Tháng 4/2013: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 11,9%
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 6/5, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trong tháng 4 ước đạt trên 213,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 11,9% so với tháng 4/2012.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 6/5, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trong tháng 4 ước đạt trên 213,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 11,9% so với tháng 4/2012.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trong tháng 4 |
Như vậy, tính chung trong 4 tháng đầu năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt 849,89 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ, trong đó: Nhóm thương nghiệp tăng 10,6%, chiếm tỷ trọng 76,9%; nhóm khách sạn nhà hàng tăng 16,3%, chiếm tỷ trọng 12,1%; nhóm du lịch tăng 7,1%, chiếm tỷ trọng 0,9%; nhóm dịch vụ tăng 16,1%, chiếm tỷ trọng 10,1%.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cũng cho biết: Trong tháng 4, lực lượng quản lý thị trường tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong các lĩnh vực giá, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, kiểm tra hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, vi phạm nhãn hàng hóa và hoạt động kinh doanh gas, xăng dầu. Mặt hàng, lĩnh vực được tập trung kiểm tra là kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và bột ngọt Trung Quốc nhập lậu, giả nhãn hiệu, xuất xứ. Đến nay, hoạt động kinh doanh trái pháp luật các loại mũ không đạt chuẩn tại các tỉnh, thành phố giảm rõ rệt.
Từ nay đến cuối năm, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất nhằm giải quyết hàng tồn kho và thúc đẩy sản xuất; theo dõi sát tình hình và diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, góp phần giảm nhập siêu; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát diễn biến cung –cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung –cầu và bình ổn thị trường, bình ổn giá; thực hiện các chính sách kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại, mậu dịch biên giới và kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; tích cực và chủ động đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Dangcongsan
Ý kiến ()