Thận trọng với các loại nấm không rõ nguồn gốc
LSO-Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ ngộ độc do ăn phải nấm chứa độc tố, làm 3 người phải nhập viện điều trị (trong đó 1 người tử vong). Thực trạng đó đã dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với người dân khi lựa chọn thực phẩm, tránh sử dụng những loại nấm không rõ nguồn gốc.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Chi Lăng (Chi Lăng) tuyên truyền phòng chống ngộ độc nấm |
Gần 50% vụ ngộ độc thực phẩm là do ăn nấm độc
Đã hơn nửa năm trôi qua nhưng nỗi ám ảnh về cây nấm độc vẫn còn chưa nguôi trong tâm trí của vợ chồng bà Hà Thị Cúc ở thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Tháng 3/2017, cả 3 người trong gia đình bà bị ngộ độc do ăn phải nấm độc, phải đi viện cấp cứu. Cậu con trai sinh năm 1987 tử vong.
Bà Cúc ngậm ngùi kể: “Hai bố con đi làm vườn, thấy cây nấm đẹp, hái về xào. Cả nhà 3 người ăn buổi trưa hôm trước đến sáng hôm sau đau bụng dữ dội, phải đi viện cấp cứu. Chuyển từ bệnh viện huyện lên tỉnh rồi đi viện trung ương, điều trị một tuần, phải bán cả trâu, cả ruộng mới cứu được 2 người”.
Sau vụ ngộ độc đó, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các phương tiện truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ ngộ độc do ăn phải loại nấm độc. Tuy nhiên, sau đó 2 tháng, huyện Chi Lăng lại xảy ra một ca ngộ độc do ăn phải nấm độc. Anh Hoàng Văn H. (xã Y Tịch) đi làm vườn, thấy cây nấm lạ đã cấu một mẩu nhỏ, nhai rồi nhả bã. Sau đó, về nhà, anh H. bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Nghi là bị ngộ độc nấm nên người nhà đã đưa anh H. vào trung tâm y tế huyện điều trị kịp thời.
Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có gần 50% số vụ có nguyên nhân do ăn phải nấm độc.
Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo
Để phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm gây ra, những năm qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối với với các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng các loại nấm.
Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, chi cục đã tổ chức được 11 cuộc tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có phòng chống ngộ độc nấm cho hơn 470 cán bộ tham gia; phối hợp phát sóng 806 tin, phóng sự trên đài phát thanh và truyền hình (tăng 320% so với cùng kỳ); đăng 118 tin, bài trên báo viết (tăng 490% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, chi cục còn treo 437 băng rôn khẩu hiệu, 30 tranh áp phích; in ấn, cấp phát hơn 51.000 tờ rơi tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có 8.000 tờ rơi có nội dung về phòng chống ngộ độc nấm (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2016).
Chị Phan Thị Vân, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Qua nghe tuyên truyền, xem tờ rơi, tôi cũng biết hơn về cách chọn nấm tươi, ngon cho gia đình, nhận biết và tránh những loại nấm độc, nấm không đảm bảo chất lượng. Và tôi cũng nhắc nhở các con không nên tự ý hái, ăn các loài nấm mọc hoang trong rừng, trong vườn.
Ông Phạm Thanh Hồng, Trưởng Phòng thông tin tuyên truyền và quản lý ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức của người dân về sử dụng thực phẩm an toàn. Đặc biệt, để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong đó có nấm độc, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mua, hái, nếm, ăn những loại nấm không rõ chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong thiên nhiên có gần 70.000 loài nấm, trong đó chỉ có hơn 100 loài có thể ăn được (mộc nhĩ, ngân nhĩ, nấm hương, nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò…). Nấm được đóng gói, hút chân không bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 6 độ C cũng chỉ dùng được tối đa không quá 10 ngày. Nếu nấm để ôi, nát cũng có thể biến chất trở thành nấm độc. Độc tính của nấm không mất khi đun sôi hoặc sấy khô. Các loại nấm cho sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết vẫn có thể gây ngộ độc đối với cơ thể người, gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí là suy gan, suy thận và tử vong. |
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()