"Thắng lợi ngoại giao" của Iran
Các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã phê chuẩn việc Iran trở thành thành viên chính thức của SCO tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 23.
Tân Hoa xã ngày 5-7 cho biết thông tin trên được công bố trên trang web chính thức của Văn phòng Tổng thống Iran. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 23 của SCO được tổ chức trước đó một ngày theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đánh giá SCO là tổ chức ngày càng lớn mạnh “với các chỉ số, năng lực quan trọng và vị thế nổi bật” trong việc mở rộng hợp tác chính trị, an ninh và kinh tế. SCO hiện đang ở vị thế có thể mở ra “những chân trời mới cho liên kết khu vực và hợp tác bảo đảm an ninh”.
Tổng thống Raisi nhấn mạnh việc nước Cộng hòa Hồi giáo trở thành thành viên chính thức của SCO sẽ mang tới “những lợi ích lịch sử”. Nhà lãnh đạo Iran bày tỏ hy vọng rằng tư cách thành viên của Tehran trong SCO sẽ đặt nền móng cho việc bảo đảm an ninh tập thể, thúc đẩy phát triển bền vững, gia tăng sự kết nối, đoàn kết, thúc đẩy việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, đồng thời tăng cường hợp tác ứng phó với các mối đe dọa về môi trường.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (bên trái) dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 23 của SCO theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Anadolu Agency
Viết trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian khẳng định tư cách thành viên của nước này trong SCO là “một bước quan trọng” trong triển khai chính sách ngoại giao toàn diện, mở rộng quan hệ với các nước láng giềng cũng như theo đuổi cách tiếp cận “hướng tới châu Á”. Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nhấn mạnh Iran sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước thành viên SCO, giúp đạt được các mục tiêu của tổ chức này, đồng thời tận dụng những lợi thế mang lại từ tư cách thành viên chính thức. Tờ Hindustan Times dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Modi đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Tổng thống Raisi và người dân nước Cộng hoà Hồi giáo sau khi Iran chính thức trở thành thành viên thứ 9 của SCO.
SCO là một tổ chức liên chính phủ được thành lập từ năm 2001 với các quốc gia thành viên ban đầu là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Ấn Độ và Pakistan đã trở thành thành viên chính thức của SCO vào năm 2017. Theo BBC, SCO chiếm khoảng 40% dân số thế giới và hơn 20% GDP toàn cầu. Với việc kết nạp Iran, SCO sẽ kiểm soát khoảng 20% trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Giới phân tích cho rằng “không thể xem nhẹ” tiềm năng của SCO cho dù hiện nay đang có nhiều diễn đàn nổi bật như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Trong khi đó, Tân Hoa xã cho biết trong những năm qua, SCO đã phát triển từ một tổ chức chỉ tập trung vào hợp tác an ninh và kinh tế sang một tổ chức có “quan điểm toàn diện hơn” nhằm xây dựng “một cộng đồng y tế, an ninh, phát triển và trao đổi văn hóa”.
Iran là quan sát viên của SCO từ năm 2005 và nộp đơn xin gia nhập tổ chức này từ năm 2008. Theo Tân Hoa xã, quy trình kết nạp Iran được khởi động từ sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 của SCO diễn ra tại Tajikistan hồi tháng 9-2021. Tạp chí Eurasia Daily Monitor đánh giá việc Iran trở thành thành viên thứ 9 của SCO cho thấy thành công đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo trong việc gia nhập một tổ chức an ninh khu vực sau khi Tehran rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Trung tâm (CENTO) hồi năm 1979. Đổi lại, việc kết nạp Iran sẽ “mở rộng hiệu quả” phạm vi ảnh hưởng của SCO. Trong khi đó, Tạp chí Eurasia Review nhận định đây là một “thắng lợi ngoại giao” của nước Cộng hòa Hồi giáo. “Tư cách thành viên của SCO mang lại cho Iran một mức độ uy tín quốc tế”, Tạp chí Eurasia Review nêu rõ.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/thang-loi-ngoai-giao-cua-iran-733482
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()