Tháng 4 tản mạn ở dinh Độc Lập
LSO- Dinh Độc Lập là cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Suốt 21 năm nơi đây là căn cứ chỉ huy của những cuộc hành quân bắn giết, tìm diệt. Bằng chứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội miền Nam thì hiếm thấy mà hiện hữu những di vật trong dinh là cỗ máy chiến tranh hiện đại. Thế mới biết độc lập dân tộc, sự hy sinh cho chiến thắng của thế hệ đi trước lớn lao biết nhường nào.
Một góc dinh Độc Lập hôm nay
Nhớ có lần đúng vào tháng 4, nói chuyện với chị Phan Thị Thanh Hoa, hướng dẫn viên Bảo tàng dinh Độc Lập, chị nói rằng: chỉ cần phân tích hiện vật ở dinh thôi cũng đủ biết chính quyền Việt Nam Cộng hòa hoạt động thế nào, vì sao họ không chiếm được lòng dân dẫn đến thất bại… Và quả thật lịch sử của dinh Độc Lập phản ánh sự rối ren về chính trị, nó cũng báo trước sự thất bại của một chính quyền không chính danh trong lịch sử dân tộc.
Ngay sau khi chiếm được lục tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đã tính việc cai trị dài lâu, vì vậy, ngày 23/2/1896, Pháp cho xây dựng phủ toàn quyền lấy tên là dinh Nô Rô Đôm (tên của quốc vương Cam Pu Chia, người đầu tiên đặt bút ký công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Đông Dương). Năm 1955, sau khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền đã cho đổi tên dinh thành dinh Độc Lập. Chính quyền Diệm không do dân bầu mà thực chất là cuộc hất cẳng Bảo Đại qua trưng cầu ý của một số ít tầng lớp địa chủ, phú thương, vì thế, nó không được lòng dân. Các cuộc biểu tình, đảo chính diễn ra liên miên ở dinh Độc Lập suốt 21 năm cũng là vì cái gốc của chính quyền ấy thiếu bền vững.
Ngày 27/2/1962, hai viên phi công đứng về phía phe đảo chính là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử đã dùng máy bay AD6 oanh tạc làm sập một phần dinh Độc Lập. Do không thể phục hồi nguyên trạng, Ngô Đình Diệm đã cho san phẳng để xây lại và suốt từ đó, dinh Độc Lập trở thành trung tâm điều hành cỗ máy chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Rất dễ dàng nhận ra khi toàn bộ dinh ngoài phần rất ít ỏi cho lễ tân, ngoại giao, giải trí thì cơ bản các phòng còn lại và toàn bộ tầng hầm là quy tụ của các phương tiện chiến tranh. Toàn bộ tầng hầm là hệ thống thông tin, chỉ huy, bản đồ tác chiến chi tiết đến mức ghi rõ từng vị trí đóng quân, các quân khu bố trí binh lực của quân giải phóng. Cũng theo chị Phan Thị Thanh Hoa, những hiện vật quân sự bày tại dinh được du khách quan tâm nhiều nhất bởi xưa nó là bí mật của bên kia thì giờ được bày ra ánh sáng. Trong dinh còn khá nhiều các sản vật của quan chức thu được sau những chuyến săn bắn làm quà tặng cho tổng thống. So với mặt bằng kinh tế thời đó, những sản vật ấy là quá xa xỉ, chắc nó chẳng giúp ích gì cho phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân, vì thế, chính quyền ấy chắc không được lòng dân. Dinh Độc Lập vào những năm 70 thế kỷ trước được đánh giá là công trình hiện đại nhất Đông Nam Á, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Có lẽ điểm hạn chế ở đây là công trình mang tính chất phòng thủ quân sự hơn là công trình dân sự. Hiện đại thế, tối tân thế nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa không khuất phục được lẽ phải, không khuất phục được ý chí độc lập dân tộc của người Việt Nam.
Máy bay quân sự trưng bày trong dinh Độc Lập
Qua đó mới thấy chiến thắng của nhân dân là vô cùng vĩ đại. Chiến thắng ấy được đánh dấu bằng trưa ngày 30/4/1975 khi chiếc xe tăng 390 húc tung cánh cổng sắt và lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc dinh chấm dứt 21 năm cầm quyền chế độ cũ. Có một thời nhiều người lầm tưởng chiếc xe tăng T54 số hiệu 843 do Bùi Quang Thận chỉ huy là chiếc xe húc tung cánh cổng sắt nhưng sau khi nhà báo người Pháp Ma Đơ Ren công bố bức ảnh xe 390 do Vũ Đăng Toàn chỉ huy mới là xe đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập thì lịch sử đã được trả về đúng giá trị của nó. Và giờ đây, hai chiếc xe tăng đều được trưng bày trong dinh, điều đó cũng minh chứng xe nào húc trước, xe nào vào sau không quan trọng mà cái chính là cả hai xe cùng góp phần làm nên chiến thắng.
Cách đây 41 năm, cũng tại dinh Độc Lập đã chứng kiến chiến thắng vĩ đại của dân tộc thu non sông về một mối. Chiến thắng ấy cũng chứng minh dù dinh có lớn, hệ thống chính quyền có hiện đại đến đâu nhưng nếu không có sự ủng hộ của người dân thì chính quyền ấy không thể tồn tại được.
41 năm đã qua đi, lật giở lại lịch sử mà chứng tích còn rất rõ ở dinh Độc Lập mới thấy sự hy sinh lớn lao của những người đi trước, mới thấy giá trị của hòa bình, khát khao độc lập của dân tộc ta và cũng khẳng định chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()