Thận trọng khi sử dụng “thuốc gia truyền” trên mạng xã hội
– Hiện nay, quảng cáo thuốc “gia truyền” xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội. Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều người đã tin tưởng đặt mua mà không lường trước rằng việc tự ý sử dụng các loại thuốc này có thể tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe.
Thời gian gần đây, các quảng cáo thuốc Nam, thuốc đông y “gia truyền” xuất hiện và được chào bán dày đặc trên các mạng xã hội khiến nhiều người bệnh tin tưởng và đặt mua với hy vọng sẽ khỏi bệnh hoàn toàn.
Bà Trần Thị Hót (tổ 5, khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) mắc bệnh sỏi mật đã lâu, từng mổ và uống thuốc tây nhiều nhưng bệnh vẫn tái phát. Một lần vào mạng Facebook, bà vô tình thấy quảng cáo loại thuốc “gia truyền” rất tốt, cam kết chữa khỏi bệnh sỏi mật nên bà tin tưởng đặt mua mà không cần đến tận nơi thăm khám. Tuy nhiên, sau khi uống một liệu trình, bà tái khám tại Bệnh viện Bưu điện, thành phố Hà Nội và thấy bệnh vẫn không thuyên giảm, gan còn có dấu hiệu dần tổn thương nên đã dừng sử dụng thuốc. Chia sẻ với chúng tôi, bà cho biết: Thấy quảng cáo rằng thuốc rất tốt, lại có hình ảnh những bệnh nhân sử dụng thuốc cảm ơn sau khi khỏi bệnh nên tôi cũng tin theo, ai ngờ lại “tiền mất, tật mang” như này.
Người dân cần thận trọng với những quảng cáo thuốc “gia truyền” trên mạng xã hội
Bà Hót chỉ là một trong số những trường hợp từng sử dụng thuốc “gia truyền” trên mạng xã hội mà không đem lại hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Hồng Lý, Giám đốc Phòng khám đa khoa Phú Lộc cho biết: Chúng tôi từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng các loại thuốc Nam, thuốc đông y được quảng cáo là “gia truyền” để điều trị các bệnh mãn tính như: xơ gan, sỏi thận, đau nhức xương khớp… Sau khi thăm khám và cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cần thiết thì hầu hết kết quả bệnh đều không thuyên giảm nên chúng tôi đều tư vấn cho bệnh nhân ngưng sử dụng các loại thuốc đó và đưa ra một phác đồ điều trị thích hợp cho từng người bệnh.
Theo lời kể từ các nhân vật, chúng tôi truy cập vào các trang mạng xã hội lớn như: YouTube; Zalo; Facebook… và choáng ngợp trước vô vàn kết quả khi tra cứu từ khóa “thuốc gia truyền”. Những loại thuốc này được cam kết điều trị khỏi mọi bệnh từ tiêu hóa, xương khớp đến các bệnh mãn tính. Đáng nói là những loại thuốc này được quảng cáo, chào bán rộng rãi dưới hình thức bài viết, hình ảnh hoặc video được xây dựng rất bài bản với một công thức chung là: thuốc gia truyền 3 đời; cam kết khỏi bệnh 100%; không gây tác dụng phụ; hoàn tiền 100% nếu không khỏi bệnh… Đặc biệt, người bệnh khi có nhu cầu thì không cần đến tận nơi thăm khám mà chỉ cần gọi điện sẽ được tư vấn và bốc thuốc qua lời kể về các triệu chứng.
Chính những lời quảng cáo như rót mật vào tai cùng với sự tận tình hỏi han của người bán và các phản hồi tích cực từ những khách hàng sử dụng thuốc được đính kèm trên mỗi quảng cáo đã tạo niềm tin cho người bệnh khiến họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua những sản phẩm thuốc không biết là thật hay giả. Bên cạnh đó, nhiều người có quan niệm rằng thuốc Nam, thuốc đông y “gia truyền” có nguồn gốc từ cây cỏ tự nhiên nên không chữa được bệnh cũng không ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng thực tế, có nhiều loại cây có thể gây hại nếu sử dụng không đúng liều lượng hoặc dùng lâu dài. Ngoài ra, mỗi người có một cơ chế bệnh khác nhau, không thể dựa vào triệu chứng mà tùy tiện mua thuốc, có thể gây ảnh hưởng xấu sức khỏe.
Bác sỹ Đặng Thị Mai Anh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: Chưa có căn cứ nào cho thấy các bài thuốc “gia truyền” trên Internet có hiệu quả và đảm bảo chất lượng. Việc người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc này có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như suy gan, suy thận hoặc các biến chứng nguy hiểm khác. Bởi vậy, người dân khi muốn chữa bệnh theo phương pháp y dược cổ truyền cần đến các cơ sở y tế chính thống để được chẩn đoán, tư vấn trước khi kê đơn thuốc nhằm đảm bảo được điều trị đúng hướng.
Thiết nghĩ, đối với những quảng cáo thuốc “gia truyền” như hiện nay, người dân cần hết sức thận trọng, tránh việc tự ý mua và sử dụng khi chưa hiểu rõ nguồn gốc cũng như chưa nhận được sự tư vấn, chỉ định từ các bác sỹ
Ý kiến ()