Thặng dư thương mại có khả năng giảm
Nhiều ý kiến cho rằng, nhập siêu tăng dần là dấu hiệu tốt của sản xuất. Tính chung 8 tháng năm 2013, Việt Nam nhập siêu 577 triệu USD. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng hóa lại chủ yếu tập trung cho hoạt động gia công, lắp ráp trong khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với mức đóng góp giá trị gia tăng không lớn cho nền kinh tế. Vấn đề đặt ra, cần nhìn nhận vấn đề này theo xu hướng nào?
Nhiều ý kiến cho rằng, nhập siêu tăng dần là dấu hiệu tốt của sản xuất. Tính chung 8 tháng năm 2013, Việt Nam nhập siêu 577 triệu USD. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng hóa lại chủ yếu tập trung cho hoạt động gia công, lắp ráp trong khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với mức đóng góp giá trị gia tăng không lớn cho nền kinh tế. Vấn đề đặt ra, cần nhìn nhận vấn đề này theo xu hướng nào?
Cơ cấu xuất khẩu thay đổi đáng kể
Nhìn chung, hoạt động ngoại thương của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu lại có xu hướng giảm dần. Chẳng hạn, 8 tháng năm 2013, tuy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 84,8 tỷ USD, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ là 14,7% so với cùng kỳ năm năm 2012; trong khi đó, 8 tháng năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tuy chỉ đạt 73,3 tỷ USD, nhưng tốc độ tăng trưởng lại đạt 17,8% so với cùng kỳ năm 2011. Từ số liệu này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng và nằm ngoài tác động của các khó khăn trong nội địa. Trong khi doanh thu xuất khẩu hàng nông sản và nguyên liệu giảm do giá giảm, kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng thu hút nhiều lao động truyền thống như: Dệt may, da giày và đồ gỗ… tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng nhanh (hàng dệt may tăng 17,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,6%; giày dép tăng 16,1%…).
Theo thông tin từ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, với việc mở rộng hoạt động nhanh chóng của Samsung tại Việt Nam, đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động dự kiến sẽ vượt qua con số 30 tỷ USD. Tiếp theo thành công của Samsung, LG Electronics đang xây dựng nhà máy điện thoại di động tại Việt Nam. Với sự tham gia của LG Electronics, một số đơn vị phụ thuộc đã bắt đầu được xây dựng tại Việt Nam, làm tăng triển vọng là Việt Nam có thể nổi lên như một nước xuất khẩu điện thoại di động lớn trên thế giới.
Những số liệu trên cho thấy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể trong khoảng mười năm trở lại đây. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nếu như năm 2002, xuất khẩu dầu thô và sản phẩm từ nông nghiệp (bao gồm cả xuất khẩu gạo), chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2012, đã giảm xuống còn 19%; tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa giá trị gia tăng thấp như dệt may, giày da cũng giảm từ 27% xuống còn 20%. Các mặt hàng xuất khẩu giá trị lớn, vốn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ tổng kim ngạch trong năm 2002 như: điện thoại và linh kiện điện thoại di động, điện tử, máy tính và linh kiện… hiện đã chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự dịch chuyển lớn, thì các thị trường xuất khẩu lại không có nhiều thay đổi trong mười năm qua. Chẳng hạn, năm 2002, ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, chiếm 49% kim ngạch xuất khẩu, thì năm 2012, con số này là 46% (mức thay đổi không đáng kể – chỉ 3%). Trong cơ cấu xuất khẩu, một tỷ trọng nhỏ xuất khẩu sang các nước phát triển đã giảm và chuyển sang các nước lân cận như: Trung Quốc, ASEAN. Do vậy, để mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu Việt Nam, cần tiếp tục đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu và khai thác các thị trường mới như: Châu Phi, Nam Á và châu Mỹ Latinh.
Cần thay đổi cơ cấu nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tăng chậm trong năm 2012, song đang phục hồi trở lại trong năm 2013. Sự sụt giảm tổng cầu đầu tư vốn và hàng hóa trung gian, cũng như mức tiêu dùng cá nhân khiến cho kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng ở mức khiêm tốn 6,6% trong năm 2012. Nhập khẩu từ khu vực nội địa giảm 7% trong năm, phản ánh sự cắt giảm đáng kể đầu tư công và giảm sút doanh thu bán lẻ nội địa, trong khi nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI lại tăng 22,7%, đóng góp tới 52,7% tổng kim ngạch. Năm 2013, nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi trong mấy tháng gần đây, đạt mức tăng 14,9% (so với cùng kỳ năm 2012) trong 8 tháng.
Sự phục hồi kim ngạch nhập khẩu, đặc biệt là mức tăng đáng kể tại khu vực nội địa, cho thấy khả năng cải thiện nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong thời gian tới. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian cũng đã tăng nhanh, khẳng định một chu kỳ mới về đầu tư và sản xuất có thể lại xuất hiện. Cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam có sự thay đổi, chủ yếu phản ánh các thay đổi trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu và hướng tới một cơ cấu công nghiệp công nghệ cao hơn.
8 tháng năm 2013, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu và hàng gia công lắp ráp. Tỷ trọng máy móc thiết bị, sản phẩm dầu mỏ, nguyên liệu dệt may, nhựa dẻo và xe máy trong tổng kim ngạch nhập khẩu đã giảm dần, trong khi tỷ trọng các sản phẩm trung gian công nghệ cao lại tăng nhanh. Trong 8 tháng năm 2013, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như: xăng dầu đạt 4,6 tỷ USD, giảm 27,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 908 triệu USD, giảm 4,6%; cao su đạt 456 triệu USD, giảm 16,3%.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, trong khi tỷ trọng các nước khác trong tổng kim ngạch có sụt giảm rõ rệt. Dự kiến, năm 2013, khoảng 33% lượng hàng hóa có nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, so với chỉ 11% năm 2012. Việc tăng tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cơ cấu nhập khẩu cũng đồng nghĩa với việc giảm tỷ trọng nhập khẩu của hầu hết các nước khác, mà chủ yếu là Nhật Bản, EU và ASEAN.
Từ phân tích trên cho thấy, dự kiến, Việt Nam có khả năng tiếp tục có thặng dư thương mại (tính theo cán cân thanh toán) trong năm 2013, dù quy mô thặng dư có thể sụt giảm. Việt Nam đã trải qua giai đoạn thâm hụt thương mại liên tiếp. Mức độ thâm hụt lên đến mức 18 tỷ USD, bằng 20% GDP vào năm 2008. Cán cân thương mại được cải thiện dần từ thời điểm này, và đến năm 2012, Việt Nam đã xuất siêu 284 triệu USD (lần đầu tiên kể từ năm 1992) nhờ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ và nhập khẩu giảm.
Điểm đáng chú ý, trong khi tổng thể nền kinh tế đang chịu thâm hụt thương mại, thì khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn ghi nhận thặng dư. 8 tháng năm 2013, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,8 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,4 tỷ USD. Khi nhập khẩu bắt đầu phục hồi trong nửa đầu của năm 2013, và tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu có mức tăng 14,9%, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu có mức tăng thấp hơn (14,7%), nên dự kiến thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ còn giảm đi trong những năm tới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()