Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô nổ súng mãnh liệt trừng trị máy bay của đế quốc Mỹ đến gây tội ác trong 12 ngày đêm tháng 12-1972. Ảnh: VĂN BẢO (TTXVN) Cách đây 40 năm, bằng tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, quân và dân ta đã làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" oanh liệt, không còn con đường nào khác, đế quốc Mỹ buộc phải trở lại bàn đàm phán Pa-ri - ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mở ra một trang mới cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.Đi tới và làm nên chiến công huyền thoại ấy, ngoài sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, tinh thần đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quyết định.Trở lại tình hình, đầu tháng 10-1972, ở miền nam Việt Nam, cuộc chiến đấu của quân và dân ta tiếp tục giành được nhiều thắng lợi lớn, đẩy Mỹ vào thế bị động, lúng túng đối phó. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ vừa phải tiếp tục triệt thoái...
Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô nổ súng mãnh liệt trừng trị máy bay của đế quốc Mỹ đến gây tội ác trong 12 ngày đêm tháng 12-1972. Ảnh: VĂN BẢO (TTXVN) |
Đi tới và làm nên chiến công huyền thoại ấy, ngoài sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, tinh thần đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quyết định.
Trở lại tình hình, đầu tháng 10-1972, ở miền nam Việt Nam, cuộc chiến đấu của quân và dân ta tiếp tục giành được nhiều thắng lợi lớn, đẩy Mỹ vào thế bị động, lúng túng đối phó. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ vừa phải tiếp tục triệt thoái các đơn vị bộ binh, vừa phải “Mỹ hóa” trở lại bằng không quân và hải quân nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của quân và dân ta. Do đó, sau khi tái cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, Ních-xơn đã ra lệnh bí mật chuẩn bị một kế hoạch tập kích đường không chiến lược bằng B 52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng ở miền bắc. Ngày 14-12-1972, Ních-xơn chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích mang mật danh Lainơ-Bếchcơ II. Ních-xơn khẳng định: “Bằng cuộc tập kích đường không chiến lược này chúng ta sẽ bắt Hà Nội phải quỳ gối, sẽ đưa miền bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Còn cộng sự đắc lực của Ních-xơn, Hen-ri Kít-xinh-giơ cũng quả quyết: “Nước Mỹ chúng ta mạnh đến mức trong vấn đề Việt Nam không có từ thất bại”. Theo đó, toàn bộ lực lượng không quân chiến lược, không quân chiến thuật của Mỹ ở khu vực Đông-Nam Á, Thái Bình Dương đều được huy động vào chiến dịch tập kích. Nhận định về quyết định của Ních-xơn dùng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, Tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn viết: “Những gì mà Giôn-xơn và các vị tiền bối của ông ta đã kiên quyết tránh trong 15 hoặc hơn 15 năm qua thì Ních-xơn đã quyết định trong vòng một đêm”.
Thực tiễn lịch sử cho thấy, cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ là một cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hàng nghìn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền bắc nước ta. Riêng Thủ đô Hà Nội, chúng đã sử dụng 441 lần chiếc B 52 cùng hàng nghìn lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 10 nghìn tấn bom (sức công phá hủy diệt tương đương hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki của Nhật Bản năm 1945); hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết hại 2.368 dân thường và làm bị thương 1.355 người khác. Phố Khâm Thiên, một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội, đã bị bom B 52 tàn phá cả chiều dài hơn 1 km, làm gần 2.000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập; 287 người chết, 290 người bị thương; đặc biệt, có gia đình sáu người ngồi trong hầm đã chết toàn bộ, v.v.
Tuy nhiên, sức mạnh của không lực Hoa Kỳ không thể chiến thắng được trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Bởi, “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (H). Bằng tinh thần đại đoàn kết dân tộc được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử ấy, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, cùng với sự chiến đấu anh dũng, quả cảm của các chiến sĩ phòng không nhân dân Việt Nam, thì trong tiếng đạn bom rung trời chuyển đất và trong những đống đổ nát tan hoang trên mảnh đất “Thăng Long chiến địa”, những tốp thanh niên nam nữ đã lao nhanh về các trận địa phòng không, giúp bộ đội tiếp đạn, tải thương, thay lá ngụy trang, khắc phục hậu quả; các bà mẹ tay xách, nách mang những rổ trái cây, những ấm nước chè xanh đến từng khẩu đội thăm hỏi, động viên các pháo thủ. Giữa những ngôi nhà sụp đổ, cạnh những đống lửa đang bốc cháy rừng rực, bóng các anh công an áo vàng, những chị em y tá, cứu thương, những đội viên dân phòng nhanh chóng xuất hiện. Họ hối hả đào bới, cứu những người bị sập hầm, băng bó, chữa ngạt cho những người bị nạn; cứu những căn nhà bị cháy hoặc tháo gỡ những quả bom đang chờ nổ. Có thể nói, trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã trở thành sức mạnh vô song, là điểm tựa, là đòn bảy và là chiếc chìa khóa vạn năng giúp cho nhân dân Việt Nam bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B 52, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” có một không hai trong lịch sử dân tộc và để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đấu tranh giải phóng của toàn nhân loại.
“Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam; là ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân, sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới. Đặc biệt, truyền thống đại đoàn kết dân tộc đã được nâng lên một tầm cao mới, với một chất lượng mới trong chiến thắng đặc biệt quan trọng này. Hơn lúc nào hết, từ chiều sâu văn hóa Việt Nam, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng”, nhân dân ta đã không phân chia đảng phái, dân tộc, tôn giáo, giai cấp, hình thành một mặt trận thống nhất, tổ chức và tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện và giành thắng lợi tuyệt đối. Nói về tinh thần đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, Giô-rít I-van, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Hà Lan nhận xét: Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, nhưng tôi chưa thấy ở nơi nào trên thế giới mà cả dân tộc kết thành một khối cùng đánh giặc như ở Việt Nam.
Tôn vinh sự kiện lịch sử trọng đại này, chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, qua đó càng thêm tin tưởng, tự hào về dân tộc ta, non sông đất nước ta, một dân tộc đất không rộng, người không đông nhưng đã biết đoàn kết chống lại một kẻ thù hùng mạnh và làm nên chiến thắng chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu. Thế giới đang đổi thay, lịch sử loài người vẫn tiếp tục đi lên trên hành trình dài vô tận, nhưng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc chống lại cuộc tập kích chiến lược của Mỹ 40 năm về trước vẫn vẹn nguyên giá trị, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc và là động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
(*) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995.tr.171.
Theo Nhandan
Ý kiến ()