Vào ngày 12-7-1984, ông Lê Thành Công, khi đó là chiến sĩ đặc công, đơn vị D406 – E821 cùng đồng đội được giao nhiệm vụ đánh cửa mở, đưa bộ binh lên chiếm lĩnh trận địa tại điểm cao 233, xã Thanh Thủy. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, ông Công bị thương nặng. Đạn pháo cày xới từng tấc đất biên cương, những người lính bị thương vẫn phải bám trụ lại trận địa, hai ngày sau mới được đưa về trạm giải phẫu tiền phương.
“Tinh thần chiến đấu của bộ đội ta rất cao, người bị thương nhẹ thì gắng cùng đồng đội chiến đấu, bị thương nặng mới chịu để đồng đội cõng về tuyến sau điều trị. Tôi bị thương nặng, điều trị ở trạm giải phẫu tiền phương một thời gian ngắn, rồi được chuyển về tuyến sau. Hậu phương ngày đó vẫn trong trạng thái thời bình, nhìn làng quê yên ả, phố phường đông vui, anh em thương binh không cầm nổi nước mắt vì không còn được sát cánh cùng đồng đội chiến đấu ngoài tiền tuyến”, ông Lê Thành Công xúc động nhớ lại.
33 năm sau chiến tranh, ông Công mới có dịp trở lại biên giới Vị Xuyên. “Lên thăm chiến trường xưa, thắp nén nhang tri ân cho đồng đội đã ngã xuống, tôi còn một mong muốn là tìm những đồng đội còn sống, cùng đơn vị cũ. Lính đặc công không nhiều như các đơn vị khác, nên cho đến nay vẫn chưa có ban liên lạc của đơn vị. Do đó, tôi làm tấm biển tìm đồng đội mang theo để anh em cùng đơn vị kết nối được với nhau”, ông Lê Thành Công tâm sự.
Lê Thị Phương Thảo là con gái ông Lê Thành Công, xúc động: “Nhìn bố và đồng đội cũ gặp nhau, tay bắt mặt mừng và được nghe những câu chuyện về cuộc chiến năm xưa thấy tình cảm của những người lính đã từng vào sinh ra tử thật sâu nặng. Tôi càng thấu hiểu và trân trọng hơn những mất mát, hy sinh của những người lính trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc”.
Điểm cao 468, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên những ngày tháng bảy này đón hàng nghìn CCB từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Tại đây, Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên vừa mới được xây dựng, khánh thành ngày 25-6 vừa qua từ nguồn vốn xã hội hóa.
Nhà tưởng niệm được xây dựng có ý nghĩa rất lớn, là nơi để các CCB tìm về tri ân, tưởng nhớ đồng đội, là điểm để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là chỗ dừng chân cho các CCB trong những chuyến đi phối hợp với các ngành chức năng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Từ điểm cao 468, phóng tầm mắt thấy những đỉnh núi cao xanh mướt cây rừng, lưng chừng núi là những thửa ruộng bậc thang đang bước vào vụ mới. Những điểm cao đó (685, 772), cách đây 33 năm diễn ra những trận đánh ác liệt, riêng ngày 12-7- 1984, có gần 600 chiến sĩ Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh.
Trong đoàn CCB huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội về thăm lại chiến của trường Vị Xuyên, ông Trịnh Văn Hưởng, nguyên là Tiểu đội trưởng thông tin C4, D11, E150, F356 cho biết: “Vui vì gặp lại nhiều đồng đội, thấy chiến trường xưa giờ đã là vùng đất nhiều đổi thay.
Nhưng băn khoăn, trăn trở vẫn còn bởi những sườn đồi, điểm cao chưa sạch vật cản, hàng trăm liệt sĩ vẫn chưa được quy tập về cùng đồng đội”.
Trên vùng đất cực bắc của Tổ quốc, chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn héc-ta đất dọc biên giới bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Tính từ năm 1988 đến nay, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Hà Giang hiệp đồng các đơn vị công binh chuyên trách tiến hành rà phá được 4.836 héc-ta. Nhiều vùng đất “chết” hồi sinh, người dân vùng biên có thêm đất đai canh tác, các ngành chức năng thuận lợi hơn trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Bộ CHQS tỉnh Hà Giang những năm qua đã phối hợp các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tính từ năm 2012 đến nay, đã tìm kiếm, cất bốc được 41 bộ hài cốt liệt sĩ, chủ yếu ở các điểm cao 685, 400, 300, thuộc các thôn Giang Nam, Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt của các liệt sĩ còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Riêng tuyến biên giới tỉnh Hà Giang vẫn còn hơn 85 nghìn héc-ta đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ, trong đó có hơn 25 nghìn héc-ta ô nhiễm nặng, chủ yếu ở năm xã biên giới thuộc huyện Vị Xuyên.
Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc, tại chiến trường Vị Xuyên có nhiều sư đoàn tham chiến, đến nay, nhiều đơn vị đã giải thể nên việc bàn giao, thống nhất sơ đồ mộ chí, danh sách không còn đầy đủ. Đồng chí Nguyễn Minh Khôi, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cho biết: “Quân số thực hiện công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thuộc Ban chính sách, chỉ có bốn người và hoạt động kiêm nhiệm. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quan trọng, nhưng cán bộ trong ban cũng phải hoàn thành tốt các chính sách hậu phương quân đội, trong đó có việc thực hiện các chính sách trợ cấp của Nhà nước cho quân nhân trải qua các cuộc chiến tranh, theo thống kê trên địa bàn tỉnh có gần 30 nghìn người”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, trên địa bàn các huyện biên giới thuộc tỉnh còn gần 200 hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập, trong đó chủ yếu tại các điểm cao thuộc huyện Vị Xuyên, nhiều điểm vẫn chưa được rà phá bom, mìn. “Khó khăn, gian khổ, nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm để đón các liệt sĩ còn nằm lại nơi núi rừng biên giới về cùng các đồng đội tại nghĩa trang Vị Xuyên”, đồng chí Nguyễn Đức Hiệp, Trợ lý chính sách, Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cho biết.
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, nơi chôn cất hơn 1.700 phần mộ liệt sĩ mỗi ngày đón hàng trăm lượt người đến thắp hương tưởng nhớ, tri ân; hơn 4.000 gia đình thương binh, liệt sĩ, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn toàn tỉnh nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương, nổi bật là hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa” do thế hệ trẻ tổ chức… để những mất mát, đau thương được xoa dịu trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Ý kiến ()