Đã nửa tháng qua, nước lũ trên hệ thống sông Cửu Long ở mức cao hơn báo động cấp 3. Lũ cao và dồn về nhanh đã làm ngập hàng chục nghìn ha lúa vụ 3 do các tuyến bờ bao ở vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp không đủ sức chống đỡ. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư, đến ngày 13-10, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm chết 43 người.Thiệt hại về người trong đợt lũ năm nay tuy đã giảm đáng kể so với trận lũ lớn những năm 1996, 2000 nhưng trong số người chết có khá nhiều trẻ em nên rất thương tâm.Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, lũ cao ở đồng bằng sông Cửu Long còn có khả năng kéo dài đến hết tháng 10, là mối hiểm họa đe dọa tính mạng người dân những vùng ngập sâu ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Đặc điểm trong mùa mưa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long là lũ cao, mưa lớn và thường kèm theo dông lốc. Vì vậy, để...
Đã nửa tháng qua, nước lũ trên hệ thống sông Cửu Long ở mức cao hơn báo động cấp 3. Lũ cao và dồn về nhanh đã làm ngập hàng chục nghìn ha lúa vụ 3 do các tuyến bờ bao ở vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp không đủ sức chống đỡ. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão T.Ư, đến ngày 13-10, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm chết 43 người.
Thiệt hại về người trong đợt lũ năm nay tuy đã giảm đáng kể so với trận lũ lớn những năm 1996, 2000 nhưng trong số người chết có khá nhiều trẻ em nên rất thương tâm.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, lũ cao ở đồng bằng sông Cửu Long còn có khả năng kéo dài đến hết tháng 10, là mối hiểm họa đe dọa tính mạng người dân những vùng ngập sâu ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Đặc điểm trong mùa mưa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long là lũ cao, mưa lớn và thường kèm theo dông lốc. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, mỗi người dân trong vùng ngập lũ cần thận trọng khi hoạt động trong môi trường ngập lụt, có biện pháp bảo vệ người già, trẻ em trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là phải chằng chống nhà cửa vững chắc. Khi hoạt động trên sông nước như đi lại, đánh bắt thủy sản cần có phao cứu sinh, hạn chế để trẻ em bơi lội, chơi đùa, hái quả trong vùng ngập lụt. Các thôn, ấp trong vùng ngập sâu cần thành lập các chốt cứu hộ, cứu nạn, cử người thường trực canh gác ở những nơi trọng điểm giao thông đường bộ, đường thủy để kịp thời xử lý các tình huống xấu xảy ra. Tăng cường kiểm tra trang thiết bị an toàn đối với các phương tiện giao thông đường thủy chở khách.
Các thành phố, thị xã, thị trấn bị ngập lụt như: Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cao Lãnh… cần quản lý chặt chẽ, hướng dẫn an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông ở các tuyến đường bị ngập lụt; thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn của hệ thống điện cao thế, trung thế và lưới điện sinh hoạt, cắt điện ở các khu vực đô thị bị ngập lụt để bảo đảm an toàn cho người dân.
Thời gian ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long còn kéo dài trong nhiều ngày tới. Các địa phương, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ tính mạng bản thân và gia đình trước các hiểm họa do lũ lụt, dông, lốc gây ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của.
Theo Nhandan
Ý kiến ()