Hiệu quả không như quảng bá
Dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Công ty Sol Holding (Nhật Bản), giữa tháng 8-2015, ông Nguyễn Đức Thơm, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ là một trong các hộ trồng khảo nghiệm cây siêu cao lương theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai. Sau hơn ba tháng trồng thử nghiệm, năm sào siêu cao lương nhà ông Thơm đã cao hơn 3 m, một số cây cho hoa. Kết thúc đợt trồng khảo nghiệm vụ thứ nhất, ông do dự trước quyết định có nên tiếp tục trồng loại cây này hay không, vì năng suất không đạt như dự kiến. Nhưng đến thời điểm này, ông quyết định không trồng loại cây này nữa, bởi bước sang trồng đợt thử nghiệm vụ thứ hai, cây siêu cao lương cho năng suất rất thấp, thậm chí là không phát triển được. “Tôi không trồng cây siêu cao lương nữa, không chỉ tốn công, tốn chi phí mà năng suất thấp, thu nhập không có lãi. So với cây bắp tôi đang trồng thì thu nhập thấp hơn nhiều” – ông Thơm nói.
Theo tính toán của Công ty Sol Holding, mỗi năm một ha cây siêu cao lương sẽ cho ba vụ, trong đó vụ hai và vụ ba không phải trồng mới vì sau khi thu hoạch, cây sẽ tự tái sinh. Năng suất dự kiến được đưa ra cho vụ thứ nhất từ 120 đến 130 tấn/ha, năng suất vụ hai, vụ ba sẽ giảm hơn so với vụ thứ nhất. Song thực tế, toàn bộ diện tích siêu cao lương trồng thử nghiệm tại Đồng Nai năng suất vụ thứ nhất thu được bình quân khoảng 60 tấn/ha, tức chỉ bằng một nửa năng suất đưa ra, còn cây tái sinh trong vụ hai phát triển èo uột, thậm chí có nơi không thể thu hoạch vì cây không phát triển. Vườn siêu cao lương của ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân ấp Tây Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc là một thí dụ điển hình, vụ thứ nhất cây phát triển bình thường, nhưng sang vụ hai cây cằn cỗi. Ông Thanh cho biết: “Năng suất dự kiến mà Công ty Sol Holding đưa ra là 200 tấn/ha/năm cho cả ba vụ, nhưng theo tính toán của chúng tôi, cao lắm cũng chỉ được 100 tấn. Chẳng hạn như vườn của tôi, vụ đầu tiên được 60 tấn/ha, nhưng vụ hai chỉ được 12 tấn, thấp lắm và không biết có lên nổi vụ ba hay không”.
Hiện nay, các diện tích siêu cao lương trồng thử nghiệm tại Đồng Nai đều đang cho vụ hai. Theo các hộ dân đang tham gia trồng thử nghiệm, siêu cao lương tuy dễ trồng, nhưng giá thành đầu tư rất cao. Bởi, loại cây này trong quá trình phát triển cần nhu cầu dinh dưỡng cao, nếu không đáp ứng đủ, cây dễ mất năng suất. Ông Thanh so sánh: “Cây này từ giống đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều rất cao, chi phí đầu tư một ha cao hơn 50% so với trồng bắp”.
Ký kết hợp đồng với Công ty Sol Holding, chị Đặng Thị Kim Yên, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc trồng năm sào siêu cao lương. Theo đó, trong tám tháng đầu, chị Yên sẽ được công ty trả tổng cộng 52 triệu đồng với ba vụ thu hoạch. Tuy nhiên, đến nay, đã 10 tháng trôi qua, chị Yên chỉ mới nhận được 15,6 triệu đồng. Vụ siêu cao lương đợt hai đã quá thời kỳ thu hoạch hai tháng, nhưng công ty vẫn chưa đến thu, với lý do cây siêu cao lương đợt hai quá xấu, không đạt năng suất. Mới đây, Công ty Sol Holding đặt vấn đề đưa thêm cho chị Yên 15,6 triệu đồng để chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, với tổng số tiền nhận được hai đợt chỉ hơn 31 triệu đồng, chị Yên không chấp nhận đề xuất này. “Công ty trước đây thông báo, nếu trồng không đạt năng suất sẽ bù bằng cách đưa bắp cho nông dân, vậy nhưng đến nay không thấy thực hiện, nên bây giờ lấy thêm 15,6 triệu đồng nữa thì chúng tôi thua lỗ, thiệt thòi quá” – chị Yên bức xúc.
Là người theo dõi các hộ trồng thử nghiệm cây siêu cao lương, ông Nguyễn Lam Điền, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Xuân Lộc nhận định: “Cần có sự đánh giá lại hiệu quả của mô hình, chứ với mức đầu tư như thế này là quá cao, năng suất thì rất thấp, đặc biệt là trong vụ hai. Nông dân đang băn khoăn, do đó phải tính toán kỹ trước khi áp dụng”.
Có nên nhân rộng?
Theo Công ty Sol Holding, thời gian tới, nếu các hộ dân đồng ý trồng cây siêu cao lương nguyên liệu theo hợp đồng, công ty sẽ trả 600 đồng/kg thu mua nguyên cây. Tuy nhiên, tính toán của Phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc, một ha siêu cao lương một năm sẽ cho thu hoạch ba lần, với tổng năng suất cao nhất là 200 tấn/ha. Với giá thu mua như trên, nông dân sẽ thu về 120 triệu đồng/ha, nhưng chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã lên đến 110 triệu đồng/ha. “Chúng tôi đánh giá, mỗi năm siêu cao lương cho thu hoạch ba vụ. Năng suất vụ đầu sẽ đạt khoảng 80 tấn/ha, với giá bán 600 đồng/kg, thu được 48 triệu đồng. Nhưng một ha siêu cao lương vụ đầu sẽ tốn tới 60 triệu đồng phí đầu tư. Hai vụ tiếp theo, năng suất dự kiến chỉ đạt 120 tấn/ha cho cả hai vụ, nông dân thu được 72 triệu đồng, nhưng chi phí đầu tư đã là 50 triệu đồng. Tính tổng tiền đầu tư cao gần bằng tiền thu về, nên trồng siêu cao lương không hiệu quả – bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc phân tích.
Sau khi thu hoạch xong vụ thứ nhất, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đồng Nai, nếu lấy giá 600 đồng/kg, trong số bốn hộ trồng thử nghiệm, có hai hộ lỗ lần lượt là 960 nghìn đồng và 12 triệu đồng/ha. Hai hộ lãi lần lượt là 8,8 triệu đồng và 15,6 triệu đồng/ha. Vụ hai chưa thống kê, vì cây trong vụ này phát triển quá kém. Với hiệu quả kinh tế của cây siêu cao lương được thống kê như trên, rõ ràng lợi nhuận mang lại không lớn, thua xa các loại cây trồng khác.
Trong năm nay, theo kế hoạch, Đồng Nai phát triển 1.000 ha cây siêu cao lương và đến năm 2020 phát triển lên 3.000 ha, tập trung ở bốn huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành và Nhơn Trạch. Sở dĩ, có chủ trương này là nhằm xây dựng vùng nguyên liệu cho Công ty Sol Holding, dự kiến đặt nhà máy sản xuất viên nén sinh học từ cây siêu cao lương tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. Tuy nhiên, để đạt diện tích trên theo đúng kế hoạch là rất khó bởi hiệu quả kinh tế mang lại của loại cây này quá thấp đang là rào cản lớn. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai Phan Minh Báu cho biết: “Chúng tôi sẽ bàn với công ty về vấn đề giá cả. Bởi, giá 600 đồng/kg thì với lợi nhuận rất thấp khó thuyết phục người dân tham gia để liên kết làm nguyên liệu cho công ty. Đồng thời, chúng tôi phải xem xét, nghiên cứu kỹ lại, vì hiện tại, người dân cảm thấy rất chán loại cây này. Sở NN-PTNT sẽ tổ chức để công ty, chính quyền các địa phương và nông dân gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, xem tình hình thế nào mới báo cáo tỉnh quyết định có nên đầu tư trồng loại cây này hay không, nếu trồng thì trồng mức độ nào”.
Trước tình hình một số loại cây trồng ngắn ngày đang cho giá trị thu nhập thấp ở một số vùng, việc chuyển đổi sang cây trồng mới để mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân là chủ trương đúng đắn, hợp lý. Tuy nhiên, đối với cây siêu cao lương, nếu mở rộng sản xuất, nông dân trong nước sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nước ngoài, từ khâu giống đến khâu tiêu thụ. Vì vậy, trước khi có chủ trương nhân rộng cây siêu cao lương, các địa phương và những cơ quan chức năng cần có đánh giá đúng tình hình thực tế, định hướng cho người dân, tránh ồ ạt trồng mới, dẫn đến tình trạng ứ đọng, không có thị trường tiêu thụ, phải chặt bỏ.
Ý kiến ()