THÁNG 5 - NHỚ CHUYỆN KỂ VỀ BÁC HỒ VIẾT DI CHÚC
LSO- Năm nay, toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Bác Hồ vô vàn kính yêu, và luôn ghi nhớ 44 năm ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta. Hai sự kiện này làm chúng ta nhớ mãi bản Di chúc thiêng liêng của Người “chính là dòng nước mát lành sẽ mãi mãi góp phần làm cho non sông, đất nước ta trở thành mùa xuân bất tận”
LSO- Năm nay, toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Bác Hồ vô vàn kính yêu, và luôn ghi nhớ 44 năm ngày Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta. Hai sự kiện này làm chúng ta nhớ mãi bản Di chúc thiêng liêng của Người “chính là dòng nước mát lành sẽ mãi mãi góp phần làm cho non sông, đất nước ta trở thành mùa xuân bất tận”
Để có bản Di chúc mà tháng 9 – 1989, Bộ Chính trị TW Đảng công bố toàn văn (đã được Bác sửa hoàn chỉnh cuối cùng như chúng ta đã đọc), được Bác Hồ bắt đầu viết từ năm 1965, khi Người tròn 75 tuổi. Trong khi bận trăm công ngàn việc cùng TW Đảng lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – Người đã dành thời gian viết di chúc chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình. Những năm còn lại, Người đã chọn cứ đến tháng 5, sửa chữa và viết thêm. Bác vẫn giữ gìn cẩn thận và coi Di chúc (bản thảo) là tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Ông Vũ Kỳ đã viết hồi ký và kể với chúng tôi vào chiều ngày 13/9/1993 tại nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch:
Bắt đầu vào buổi sáng mùng 10 tháng 5 năm 1965, “Trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Trong vườn hoa chim nhảy chuyền cành, gọi nhau tíu tít” giữa lúc cả nước thi đua lập thành tích để dâng lên mừng thọ Bác Hồ tròn 75 tuổi.
Từ chiếc máy chữ này của Hồ Chủ tịch đã ra đời nhiều văn kiện liên quan đến
vận mệnh của Tổ quốc. (Ảnh: Tư liệu)
Đúng 9 giờ sáng 10/5, Bác Hồ ngồi chăm chú viết những dòng chữ đầu tiên, Người cho rằng đó là giờ đẹp nhất, viết những gì nghĩ đã lâu. Mở đầu Bác viết: Nhân dịp mừng 75 tuổi. Phía trên, bên trái, Bác ghi: Tuyệt đối bí mật vì Bác không muốn cho nhiều người biết việc làm của người “Sắp đi xa” dẫn đến những suy nghĩ không có lợi. Bác viết: “Năm nay tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”. Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm, mấy tháng nữa…”
Ngày hôm sau 11/5, Bác làm việc bình thường và đến tiễn biệt đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Italia. Trở về nhà, Bác quan tâm theo dõi chiến thắng ở chiến trường miền Nam. Đúng 9 giờ hôm đó, người lấy chiếc phong bì đựng tài liệu “Tuyệt đối bí mật” từ trên giá sách, ngồi vào bàn chăm chú viết. Hôm nay (11/5) Bác viết về Đảng, về đoàn kết, về đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh Đảng phải hết lòng phục vụ nhân dân, phải giữ gìn đoàn kết, thực hành dân chủ, giữ gìn cho Đảng thật trong sạch, là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân (đề nghị bạn đọc tìm Di chúc của Bác để đọc).
Trong những ngày Bác nhận thư, điện và lời chúc tốt đẹp trong kỷ niệm tròn 75 tuổi của mình. Bác rất vui, Người thường nói: “các cô, các chú cứ diệt cho nhiều giặc Mỹ, bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ là Bác khỏe, Bác vui; có tập thể vĩ đại ấy mới có Đảng ta vĩ đại, mới có Cách mạng tháng Tám thắng lợi, mới có sự nghiệp chống Mỹ cứu nước được cả thế giới khen ngợi. Bác chỉ là người lính vâng lệnh quốc dân đứng ra gánh vác việc nước. Ông Vũ Kỳ cho biết, Bác không bằng lòng một sự tôn sùng đặc biệt đối với bản thân mình. Ông Vũ Kỳ kể thêm: Kỷ niệm Bác tròn 75 tuổi nhưng trong Phủ Chủ tịch vẫn làm việc bình thường, vẫn thấy Bác dậy sớm, đi tập thể dục trên con đường nhỏ lát đá ven hồ, đi thấp thoáng dưới những tán dừa, những hàng cây bụt mọc…, bộ quần áo lụa màu gụ, mái tóc bạc phơ bay bay trong gió, khuôn mặt hồng hào với cặp mắt hiền từ…, làm cho Bác bước vào tuổi 75 đẹp rực rỡ như một ông tiên trong các truyện cổ tích.
Những ngày này, Bác bắt đầu viết những lời căn dặn lại cho mai sau. Đúng 9 giờ sáng, một ngày đẹp nhất, Bác viết dòng chữ hơi xiêu xiêu, hơi run không gọn như mấy năm trước. Người viết về đoàn viên và thanh niên và về nhân dân lao động (xem Di chúc của Bác)
Bác Hồ là người đã đặt nền móng và dầy công vun đắp cho tình hữu nghị vĩ đại giữa nhân dân Liên Xô và các nước anh em ngày càng phát triển tốt đẹp. Vì vậy, trong những năm ấy, Người suy nghĩ nhiều về mối bất hòa giữa một số Đảng anh em, đặc biệt giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Người đã chọn ngày 13/5/1965 viết “Về phong trào cộng sản thế giới”. Trong Di chúc, Bác đã dặn lại những lời tâm huyết và viết với lòng tin vào sự đoàn kết: “Tôi tin chắc rằng các Đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ đoàn kết lại”. Để nhắc nhở thế hệ trẻ hai nước Liên Xô và Trung Quốc, Bác đã viết thư gửi các cháu thiếu nhi hai nước với tinh thần quốc tế vô sản chân chính cho thế hệ hôm nay và cho cả thế hệ mai sau. Ngày 14/5/1965, Người về thăm bà con nông dân huyện Từ Liêm (Hà Nội) sau những lời nhắc nhở Đảng bộ cùng bà con thi đua sản xuất, Người nói: Giặc Mỹ nhất định thua, các con cụ sẽ trở về với cụ. Nhân dân ta hãy chịu khó, chịu khổ hy sinh thêm vài năm nữa”. Thế mà, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta thắng lợi đúng như lời Bác dặn từ 10 năm trước, chính mở đầu Di chúc, Người đã biết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là điều chắc chắn” (trích Di chúc)
Chiều 13/5, Bác dành gấp đôi thời gian, từ 14 giờ đến 16 giờ viết tiếp tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Người viết căn dặn khi Người qua đời, nhân dân ta không nên làm gì để lãng phí tiền bạc của nhân dân trong mục Bác cho là việc riêng (xem Di chúc).
Ông Vũ Kỳ kể: Đúng hẹn, đồng chí Lê Duẩn sang gặp Bác, cũng vừa lúc Bác đánh máy xong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” vào lúc 16 giờ ngày 14/5/1965. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ: Hà Nội, ngày 15/5/1965 trước chữ ký Hồ Chí Minh.
Sau khi tiếp các đồng chí Bộ Chính trị và một số đồng chí Trung ương vào chúc thọ và dự mít tinh của thiếu nhi thủ đô chào mừng lần thứ 24 ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam, tại đây, Bác được sống trọn vẹn một ngày tháng 5 đáng ghi nhớ giữa vòng vây yêu thương của các cháu nhỏ. Ông Vũ Kỳ kể tiếp: “21 giờ Bác về tới Phủ Chủ tịch. Đêm tháng 5 trong lành, mát rượi. Hàng vạn vì sao lung linh đáy nước. Đêm yên tĩnh và thiêng liêng quá. Tưởng như nghe được cả hơi thở của cây lá trong vườn. Dạ hương đón Bác bằng mùi thơm quen thuộc. Tôi im lặng đi bên Bác, đưa Bác lên nhà sàn. Bác giao chiếc phong bì to cho tôi và dặn: “Chú giữ cẩn thận, sang năm, ngày 10 tháng 5 (1966) nhớ đưa lại cho Bác, chú đã chuẩn bị sẵn sàng sớm mai đi chưa?”. Ông Vũ Kỳ nói “nhớ lời Bác dặn năm ngoái, trước 9 giờ ngày 10/5 tôi đặt sẵn chiếc phong bì tài liệu “Tuyệt đối bí mật” trên bàn làm việc của Bác…”
Sáng mai là 15/5/1965, Bác có chuyến công tác tại Trung Quốc. Đúng 6 giờ, máy bay cất cánh. Chưa đầy 3 tiếng sau, 8 giờ 44 phút đến Quảng Châu (Trung Quốc). Thế mà, trước đây, từ Quảng Châu đến Pác Bó, Bác phải đi mất 17 năm trời, từ cuối năm 1924 đến đầu năm 1941. Sau một thời gian, Bác sửa chữa. Bản Di chúc thiêng liêng của Người được chính thức công bố ghi ngày 10/5/1969 để toàn Đảng, toàn dân học tập, làm theo lời căn dặn của Bác. Như vậy là đến 10/5/1969, Bác đã viết xong toàn bộ bản di chúc lịch sử bắt đầu từ ngày 10/5/1965.
Sau hơn nửa thế kỷ ngày Bác vĩnh biệt chúng ta, Người đã để lại cho nhân dân ta tài sản tinh thần quí báu và tình thương bao la. Để xứng đáng với công lao trời biển của Người; cùng với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước – Đảng bộ và nhân dân ác dân tộc tỉnh ta nguyện làm theo lời Bác dạy, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quyết tâm đoàn kết, xây dựng Lạng Sơn thành tỉnh miền núi, giàu đẹp, văn minh nơi địa đầu Tổ quốc.
ĐINH ÍCH TOÀN (Có trực tiếp nghe ông Vũ Kỳ kể và tham khảo hồi ký của ông)
Ý kiến ()