Tháng Giêng trảy hội Xuân
Hội Xuân là nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ nghìn xưa. Có những lễ hội để tưởng nhớ cội nguồn, có lễ hội để cầu may mắn, an khang và cũng có lễ hội đơn giản chỉ là để gặp gỡ giao duyên.
Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương chỉ có phép các đò thường chạy trên suối Yến |
Tháng Giêng là tháng có nhiều lễ hội nhất. Trong hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ ấy, những lễ hội như lễ hội chùa Hương, gò Đống Đa, hội Gióng-đền Sóc, khai ấn đền Trần, lễ hội Yên Tử, hội vật làng Sình, hội Xuân núi Bà Đen… luôn thu hút hàng triệu du khách vì những nét văn hóa độc đáo.
Năm 2018, các lễ hội kể trên có điểm gì đặc sắc? Mời các bạn cùng khám phá.
Lễ hội chùa Hương: Không có xuồng máy chạy trên suối Yến
Lễ hội chùa Hương 2018 là mốc quan trọng: Vừa kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn, vừa là dịp đón nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, nên dự kiến, lượng khách tham gia sẽ tăng mạnh.
Chính vì vậy, Ban Tổ chức lễ hội đã đề ra nhiều phương án nâng cao chất lượng phục vụ, kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm, để mùa lễ hội diễn ra an toàn, gắn liền phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Trong mùa lễ hội năm nay sẽ có 4.500 đò được sơn lại đồng bộ màu xanh, được gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác… để phục vụ du khách. Ban Tổ chức kiên quyết không để xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách trên suối Yến nhằm giữ gìn nét đẹp tự nhiên và không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.
Trong mùa lễ hội, Ban Tổ chức đề nghị Ban Trị sự chùa Hương không phát lộc tại lễ hội, tránh hiện tượng du khách chen lấn, xô đẩy.
Các tổ kiểm tra liên ngành sẽ duy trì hoạt động liên tục trong 3 tháng diễn ra lễ hội. Lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ và xử lý các đối tượng cò mồi, chèo kéo, chặt chém giá, hay các đối tượng kinh doanh hình thức vui chơi có thưởng, bán hàng giá cao, lừa đảo…
Lễ hội gò Đống Đa |
Lễ hội gò Đống Đa: Đón gần 40 đoàn khách
Diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm, lễ hội gò Đống Đa tưởng nhớ trận đánh oai hùng Ngọc Hồi-Đống Đa của vua Quang Trung đã trở thành lễ hội truyền thống được người dân Hà Nội gìn giữ và là “đặc sản” thu hút nhiều du khách.
Theo Ban Tổ chức, năm nay, lễ hội vẫn đón 29 đoàn của các quận, huyện và 9 đoàn kết nghĩa của các tỉnh bạn. Lễ hội vẫn giữ nét truyền thống với hai phần lễ và hội, gồm lễ dâng hương và các chương trình biểu diễn nghệ thuật mô phỏng lại trận đánh Ngọc Hồi-Đống Đa.
Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn lễ hội, quận Đống Đa sẽ tăng cường các biện pháp phân luồng giao thông, hướng dẫn các bến bãi đỗ xe, giám sát an ninh để ngăn việc bán hàng rong diễn ra tại lễ hội.
Hội Gióng-đền Sóc |
Hội Gióng-đền Sóc: Thay đổi hình thức phát lộc
Theo kế hoạch, Hội Gióng-Đền Sóc được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23/2 (tức mùng 6-8 tháng Giêng năm Mậu Tuất).
Năm nay, lễ hội vẫn diễn ra đúng nghi thức truyền thống đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng tránh được tình trạng tranh cướp lộc phản cảm.
Với tâm lý người dân đi lễ phải có lộc mới vui, Ban Tổ chức sẽ nghiên cứu xây dựng kịch bản để không phát lộc tập trung ở một chỗ như mọi năm, mà sẽ phân tán ra ở nhiều khu vực khác nhau.
Ban Quản lý khu du lịch-di tích đền Sóc đã gặp gỡ với người dân thôn Vệ Linh và Đan Tảo (hai thôn đảm nhận việc chuẩn bị rước giò hoa tre, trầu cau) để thống nhất việc thay đổi hình thức rước giò hoa tre và trầu cau trong ngày khai hội và đi đến thống nhất: Sau khi rước giò hoa tre, trầu cau lên đền Thượng, hai giò hoa tre và trầu cau sẽ được chia nhỏ để lễ tạ tại đền Hạ và đền Mẫu, thay vì rước cả giò như mọi năm.
Năm nay, phần hội của hội Gióng sẽ được mở rộng thêm nhiều nội dung hấp dẫn như: Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian biểu diễn nghệ thuật, thi đấu vật, bóng chuyền, cây đu, kéo mỏ, cờ tướng, nấu cơm thi, vật cổ truyền, lễ kéo mỏ…
Trong 3 ngày hội tuyệt đối không trông giữ phương tiện tại khuôn viên di tích; không cho bán hàng rong, không có hàng ăn uống, không có lều mái mà chỉ có ô che… Các trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc, ăn tiền, sách mê tín dị đoan sẽ bị nghiêm cấm trong mùa lễ hội này.
Lễ hội Yên Tử |
Lễ hội Yên Tử: Nhiều sự kiện đặc biệt
Lễ hội Yên Tử sẽ diễn ra từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch với nhiều sự kiện đặc sắc như: Khai mạc lễ hội Xuân Yên Tử, lễ hội hoa Anh đào-Mai vàng Yên Tử, lễ hội đền, chùa Hang Son, lễ hội khai xuân chùa Ba Vàng… Trong đó các sự kiện chính dự kiến sẽ được tổ chức tại Khu di tích, danh thắng Yên Tử.
Trung tâm văn hóa lễ hội dịch vụ Yên Tử, quần thể văn hóa được ví như một kiệt tác, từ thiết kế cầu kỳ với việc lựa chọn và sử dụng vật liệu một cách tỉ mỉ như gỗ, đồng, đá, gốm gắn với văn hóa đời nhà Trần… được kỳ vọng là điểm nhấn trong quần thể du lịch Yên Tử mùa lễ hội năm 2018.
Tuyến đường trục chính từ Quốc lộ 18 vào Khu di tích Yên Tử cũng đã được rải thảm. Nằm trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu lưu thông, tránh ùn tắc mùa lễ hội, một tuyến cáp treo mới cũng đã được xây dựng.
Khai ấn đền Trần (Nam Định) |
Khai ấn đền Trần (Nam Định): Bảo đảm đủ ấn phát cho du khách
Lễ hội đền Trần (Nam Định) Xuân Mậu Tuất 2018 bắt đầu từ ngày 26/2-3/3 (tức ngày 11-16 tháng Giêng) với rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ; rước nước, tế cá; múa lân; biểu diễn võ thuật… Trong đó, trọng tâm là lễ khai ấn diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng.
Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội sẽ chuẩn bị đủ số lượng ấn và bắt đầu phát cho nhân dân, du khách từ 5h ngày 15 tháng Giêng cho đến khi hết ấn.
Theo kế hoạch, vào 23h15 đêm 14 tháng Giêng, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ khai ấn. 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng, cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể sẽ vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng dấu khai ấn. 14 cánh ấn bằng giấy màu vàng sẽ được Trưởng từ đền Trần cất giữ, sau đó dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng.
Sau khi khai ấn, từ 23h55 phút trở đi sẽ mở cửa đền cho nhân dân, du khách vào lễ đầu năm.
Ban Tổ chức đã xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội, đặc biệt là phương án bảo vệ lễ rước kiệu ấn. Các cơ quan chức năng có kế hoạch phân luồng giao thông trên Quốc lộ 10 đoạn qua khu vực đền Trần để tránh ách tắc; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát giá cả và các dịch vụ lễ hội.
Hội vật làng Sình |
Hội vật làng Sình: Thể hiện tinh thần thượng võ
Tại cố đô Huế, từ ngày 9-10 tháng Giêng sẽ diễn ra hội vật làng Sình.
Hội vật có truyền thống hơn 200 năm, ban đầu được xem như hình thức tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến, nay được phát triển thành lễ hội vùng miền không giới hạn người địa phương và du khách tham gia.
Hội vật làng Sình vừa mang yếu tố tâm linh đề cao sức khỏe, mùa màng tươi tốt, vừa là hoạt động thể hiện tinh thần thượng võ, kích thích tinh thần lao động của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên.
Hội Xuân núi Bà Đen |
Hội Xuân núi Bà Đen: Bắn pháo hoa trong ngày khai mạc
Ban Quản lý khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cho biết, tại Hội Xuân núi Bà Đen năm 2018 sẽ có màn bắn pháo hoa tầm thấp trong ngày khai mạc và tổ chức lễ hội khinh khí cầu từ mùng 5-8 tháng Giêng.
Công ty cổ phần Cáp treo Núi Bà Đen cũng đưa vào khai thác hệ thống máng trượt mới theo công nghệ châu Âu, với các ưu điểm vượt trội so với hệ thống máng trượt trước đây.
Công ty cổ phần Du lịch-Thương mại Tây Ninh tăng cường trang trí điện, hoa cảnh tại Khu du lịch. Công ty cũng sẽ bố trí các kiốt bán mặt hàng nước giải khát do nhân viên công ty trực tiếp kinh doanh dọc các trục đường chính, khu vực bãi ô tô, khu vực ga dưới cáp treo cũ.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()