Tháng 8, nhớ về người con ưu tú của quê hương
Năm nay có rất nhiều tin vui và sự kiện đáng nhớ đến với Ðông An, một làng cổ đã có hơn 600 năm tuổi, thuộc xã Tân An (nay là xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh). Xã Xuân Thành anh hùng với bề dày truyền thống yêu nước, tin yêu Ðảng, cần cù, hiếu học, lạc quan và tình nghĩa. Kỷ niệm 68 năm (1945 - 2013) Ngày Tổng khởi nghĩa 19-8 và Quốc khánh 2-9 cũng vừa tròn 80 năm (1933 - 2013) thành lập Chi bộ Ðảng cộng sản Ðông Dương Ðông An (tiền thân của Ðảng bộ Xuân Thành ngày nay), đồng thời kỷ niệm 103 năm Ngày sinh của đồng chí Ðinh Thúc Dự (1911 - 2013) - người cộng sản ưu tú, Bí thư đầu tiên của Chi bộ Ðông An.
Năm nay có rất nhiều tin vui và sự kiện đáng nhớ đến với Ðông An, một làng cổ đã có hơn 600 năm tuổi, thuộc xã Tân An (nay là xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh). Xã Xuân Thành anh hùng với bề dày truyền thống yêu nước, tin yêu Ðảng, cần cù, hiếu học, lạc quan và tình nghĩa. Kỷ niệm 68 năm (1945 – 2013) Ngày Tổng khởi nghĩa 19-8 và Quốc khánh 2-9 cũng vừa tròn 80 năm (1933 – 2013) thành lập Chi bộ Ðảng cộng sản Ðông Dương Ðông An (tiền thân của Ðảng bộ Xuân Thành ngày nay), đồng thời kỷ niệm 103 năm Ngày sinh của đồng chí Ðinh Thúc Dự (1911 – 2013) – người cộng sản ưu tú, Bí thư đầu tiên của Chi bộ Ðông An.
Ðồng chí Ðinh Thúc Dự tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 30 của thế kỷ 20, trong nhóm thanh niên yêu nước của làng Ðông An, được đồng chí Phạm Quang Lịch (Hào Lịch), Bí thư Ban Thường vụ Lâm thời Ðảng Cộng sản Ðông Dương tỉnh Thái Bình, trực tiếp giác ngộ và gây dựng cơ sở Ðảng Cộng sản ở Ðông An. Ngày 3-3-1933, tại gác chuông chùa Liêu Thượng đã ghi một dấu ấn quan trọng: Chi bộ Ðảng Cộng sản Ðông Dương đầu tiên của xã Xuân Thành được thành lập, gồm bốn đảng viên, lấy tên là Chi bộ Ðảng Ðông An, đồng chí Ðinh Thúc Dự, ở tuổi 22 đã được bầu làm Bí thư chi bộ. Ðây cũng là một trong những chi bộ Ðảng Cộng sản ra đời sớm nhất ở các huyện Xuân Trường và Giao Thủy.
Ngày 19-8-1945, trong lúc những tin tức khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở khắp nơi trong nước tới tấp bay về làm nức lòng người dân trong huyện, đồng chí Ðinh Thúc Dự về Tự Lạc dự Hội nghị Liên tịch của Ủy ban khởi nghĩa cùng một số đồng chí họp bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Theo kế hoạch, lực lượng khởi nghĩa chia làm hai mũi tiến công địch. Một mũi từ Ðông An, Hạc Châu do đồng chí Ðinh Thúc Dự chỉ huy; một mũi từ Tự Lạc do đồng chí Nguyễn Xuân Lầm và Phạm Cương chỉ huy. Hai mũi hợp quân tại dốc Xuân Bảng tiến đánh đồn Lạc Quần trước. Sau khi hạ xong đồn Lạc Quần sẽ kéo về đánh chiếm phủ Xuân Trường và đồn đoan Ngô Ðồng.
Họp bàn với các đồng chí đảng viên chi bộ Ðông An, đồng chí Dự xét thấy kế hoạch tác chiến vừa họp không phù hợp với tình hình hiện tại, bởi lẽ: nếu tên quan huyện phủ Xuân Trường chưa đầu hàng, thì chắc chắn binh lính đồn Lạc Quần sẽ không chịu giao vũ khí cho quân khởi nghĩa. Do đó, cánh quân xuất phát từ Ðông An do đồng chí Ðinh Thúc Dự chỉ huy đã nhanh chóng thay đổi kế hoạch, quyết định lấy phủ Xuân Trường trước, rồi mới quay lại hợp đồng tác chiến với mũi thứ hai đánh đồn Lạc Quần.
Sáng ngày 20-8-1945, đoàn quân khởi nghĩa hơn 40 người, có hai nữ thanh niên là Ðinh Thị Vân (sau này là Anh hùng LLVT) và Phạm Thị Thu, với súng đạn, giáo mác… trên đường tiến về Phủ Xuân Trường, được nhân dân tham gia ngày càng đông, với khí thế mạnh mẽ như nước vỡ bờ, buộc tri phủ Xuân Trường phải nộp vũ khí, ấn tín cho chỉ huy quân khởi nghĩa. Rồi nghĩa binh nhanh chóng kéo quân về dốc Xuân Bảng kịp phối hợp với cánh quân xuất phát từ Tự Lạc tiến đánh đồn Lạc Quần. Khi đại quân được tin đã chiếm được phủ Xuân Trường, thu nhiều chiến lợi phẩm của địch để trang bị vũ khí, súng đạn cho quân khởi nghĩa thì đoàn quân cách mạng càng thêm phấn khởi, tin tưởng, khí thế sục sôi, hò reo như sấm, dâng cao lá cờ đỏ sao vàng ồ ạt tiến đánh đồn Lạc Quần chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, sau đó tiến đánh đồn Ngô Ðồng và huyện lỵ Giao Thủy. Bọn bảo an, bảo hoàng chống đỡ yếu ớt rồi đồng loạt đầu hàng quân cách mạng.
Việc Chi bộ Ðảng xã Xuân Thành và quần chúng nhân dân trong huyện thực hiện thành công lệnh Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tại huyện lỵ Xuân Trường và Giao Thủy không mất một viên đạn, không đổ một giọt máu nào là do sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, sự chỉ đạo tài tình, quyết định sáng tạo, đúng đắn và biết vận dụng đúng thời cơ của đồng chí Ðinh Thúc Dự.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Ðinh Thúc Dự được cấp trên giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến và Bí thư Huyện ủy Xuân Trường. Rồi toàn quốc kháng chiến, từ cuối năm 1949, nhiều huyện lỵ của tỉnh Nam Ðịnh bị địch tạm chiếm, các cơ sở của Ðảng ở vùng địch hậu phải rút vào hoạt động bí mật, đồng chí Ðinh Thúc Dự vẫn kiên cường bám đất, bám cơ sở để trực tiếp chỉ huy lực lượng chống thực dân Pháp ở ba huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu.
Cuối năm 1949, đồng chí Ðinh Thúc Dự được Ðảng giao nhiệm vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Nam Ðịnh. Năm 1951, đồng chí vinh dự là đại biểu chính thức đi dự Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Sau Ðại hội, đồng chí được Trung ương điều động sang Quân đội, phụ trách hậu cần cho chiến dịch Hà Nam Ninh (còn gọi là chiến dịch Quang Trung) diễn ra từ ngày 28-5 đến ngày 20-6-1951 do Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ huy, nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Ðáy của địch. Ðể bảo đảm chiến dịch nổ súng đúng thời gian, đồng chí đã chỉ đạo anh em chuẩn bị hậu cần, bảo đảm vật chất cho gần 50.000 bộ đội và 45.000 dân công hỏa tuyến. Tháng 5-1951, phải hoàn thành khối lượng vật chất gồm 2.870 tấn gạo, 1.450 tấn thực phẩm (trong đó có 80 tấn thịt), 190 tấn đạn, chuẩn bị cơ sở và phương tiện cứu chữa cho 2.000 – 2.500 thương binh với 5.100 giường bệnh. Cuối tháng 6-1951, chiến dịch Quang Trung toàn thắng.
Ðây cũng là trận đánh cuối cùng của đồng chí Ðinh Thúc Dự. Sau chiến dịch Hà Nam Ninh, trong một chuyến công tác hậu địch, đồng chí đã bị địch phục kích và anh dũng hy sinh vào ngày 8-10-1951 khi mới tròn 40 tuổi. Nhưng, đồng chí đã để lại một tấm gương quả cảm hy sinh vì quê hương, vì đất nước của một đảng viên Cộng sản ưu tú.
Người em gái của liệt sĩ Ðinh Thúc Dự là nữ Anh hùng tình báo Ðinh Thị Vân. Trong lịch sử tình báo quân sự Việt Nam, có một nữ điệp viên chiến lược đã hy sinh hạnh phúc riêng – lấy vợ cho chồng để rồi suốt mấy chục năm âm thầm làm nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm trong lòng địch, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng. Vì những cống hiến xuất sắc cho Tổ quốc, đồng chí Ðinh Thị Vân đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Và, khi đất nước ca khúc khải hoàn, người phụ nữ ấy vẫn sống thanh đạm, giản dị và lặng lẽ cho đến ngày cuối đời, tránh xa mọi vinh hoa, phú quý. Ðể ghi nhớ công lao của người anh hùng, thành phố Nam Ðịnh đã đặt tên phố Ðinh Thị Vân tại phường Hạ Long.
Làng Ðông An nghèo đói năm xưa, nay đã trở thành quê hương đổi mới, quê hương anh hùng. Chỉ xin nêu một vài con số “biết nói”: Xã Xuân Thành đã hoàn thành phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở. Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1996 -2000, Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2000 – 2005. Ðến nay, xã đã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 chỉ còn 5,5%. Có 100% số hộ sử dụng điện, 95% số hộ sử dụng nước sạch, hầu như 100% số gia đình có xe máy và các phương tiện nghe nhìn hiện đại, gần 50% số hộ sử dụng điện thoại cố định và nối mạng in-tơ-nét. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đang được phát triển, đến năm 2012, có một xóm đạt danh hiệu văn hóa cấp tỉnh, hai xóm đạt văn hóa cấp huyện, năm khu dân cư tiên tiến, lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.
Theo Nhandan
Ý kiến ()