đột phá vào nội đô.
Sáng 30-4, các cánh quân của ta được lệnh tổng công kích vào nội đô thành phố Sài Gòn. Lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 phối hợp chặt chẽ với Đoàn Đặc công 116 và lực lượng biệt động thành đập tan các chốt chặn của địch, tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền địch, buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Phát huy thắng lợi, các tỉnh còn lại của Nam Bộ nhất tề đứng lên tiến công nổi dậy theo phương thức “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”. Đến ngày 2-5-1975, miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn.
Trải qua 5 ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta trên hướng Đông Nam, trong đó Quân đoàn 2 là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, đã anh dũng chiến đấu “hoàn thành nhiệm vụ một cách đặc biệt xuất sắc!” (lời Đại tướng Văn Tiến Dũng). Kết quả, ta tiêu diệt, bắt sống, gọi ra trình diện hơn 20.000 tên địch; tiêu diệt, làm tan rã 4 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, 4 liên giang đoàn chiến đấu; bắn rơi, bắn cháy 23 máy bay; thu giữ, phá hủy hàng trăm khẩu pháo cùng nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh khác của địch(3). Lực lượng tiến công trên hướng Đông Nam đã vinh dự đánh chiếm Dinh Độc Lập-đầu não của chính quyền địch.
46 năm đã trôi qua, nhìn lại chiến công oanh liệt của cánh quân hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có thể rút ra một số bài học quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay:
Một là, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện thực tiễn
Trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhận thấy thời cơ chiến lược đến sớm, BCT hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn-Gia Định ngay trong tháng 4-1975. Từ đó, BCT quyết định thành lập BCH chiến dịch, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tại chỗ của BCT đối với chiến dịch; thành lập Hội đồng Chi viện tiền phương do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung nỗ lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, nhiều binh đoàn chủ lực được lệnh gấp rút tiến quân, sẵn sàng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh đề ra, Quân đoàn 2 sau khi giải phóng Đà Nẵng đã thực hiện cuộc hành quân theo Đường 1 ven biển với cự ly 900km trong 18 ngày để kịp thời đến vị trí tập kết. Trong điều kiện thiếu phương tiện, hậu cần khó khăn, vừa đi vừa đánh địch mở đường… thì đây là sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể cán bộ, chiến sĩ quân đoàn, làm cho kẻ địch thêm bất ngờ, hoang mang dao động. Khi vừa hành quân đường xa đến nhận nhiệm vụ tại chiến trường mới lạ, địa hình bị chia cắt phức tạp, địch lại bố trí hệ thống phòng thủ dày đặc, nhưng chỉ trong 5 ngày (21 đến 25-4-1975), Quân đoàn 2 đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng nổ súng. Quá trình chấp hành sự chỉ đạo của BCT và BCH chiến dịch, Quân đoàn 2 đã có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo và giành thắng lợi to lớn. Đó là việc tịch thu và sử dụng các phương tiện, vũ khí của địch (chiếm 70% số lượng mang theo) để phục vụ quá trình cơ động, chiến đấu. Khi hướng Quân đoàn 4 phát triển chiến đấu gặp khó khăn, BCH chiến dịch đã giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 chớp thời cơ, tổ chức lực lượng thọc sâu cơ giới mạnh (xe tăng kết hợp đặc công, bộ binh) đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền địch, kết thúc chiến dịch vào trưa 30-4.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, chiến sĩ quân đội nói riêng nhằm thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội. Trong điều kiện đó, phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với quân đội. Kế thừa truyền thống vẻ vang hơn 76 năm qua, quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; quán triệt và chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Mặt khác, để mọi chủ trương, đường lối của Đảng được thực hiện đúng, vận dụng sáng tạo, cần thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh; tích cực đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để có biện pháp xử lý phù hợp.
Hai là, không ngừng chăm lo xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tính riêng bộ đội chủ lực, ta huy động 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) với tổng quân số 250.000 quân, chiếm ưu thế áp đảo so với quân địch (150.000 quân chủ lực). Mặt khác, sức chiến đấu của các binh đoàn, quân đoàn chủ lực ta rất mạnh. Bản thân Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ tiến công Sài Gòn từ hướng Đông Nam là một quân đoàn thiện chiến, có sức đột kích mạnh, cơ động cao, trưởng thành vượt bậc với những kinh nghiệm chiến đấu trên đường “Nam tiến”. Đó là kết quả của quá trình Trung ương Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng LLVT cách mạng làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc theo phương châm “vừa chiến đấu, vừa xây dựng trưởng thành”, “càng đánh càng mạnh”. Vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến, trên cơ sở LLVT nhân dân có bước phát triển nhanh chóng (nhất là các sư đoàn, trung đoàn), BCT, QUTW quyết định thành lập những quân đoàn chủ lực cơ động để thực hiện đòn quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh. Nhờ đó, chỉ trong 5 ngày, Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng, ta giữ được thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn.
Bối cảnh hiện nay và những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại; nhưng dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, với những thay đổi nhanh chóng, khó lường. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác thỏa hiệp, vừa đấu tranh kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và từng khu vực. Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã góp phần làm xuất hiện hình thái chiến tranh và phương thức tác chiến mới. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp… Những vấn đề thực tiễn đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, xây dựng LLVT ngày càng vững mạnh. Quân đội nhân dân Việt Nam với vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cần nhanh chóng tiến lên hiện đại để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Ba là, phát huy sức mạnh đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn, với LLVT và nhân dân địa phương
Để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tốt sức mạnh đoàn kết tập thể. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ đạo của BCT, mệnh lệnh của BCH chiến dịch đều được quán triệt và phổ biến kịp thời đến cán bộ, chiến sĩ; các vấn đề liên quan đến phương án, kế hoạch cơ động và tác chiến… đều được thảo luận bàn bạc dân chủ, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Bên cạnh đó, Quân đoàn 2 phối hợp chặt chẽ với các cánh quân, các hướng đồng loạt nổ súng đúng thời gian quy định, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho các lực lượng thọc sâu thần tốc đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong nội đô. Các đơn vị đặc công vùng ven (nhất là Trung đoàn 116) đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ các cầu (không cho địch phá hoại) tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực tiến quân; LLVT và nhân dân địa phương tích cực giúp bộ đội nắm tình hình địch, dẫn đường cho các mũi tiến công, tích cực vận chuyển, cứu chữa thương binh… Tất cả cùng bước vào trận đánh với thế trận chiến tranh nhân dân-sức mạnh vô địch của cách mạng.
Những năm gần đây, các thế lực phản động, phần tử xấu thường xuyên có những thủ đoạn tinh vi nhằm phá hoại truyền thống đoàn kết nội bộ, kích động để gây chia rẽ quân đội và nhân dân. Tuy nhiên, Đảng ta đã khẳng định: Dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, quân đội cũng một lòng một dạ trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, xứng đáng với lòng yêu mến, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để giữ vững và phát huy sự đoàn kết, quân đội cần tiếp tục làm tốt công tác dân vận, tích cực giúp các địa phương trên địa bàn đứng chân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo… nhằm góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Bốn là, động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao truyền thống yêu nước, phát huy sức mạnh chính trị-tinh thần vượt qua mọi khó khăn
Suốt quá trình chuẩn bị và trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ trên hướng Đông Nam gặp nhiều khó khăn về đường cơ động xa, thời gian chuẩn bị gấp, chiến trường mới lạ, địa hình chia cắt, quân địch phòng thủ mạnh… Tuy nhiên, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ đạo cơ quan, cán bộ chính trị làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao truyền thống yêu nước, phát huy sức mạnh chính trị-tinh thần vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó là việc không ngừng củng cố lòng tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng và mục tiêu cao cả “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh. Trên cơ sở đó, giúp cho bộ đội rèn luyện tinh thần cách mạng triệt để, tư tưởng cách mạng tiến công không ngại hy sinh, gian khổ. Thực tiễn chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương kiên cường, anh dũng, như các trận đánh tại trường huấn luyện bộ binh, trường biệt kích, chi khu Nhơn Trạch, cầu Cỏ May… Chính sự chiến đấu kiên cường, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ ta làm quân địch khiếp sợ, hoảng loạn tháo chạy, dẫn đến thất bại nhanh chóng.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị-tinh thần, mà nội dung cơ bản là xây dựng, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc, bảo đảm cho quân đội phát huy tốt vai trò lực lượng nòng cốt cùng toàn dân giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, thành quả cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Qua đó, tiếp tục xây đắp nên truyền thống vẻ vang anh hùng, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân khen tặng.
* * *
Chiến dịch Hồ Chí Minh (Xuân 1975) được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một chiến công chói lọi, là minh chứng tiêu biểu, khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của BCT, QUTW, Bộ Quốc phòng ở giai đoạn cuối cuộc chiến tranh giải phóng. Trong chiến công vĩ đại đó, cánh quân hướng Đông Nam do Quân đoàn 2 làm nòng cốt có đóng góp quan trọng. Những bài học rút ra từ thực tiễn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh của cánh quân hướng Đông Nam cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H, 2004, tr.95 – 96.
(2) Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch Hồ Chí Minh (Xuân 1975), H, 1991, tr.20.
(3) Bộ tư lệnh Quân đoàn 2, Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004), Nxb QĐND, H, 2004, tr.260.
Ý kiến ()