Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám được chuẩn bị và lãnh đạo của đảng tiên phong cách mạng
Gần đây, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, một số cơ quan truyền thông nước ngoài, một vài cá nhân lại đưa thông tin sai lạc về các nguyên nhân cơ bản đưa tới thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại. Về điều này, một năm sau ngày Cách mạng thành công, đồng chí Trường-Chinh khẳng định: "Hiện nay, một số người, hoặc chưa từng rỏ một giọt mồ hôi vì cách mạng, hoặc đã và đang hành động phản quốc, chực phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám Việt Nam. Họ cho rằng dân tộc ta không phải chiến đấu mấy, chẳng qua là "ăn may" mà vớ được chính quyền". Bài viết của Ðại tá, PGS Hồ Kiếm Việt - người trực tiếp tham gia sự kiện hào hùng 68 năm trước, sẽ góp phần làm sáng tỏ sự thật vấn đề nói trên.
Gần đây, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, một số cơ quan truyền thông nước ngoài, một vài cá nhân lại đưa thông tin sai lạc về các nguyên nhân cơ bản đưa tới thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại. Về điều này, một năm sau ngày Cách mạng thành công, đồng chí Trường-Chinh khẳng định: “Hiện nay, một số người, hoặc chưa từng rỏ một giọt mồ hôi vì cách mạng, hoặc đã và đang hành động phản quốc, chực phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám Việt Nam. Họ cho rằng dân tộc ta không phải chiến đấu mấy, chẳng qua là “ăn may” mà vớ được chính quyền”. Bài viết của Ðại tá, PGS Hồ Kiếm Việt – người trực tiếp tham gia sự kiện hào hùng 68 năm trước, sẽ góp phần làm sáng tỏ sự thật vấn đề nói trên.
Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám ở tuổi 87 của tôi, một cách tự nhiên tôi hồi tưởng về một thời trai trẻ, với cảm nhận không thể nào quên giá trị của cuộc cách mạng vĩ đại. Như mọi người Việt Nam yêu Tổ quốc mình, nói tổng quát và cơ bản thì Cách mạng Tháng Tám đã tạo bước ngoặt đổi đời của đất nước, nhân dân, từ đó có một quốc gia độc lập để mưu cầu cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong chế độ mới, bình đẳng với mọi quốc gia trên thế giới. Xét từ bối cảnh lịch sử trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, trừ năm thị xã Móng Cái, Hà Giang, Lao Cai, Lai Châu, Vĩnh Yên do quân đội của Tưởng Giới Thạch và tay sai chiếm đóng từ trước, thì chỉ trong nửa tháng, từ 14 đến 28-8-1945, cả nước đã giành chính quyền về tay nhân dân. Nhìn từ phương tiện giao thông và thông tin lạc hậu khi đó, thì việc chấp hành Lệnh Tổng khởi nghĩa của Việt Minh các cấp, các địa phương quả là một kỳ tích.
Hơn nữa, hầu hết các tỉnh phía bắc, chỉ trong 4 ngày từ 14-8 đến 18-8 đã giành được chính quyền từ cấp xã, cấp huyện, tiến lên giành chính quyền cấp tỉnh. Ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) quê tôi là một thí dụ, đã nhận được lệnh của Việt Minh Nam Hà (gồm các huyện phía nam tỉnh và thị xã) sau cuộc họp ngày 13-8-1945 phát động khởi nghĩa trong toàn huyện, đầu tiên là vùng huyện lỵ, với lực lượng nòng cốt là thôn Gia Hội. Ngày 15, tổ chức một cuộc biểu tình thị uy, cùng lúc được thông báo Nhật đã đầu hàng Ðồng minh; ngày 17, giành chính quyền ở huyện. Ngày 18, đưa lực lượng ra thị xã, tham gia giành chính quyền cấp tỉnh. Như vậy, khởi nghĩa được phát động khi Nhật chưa đầu hàng Ðồng minh, Trung ương đang họp Hội nghị toàn quốc và tiếp theo là Ðại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập. Khi Lệnh Tổng khởi nghĩa phát ra thì ở Hà Tĩnh khởi nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi. Ðó là sự thật không chỉ ở quê tôi, mà ở hầu như mọi địa phương trên cả nước.
Trước thực tế đó, một số người chỉ nhìn thấy thuận lợi mà quên rằng, dù có thuận lợi mấy về mặt khách quan thì về yếu tố chủ quan, một cuộc Tổng khởi nghĩa “một ngày bằng hai mươi năm”, không phải “há miệng chờ sung”, hay dựa vào vận may mà có. Nếu không có chiến lược, sách lược đúng đắn, không nắm vững, linh hoạt và sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa,… thì không thể đón bắt được thời cơ giành thắng lợi. Huống chi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám còn phải đứng trước khó khăn khách quan cần vượt qua, như: Tổng khởi nghĩa thành công được vài ngày thì quân Pháp đã nấp sau lưng quân Anh, Ấn để “tiếp quản” Nam Bộ, rồi phát động chiến tranh xâm lược vào ngày 23-9-1945. Ở phía bắc, quân Tưởng Giới Thạch làm chỗ dựa cho các Ðảng Việt Quốc, Việt Cách gây rối, tranh giành quyền lực thậm chí âm mưu đảo chính.
Từ khẳng định “thời cơ ngàn năm có một” đã xuất hiện, từ sự gặp gỡ giữa các nhân tố chủ quan và khách quan, cần gấp rút kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền, trong Thư kêu gọi đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giờ quyết định cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Thực lực cách mạng ở thời điểm này như chúng ta đã biết, là khối đại đoàn kết toàn dân, căm thù chế độ thực dân, phát-xít, sẵn sàng xông tới trong trận quyết chiến chiến lược. Tất nhiên, thực lực cách mạng không phải có được trong ngày một, ngày hai, mà đã tạo lập trong quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ đầy hy sinh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Từ khi Ðảng ra đời kế tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các thế hệ trước, đã phải trải qua những giai đoạn với chiến lược, sách lược khác nhau tùy thuộc vào tình hình chính trị trong nước, quan hệ địch – ta, tình hình quốc tế, các mối quan hệ,… trong đó nổi bật là Xô Viết – Nghệ Tĩnh năm 1930, sau đó là khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Bắc Sơn. Ðến năm 1941, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm 10 năm đấu tranh, xây dựng lực lượng, tiến công địch và chống khủng bố, bảo toàn lực lượng, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 đã điều chỉnh chiến lược, sách lược cách mạng trên cơ sở vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đã quyết định tiếp tục chủ trương của Hội nghị T.Ư 6, nhưng nêu hàng đầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Hội nghị T.Ư quán triệt sâu sắc quan điểm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc phân tích mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc làm cơ sở phương pháp luận cho quyết định chiến lược, sách lược mới. Theo tư tưởng của Người thì cách mạng Việt Nam “không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Ngay từ Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, tháng 2-1930, trong Cương lĩnh đầu tiên của Ðảng ta, Chánh cương vắn tắt đã chỉ rõ: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Nhưng cấp bách trước mắt là phải giải phóng dân tộc. Sự nghiệp giải phóng dân tộc không hoàn thành thì muôn đời giai cấp cũng không được giải phóng. Theo tinh thần đó, Hội nghị T.Ư 8 khẳng định: Mục đích hiện nay của cách mạng nước ta là “Ðánh đuổi Pháp – Nhật làm cho xứ Ðông Dương độc lập”, “Cách mạng Ðông Dương hiện tại không phải là cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một nhiệm vụ cần kíp “dân tộc giải phóng”…”. Tiếp mấy năm sau, đêm 9-3-1945, vừa dứt tiếng súng cuộc đảo chính Nhật hất cẳng Pháp, Hội nghị mở rộng của Thường vụ T.Ư Ðảng do Tổng Bí thư Trường-Chinh chủ trì nhận định tình hình, ra quyết nghị chủ trương mới, thể hiện trong chỉ thị ngày 12-3-1945 của Thường vụ T.Ư Ðảng “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị xác định kẻ thù chính, cụ thể trước mắt và duy nhất của nhân dân Ðông Dương là phát-xít Nhật, thay khẩu hiệu “Ðánh đuổi phát-xít Pháp – Nhật” bằng khẩu hiệu “Ðánh đuổi phát-xít Nhật”; chủ trương “phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa”. Trong cao trào “kháng Nhật cứu nước”, Việt Minh thay đổi hình thức tuyên truyền cổ động, hình thức tổ chức, đấu tranh phù hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa và tập dượt quần chúng trong những cuộc biểu tình thị uy tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Hiệu quả to lớn của các Nghị quyết trên đây của Ðảng là với Việt Minh bao gồm các tổ chức các đoàn thể quần chúng, đã mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong mưu cầu giải phóng dân tộc (trong đó ở các cấp và các địa phương đã tập hợp cả các nhân sĩ, viên chức, quân nhân có tinh thần yêu nước vào Việt Minh, tạo thêm thuận lợi cho giành chính quyền) dẫn đến cao trào cách mạng của quần chúng tiếp nhận Lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Nghị quyết Trung ương Ðảng đi vào cuộc sống hợp với xu thế thời cơ cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, phát triển thực lực cách mạng cả về số lượng và chất lượng để có được cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra nhanh chóng trong thời gian eo hẹp, thành công trước khi quân Ðồng minh đổ bộ vào, để chính quyền cách mạng kịp tổ chức đối phó với thù trong, giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng. Rõ ràng trong Cách mạng Tháng Tám đã diễn ra biện chứng lịch sử là thu hẹp mục tiêu cách mạng “chỉ giải quyết một nhiệm vụ cần kíp dân tộc giải phóng”, thì Mặt trận dân tộc thống nhất được mở rộng tối đa, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, tạo thực lực cho Tổng khởi nghĩa, hơn nữa còn tạo tiềm lực cách mạng cho xây dựng và bảo vệ đất nước về sau. Về tiềm lực cách mạng, phải nói rằng Cách mạng Tháng Tám đã bồi dưỡng, đào luyện cho Tổ quốc một thế hệ con người mới, bộ phận lớn là thanh niên trong thực tiễn cách mạng cả về lòng yêu nước, ý chí và năng lực hành động để trực tiếp đảm đương nhiệm vụ mới sau khi chính quyền nhân dân thiết lập. Ðó là khôi phục nền kinh tế kiệt quệ, với hậu quả hai triệu người chết đói, trong hoàn cảnh ngân sách Nhà nước trống không, lại phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài, ngay khi chính quyền mới ra đời, còn non trẻ. Khi sự nghiệp cách mạng, nền độc lập của Tổ quốc bị đe dọa, họ sẵn sàng hưởng ứng “Kêu gọi toàn dân kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, đương đầu với kẻ thù xâm lược với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chỉ với các nét lớn này, chúng ta đã thấy nếu đứng ngoài cuộc mà thiếu thái độ khách quan, lại thiếu thiện chí sẽ khó có thể nhận thức được giá trị lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.
Trong tác phẩm Cách mạng Tháng Tám viết trong dịp kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Trường-Chinh đã trực tiếp phê phán lối tiếp cận này: “Hiện nay, một số người, hoặc chưa từng rỏ một giọt mồ hôi vì cách mạng, hoặc đã và đang hành động phản quốc, chực phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám Việt Nam. Họ cho rằng dân tộc ta không phải chiến đấu mấy, chẳng qua là “ăn may” mà vớ được chính quyền” (Trường-Chinh – Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, tập I, NXB Sự thật, H.1975, tr.341). Và để kết luận, xin trích đánh giá về Cách mạng Tháng Tám cũng của đồng chí Trường-Chinh trong tác phẩm đã dẫn ở trên: “Một cuộc cách mạng của thời đại mới muốn thắng lợi phải thật sự là một cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân đông đảo, được chuẩn bị và lãnh đạo bởi một đảng tiên phong cách mạng. Cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng, vì nó là sự nghiệp của toàn dân đoàn kết, kiên quyết chiến đấu để tự giải phóng, do Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo”. (Trường-Chinh – sđd, tr.375).
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()