Thắng lợi của sự thật và trách nhiệm đối với nhân quyền
Ngày 12-11-2013, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu bầu, Ðại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ khóa 2014 - 2016. Ðây là sự kiện hết sức quan trọng, một mặt chứng minh uy tín và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, mặt khác cho thấy dù thực hiện nhiều mưu mô đen tối, các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã không thể xuyên tạc sự thật đầy thuyết phục từ các thành tựu nhân quyền của Việt Nam. Vì thế, với trọng trách mới của mình, Việt Nam không chỉ cần tiếp tục nỗ lực bảo đảm, phát huy thành tựu nhân quyền đã có, mà còn cần nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của nhân quyền trên thế giới.
Ngày 12-11-2013, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu bầu, Ðại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ khóa 2014 – 2016. Ðây là sự kiện hết sức quan trọng, một mặt chứng minh uy tín và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, mặt khác cho thấy dù thực hiện nhiều mưu mô đen tối, các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã không thể xuyên tạc sự thật đầy thuyết phục từ các thành tựu nhân quyền của Việt Nam. Vì thế, với trọng trách mới của mình, Việt Nam không chỉ cần tiếp tục nỗ lực bảo đảm, phát huy thành tựu nhân quyền đã có, mà còn cần nỗ lực hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của nhân quyền trên thế giới.
Phải nói rằng gần tới ngày 12-11-2013 – ngày Ðại hội đồng LHQ tổ chức bỏ phiếu bầu thành viên của Hội đồng Nhân quyền khóa 2014 – 2016, dường như một “chiến dịch” có sự phối hợp chặt chẽ giữa một số cơ quan truyền thông, một số tổ chức quốc tế hoạt động nhân danh nhân quyền và một số cá nhân đã được tiến hành nhằm đạt tới mục tiêu mà một bài báo trên BBC viết không úp mở “cản Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền”!? Rất nhiều tin bài đã được đăng trên trang mạng của một số cơ quan báo chí, như VOA: Việt Nam phải có tiến bộ nhân quyền nếu muốn thắt chặt bang giao với Mỹ; HRW: Việt Nam muốn vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, hãy cải thiện nhân quyền, Kháng thư phản đối Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ,…; RFA: Nhiều tổ chức phản đối việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, Những tiếng nói bị dập tắt…; BBC: Cản Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền,..; RFI: Dù bị chỉ trích, Việt Nam vẫn ứng cử Hội đồng Nhân quyền, Ân xá quốc tế tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền,… Cùng với loạt tin, bài này là đủ loại tuyên bố, phúc trình, thông cáo, kháng thư, thư gửi Thủ tướng Việt Nam, gửi Ðại sứ Mỹ tại LHQ và Ðại diện Liên hiệp châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại,… của một số tổ chức mà chỉ nhắc tới tên đã có thể hình dung họ sẽ nói gì về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, như: tổ chức khủng bố “Việt Tân”, Tổ chức ân xá quốc tế (AI), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW),… Thậm chí, có một nhóm người còn tới Thái-lan trao tuyên bố cho đại diện Hội đồng Nhân quyền LHQ để “hiểu rõ về tình hình vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam”!
Và trong “chiến dịch” rùm beng đó, đã xảy ra một sự kiện bi hài là trong khi cuống cuồng tìm cách ngăn cản Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, mở đầu bức thư viết bằng tiếng Anh gửi Thủ tướng Việt Nam đăng trên website của HRW (hrw.org), những người ở HRW đã viết như sau: “November 4, 2013 – Nguyen Tan Tung Prime Minister of the Socialist Republic of Vietnam Office of the State 1 Bach Thao Hanoi Vietnam”! Tên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam mà HRW còn viết không chính xác thì thử hỏi làm sao có thể tin vào những gì HRW vẫn la lối về nhân quyền của Việt Nam? Như một blogger ở Việt Nam viết: “Ðối với HRW thì mọi người cũng đã quen mặt bởi HRW mang danh là tổ chức bảo vệ nhân quyền nhưng thực ra đối với Việt Nam, HRW chưa bao giờ có được một hành động nào vì quyền con người theo đúng nghĩa mà chuyên lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam”. Với ông Scott Busby – Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động, cũng vậy. Trả lời phỏng vấn của VOA, trong khi thừa nhận một số tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam: “gồm việc phóng thích một số người đã bị bắt giữ hay bỏ tù vì thực thi một cách ôn hòa quyền tự do phát biểu của họ; ký tên, chấp nhận và thực thi công ước chống tra tấn, bãi bỏ mọi hạn chế đối với Internet, cải thiện tình trạng tự do tôn giáo, và cho phép xã hội dân sự hoạt động một cách tự do” và ông “rất phấn khởi thấy Việt Nam bắt đầu hợp tác với bốn nhân viên điều tra về nhân quyền quốc tế do Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva bổ nhiệm”; thì ông tuyên bố: “Việt Nam phải có tiến bộ nhân quyền nếu muốn thắt chặt bang giao với Mỹ”. Ðưa ra ý kiến trịch thượng đó, Scott Busby không biết hay đã cố tình bỏ qua các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ ngoại giao quốc tế là: tôn trọng lẫn nhau; bình đẳng, không phân biệt đối xử; hai bên cùng có lợi; kết hợp luật pháp quốc tế với quy định quốc gia và truyền thống dân tộc?
Ðể có đánh giá khách quan, HRW và ông Scott Busby nên tham khảo entry Gửi tới mấy ông bà ở Ban đặc trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên hiệp châu Âu! của một blogger, trong đó có đoạn: “là một công dân Việt, làm nghề chạy xe ôm – một nghề không được cao quý lắm trong mắt nhiều người, tôi chưa bao giờ thấy mình bị chà đạp về nhân quyền. Tôi có thể viết blog vô tư mà không bị ai sờ gáy, nhắc nhở, tôi có thể tham gia góp ý xây dựng luật, góp ý vào dự thảo chính sách kinh tế tùy theo mức độ hiểu biết của mình mà không hề và chưa hề bị quấy nhiễu như các vị nói. Cái tự do mà tôi cũng như người dân Việt Nam có được như ngày nay ít nhất cũng đến từ chính tôi và đại đa số người dân nước tôi. Chúng tôi không làm chuyện bậy bạ, chúng tôi biết thể hiện tự do của mình trong khuôn khổ luật pháp. Với Việt Nam, nếu như chỉ cần không vu cáo người khác, không xuyên tạc, không bóp méo sự thật, không bán rẻ đất nước thì chả có ai cấm cản… Vậy tại sao các vị lại nghe thông tin một chiều, mà lại nghe những kẻ bất lương đó? Tại sao các vị không đến Việt Nam để tìm hiểu sự thật một cách công bằng? Tại sao các vị không hỏi những người dân như chúng tôi? Theo tôi, câu trả lời đơn giản là thế này: Các vị đang sợ sự thật. Tôi hiểu các vị đang “chỉ tay năm ngón” trong phòng máy lạnh và cố tình tìm cách lật đổ chế độ của chúng tôi. Vì sao lại tìm cách lật đổ? Chỉ đơn giản là chúng tôi không có cùng cách thức nhìn nhận xã hội, không có chung một đường lối chính trị. Ðiều mà tôi muốn nói ở đây, chính là cái mà các vị cho là bất đồng chính kiến. Vâng, chúng tôi đang bất đồng chính kiến với các vị và điều đó cần phải được tôn trọng như chính các vị yêu cầu”.
Bất chấp mọi sự vu cáo, vu khống, xuyên tạc và cố gắng tác động của các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đến LHQ, đến chính phủ của một số quốc gia, tổ chức có uy tín trên thế giới, Việt Nam vẫn quyết định ứng cử để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, và đã thành công. Thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của uy tín Việt Nam có được từ các thành tựu về nhân quyền, từ sự nghiêm túc của Việt Nam trong khi tích cực cùng với nhân loại đấu tranh cho nhân quyền đích thực, để mọi người trên thế giới được tạo điều kiện phát triển. Như các lĩnh vực hoạt động xã hội – con người khác, dù thế nào thì về nhân quyền, sự thật và thành quả từ sự thật vẫn là thước đo duy nhất với uy tín của mỗi quốc gia; là chỉ dấu xác định sự thống nhất giữa chủ trương, chính sách của mỗi Nhà nước với cố gắng hiện thực hóa các chủ trương, chính sách trong đời sống, từ đó đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi người dân. Ý thức đầy đủ về điều này, các năm qua, Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai rất nhiều chủ trương, chính sách để bảo đảm nhân quyền cho nhân dân, trong đó vừa khẳng định và tôn trọng về phương diện pháp luật, vừa tạo điều kiện để mọi người dân thực hiện các quyền của mình trong cuộc sống xã hội. Tiếp cận nhân quyền một cách rộng nhất, Ðảng và Nhà nước Việt Nam mới xác định được những biện pháp cụ thể, thiết thực trong bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các nhóm yếu thế, và dành một khoản ngân sách rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất, tinh thần giúp đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, các dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển cùng mặt bằng chung trên cả nước. Các việc làm này được thực hiện đồng thời với việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phát triển hệ thống truyền thông không chỉ để thông tin, giải trí, mà còn để góp phần nâng cao dân trí và mức sống văn hóa của xã hội… Dẫu ai đó xuyên tạc như thế nào, vẫn không thể phủ nhận được thực tế hiển nhiên là: chính từ việc quyền con người được phát huy và sự tham gia tích cực của người dân vào mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước là nhân tố quan trọng của thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Những thành tựu đó là bằng chứng xác thực chứng minh các “dự luật nhân quyền Việt Nam” mà từ năm 2004 đến nay, được các vị dân biểu Hoa Kỳ như L.Sanchez, C.Smith, E.Royce,… nhiều lần giới thiệu, được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua chỉ là cố gắng bất khả; vì đó là cố tình làm ngơ trước sự thật, tạo chỗ dựa và tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, thiếu thiện chí vu cáo Việt Nam.
LÀ thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, cũng tức là Việt Nam sẽ phải thực hiện hai sứ mạng cao quý là tiếp tục phát triển nhân quyền ở Việt Nam để chứng minh việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ là hoàn toàn xứng đáng, đồng thời đóng góp tích cực hơn nữa vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên thế giới. Trên lộ trình đi tới một xã hội hoàn thiện và ngày càng hoàn thiện về nhân quyền, có thể chúng ta còn gặp nhiều trở ngại, bởi trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, chúng ta vừa cần từng bước nâng cao mức sống của toàn dân, vừa không chỉ tuyên truyền, quảng bá các giá trị nhân quyền mà quan trọng hơn, là tiếp tục làm cho nhân quyền trở thành tài sản tinh thần trong ý thức thường trực của mỗi thành viên xã hội, từ đó nhận thức đúng đắn về quyền lợi, nghĩa vụ trong sự phát triển của bản thân, đóng góp với xã hội. Trong bối cảnh thế giới còn nhiều vấn đề phức tạp, xung đột sắc tộc, tôn giáo và tham vọng thống trị toàn cầu của một số thế lực chính trị – kinh tế đang đẩy vấn đề nhân quyền ở một số quốc gia – dân tộc vào tình trạng khủng hoảng, là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, chúng ta có trách nhiệm tham gia giải quyết. Như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định tại buổi họp báo ngày 7-11 vừa qua, chúng ta tin tưởng vào khả năng của mình khi đảm đương vai trò là thành viên Hội đồng Nhân quyền, cam kết đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng để nâng cao tính hiệu quả, khách quan, minh bạch, cân bằng trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Bằng chứng gần đây nhất là ngày 7-11, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ ra thông cáo báo chí cho biết, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên mới nhất của Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (UNCAT). Ðó là một trong các bước đi mang ý nghĩa nhân văn của Việt Nam trong khi cùng nhân loại hướng tới một thế giới hòa bình và ổn định, phát triển vì con người.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()