Tháng 8, thiên tai làm bảy người chết và mất tích, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
* Bão NANMADOL không gây ảnh hưởng trên đất liền * Mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại tại Lào Cai, Kiên Giang và TP Hồ Chí Minh * Ngăn chặn kịp thời rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, bão NANMADOL không gây ảnh hưởng trên đất liền của nước ta. Chỉ có khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ là có thể có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Tại miền bắc, bão gây ảnh hưởng khiến trời ít mây, đêm không mưa, ngày nắng nóng, oi bức. Nhiệt độ cao nhất của đợt nắng nóng này dao động ở mức 32-35 độ. Dự báo đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến giữa tuần sau (khoảng 10 ngày).Do ảnh hưởng của triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đang lên. Mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,83 m, dưới báo động (BĐ) 2: 0,17 m; sông Hậu tại Châu Đốc 3,16 m, trên BĐ1: 0,16 m. Mực nước trên sông Hậu tại Long Xuyên: 2,2 m (mức...
* Bão NANMADOL không gây ảnh hưởng trên đất liền
* Mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại tại Lào Cai, Kiên Giang và TP Hồ Chí Minh
* Ngăn chặn kịp thời rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, bão NANMADOL không gây ảnh hưởng trên đất liền của nước ta. Chỉ có khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ là có thể có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Tại miền bắc, bão gây ảnh hưởng khiến trời ít mây, đêm không mưa, ngày nắng nóng, oi bức. Nhiệt độ cao nhất của đợt nắng nóng này dao động ở mức 32-35 độ. Dự báo đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến giữa tuần sau (khoảng 10 ngày).
Do ảnh hưởng của triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đang lên. Mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,83 m, dưới báo động (BĐ) 2: 0,17 m; sông Hậu tại Châu Đốc 3,16 m, trên BĐ1: 0,16 m. Mực nước trên sông Hậu tại Long Xuyên: 2,2 m (mức BĐ2), trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa: 1,31m, trên BĐ1: 0,11 m. Dự báo, trong những ngày tới mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 1-9, mực nước tại Tân Châu lên 4,05 m, trên BĐ2: 0,05 m; tại Châu Đốc lên 3,5 m (mức BĐ2), tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên lên mức BĐ2, BĐ3.
Theo Tổng cục Thống kê, thiên tai trong tháng 8 đã làm bảy người chết và mất tích, 274 nhà bị ngập, tốc mái và cuốn trôi; 35 km đê, kè, kênh mương và hơn 14 km đường xe cơ giới bị sạt lở; 2.300 ha lúa và hoa màu bị mất trắng. Nghệ An là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với gần 15 km kênh mương và 3 km đường xe cơ giới bị sạt lở; 2.200 ha lúa và hoa màu bị mất trắng. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão lụt, trong tháng 8, số hộ thiếu đói cả nước đã giảm gần 39%, số nhân khẩu thiếu đói giảm hơn 34% so cùng kỳ năm trước.
Hồi 13 giờ ngày 29-8, tại thôn 4, Khe Lếch, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn (Lào Cai) xảy ra vụ sạt lở đất, làm chết ba công nhân của Công ty Hoàng Lan. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, hai máy xúc của Xí nghiệp khai thác quặng sắt, thuộc Công ty khoáng sản và luyện kim Việt – Trung được huy động cùng với hơn 30 công an viên và dân quân xã Sơn Thủy cấp tốc đào bới, sau 40 phút đã tìm được thi thể của các nạn nhân. Nguyên nhân ban đầu có thể trong quá trình dùng máy xúc đào đất để mở rộng nền nhà, ta-luy dương cao tới 15 m do bị chấn động, cộng với mưa nhỏ những ngày trước đó, nên khối đất trên cao đã sạt lở gây chết người.
Khoảng 22 giờ ngày 28-8, tại đoạn sông Rạch Dơi, ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) xảy ra sạt lở làm sập đổ năm ngôi nhà xuống sông, làm một người chết. Ngay sau khi sự cố xảy ra, các đơn vị chức năng và địa phương đã có mặt để khắc phục hậu quả và di dời các hộ dân chung quanh đến nơi an toàn.
Trận mưa kéo dài trong hai ngày qua tại huyện Phú Quốc (Kiên Giang) gây lụt lội bảy trong số mười xã, thị trấn, ảnh hưởng cuộc sống của người dân, tổng thiệt hại ban đầu ước tính hàng tỷ đồng. Thiệt hại nặng nhất là ở thị trấn Dương Đông và xã Cửa Cạn. Nhiều đoạn đường giao thông chìm sâu trong nước, bị chia cắt hoàn toàn đến trưa ngày 29 nước mới rút. Đoạn đường trước sân bay và đường Cách mạng Tháng Tám giao thông bị ách tắc trong một thời gian dài. Sạt lở gần chục đoạn đường, sập một cây cầu; hàng trăm căn nhà bị ngập; nhiều tàu cá bị sóng nhấn chìm,… Huyện đã huy động hàng trăm người là lực lượng tại chỗ cùng với bộ đội, công an triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả, động viên người dân ổn định cuộc sống.
Theo Cục BVTV, trong tháng 8, các ổ dịch lùn sọc đen phát sinh chủ yếu trên lúa tại các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ và miền núi. Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại trên diện rộng tại các tỉnh phía bắc. Các tỉnh phía nam bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lại đang có chiều hướng gia tăng tại các tỉnh: Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Cao Bằng và Lạng Sơn. Ngoài ra, rầy nâu và rầy lưng trắng cũng gây hại trên diện rộng ở phía bắc, với hơn 24 nghìn ha nhiễm, trong đó nhiễm nặng khoảng 1.000 ha. Mật độ phổ biến 30-50 con/m2, nơi cao từ 700 đến 2.000 con/m2.
Theo Nhandan
Ý kiến ()