Tháng 9-2022, trình Chính phủ nghị định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Sáng 20-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì họp báo của Bộ Nội vụ cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt phóng viên, biên tập viên nhân 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022).
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, tính riêng trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022, Bộ Nội vụ đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nội vụ đã tham mưu nhiều thể chế, chính sách, trong đó, tập trung thể chế hóa trên các lĩnh vực về: Tổ chức bộ máy biên chế; công chức, viên chức; chính quyền địa phương; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính; phân cấp, phân quyền… Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi. Bộ cũng đang tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, cùng với đó tham mưu nhiều nghị định sửa đổi đối với nhiều lĩnh vực.
Tại buổi họp báo, trả lời vấn đề báo chí quan tâm về kiểm định chất lượng đầu vào của công chức, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Nguyễn Tuấn Ninh cho biết: Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức 3 hội thảo góp ý dự thảo Nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Sau khi dự thảo Nghị định được hoàn thiện, Bộ Nội vụ sẽ gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng công khai xin ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ. Dự kiến, Nghị định sẽ được hoàn thiện, trình Chính phủ trong tháng 9-2022.
“Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 nên việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực áp dụng ngay chứ không phải thí điểm nữa. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương thể chế hóa bằng nghị định. Khi nghị định này có hiệu lực, tất cả các kỳ tuyển dụng công chức trên cả nước phải được áp dụng thống nhất chứ không áp dụng quy định về tuyển dụng công chức như hiện nay”, ông Nguyễn Tuấn Ninh cho hay.
Liên quan đến dự thảo đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế Vũ Hải Nam thông tin: “Khi đề xuất tách Tổng cục Đường bộ thì có ý kiến băn khoăn về việc liệu có chồng chéo hay không? Xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu của chúng tôi thì không có sự chồng chéo. Trong đường bộ có đường cao tốc, nhưng đường cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới nên cần có phương thức quản lý tập trung thống nhất. Phương thức quản lý đường cao tốc hiện nay khác đường bộ. Đường cao tốc được xây dựng mới, thu hút nguồn lực nên cần có quản lý riêng, tập trung hơn. Vì vậy phải xem phương án như thế nào cho thống nhất, hợp lý. Nếu Tổng cục Đường bộ được tách thành 2 Cục thì sẽ phải phân công rõ đầu mối, bảo đảm chính sách được thực hiện thống nhất, hợp lý nhất trong quản lý, vừa tinh gọn, vừa hiệu quả”, ông Vũ Hải Nam cho biết.
“Tổng cục nào sau đánh giá cho thấy cần tổ chức lại để giảm cấp trung gian thì các bộ, ngành đều đã xây dựng phương án, sau đó Bộ Nội vụ có ý kiến và tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang trong quá trình xây dựng phương án, chưa có ý kiến chính thức gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Ban Chỉ đạo, khi nào Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến chính thức thì Bộ Nội vụ sẽ trả lời chính thức”, ông Vũ Hải Nam thông tin thêm.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã tặng Bằng khen cho 5 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí (Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Báo điện tử Vietnamnet, Báo điện tử Vnexpress, Báo Hànộimới), đã có thành tích trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng tuyên truyền các lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Bộ.
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()