Thần tốc hơn nữa trong chiến dịch tiêm chủng, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sáng ngày 10/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố. Đây là phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo sau khi được kiện toàn.
Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Chính phủ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; các đồng chí bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố.
Xuất nhập khẩu có thể đạt 660 tỷ USD, lập kỷ lục mới
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến ngày 10/12, thế giới ghi nhận hơn 268 triệu ca mắc COVID-19, hơn 5,3 triệu trường hợp tử vong. Trong tuần, đã ghi nhận hơn 4,3 triệu ca mắc mới, gần 50.000 trường hợp tử vong. So với tuần trước, số ca mắc tăng 8%, tử vong tăng 1%.
Tại Việt Nam, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc trong cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước (trong tuần, số ca mắc trong cộng đồng tăng tại 40 tỉnh, thành phố).
Tại cuộc họp, theo yêu cầu của Thủ tướng, các đại biểu thảo luận tập trung vào một số vấn đề: Nguyên nhân tăng ca mắc trong cộng đồng, chuyển nặng và tử vong ở một số địa phương; kinh nghiệm, bài học trong thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; việc thực hiện chiến lược vaccine, tiêm vaccine; việc chuẩn bị và cung ứng thuốc điều trị; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch; việc khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế; vấn đề mở cửa lại trường học. Thủ tướng cũng yêu cầu, địa phương nào không đủ năng lực và chưa đủ vaccine để tiêm thì phải báo cáo ngay Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia để được hỗ trợ và phân bổ.
Đây là phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo sau khi được kiện toàn – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu phải hết sức bình tĩnh trước các diễn biến dịch bệnh và bám sát, kiên trì triển khai chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các đại biểu khẳng định, nếu thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế thì tình hình sẽ được kiểm soát, giảm tăng nặng, hạn chế tối đa số ca tử vong. Các địa phương đều khẳng định được phân bổ đủ vaccine và có đủ lực lượng để tiêm cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, tỉnh thực hiện nghiêm các quy định cho nên trong số hơn 7.000 ca mắc thời gian qua, có tới hơn 92% là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (điều trị tại nhà và trạm y tế lưu động); chỉ có 5% điều trị tại tầng 2 và 2,7% điều trị tầng 3; tỉ lệ tử vong là 0,6% – giảm mạnh so với trước đây.
Với tinh thần “tiêm vaccine nhanh một giờ là giảm nguy cơ một giờ”, hiện nay tại Sóc Trăng, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 với người từ 18 tuổi là 97%, mũi 2 là 88%; với người từ 12 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 cũng đạt 97% và tới 15/12, sẽ cơ bản bao phủ cho nhóm này.
Các đại biểu cũng khẳng định tình hình kinh tế-xã hội đang tiếp tục phục hồi, khởi sắc rõ nét. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đến thời điểm này, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 610 tỷ USD và cả năm dự kiến có thể đạt từ 650-660 tỷ USD, lập kỷ lục mới. Nếu ở thời điểm tháng 9, nhập siêu là 2,75 tỷ USD thì cả năm nay có thể xuất siêu 3 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Minh và một số ý kiến đề nghị các địa phương nghiên cứu, đẩy mạnh việc mở cửa trường học cho các em học sinh, hiện nhiều địa phương đã làm rất tốt việc đưa học sinh đi học trở lại. Theo Thứ trưởng, hiện ngành giáo dục và đào tạo có thể cập nhật từng trường hợp F0 trong trường, từng học sinh đã tiêm chủng theo giờ. Các ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này để phụ huynh yên tâm đưa con em đi học; ngoài ra, việc kéo dài học trực tuyến có thể gây ra một số hệ quả không mong muốn như các bệnh lý không lây nhiễm, ảnh hưởng tới việc làm của phụ huynh, việc phát triển kinh tế-xã hội…
Thủ tướng nêu rõ, khi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì phải thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hai mục tiêu lớn về kiểm soát rủi ro và tiêm vaccine
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo và ý kiến tại cuộc họp, đồng thời bổ sung, nhấn mạnh thêm một số nội dung.
Các ý kiến tại cuộc họp đều khẳng định, sau 2 tháng thực hiện, thực tiễn đã chứng minh việc ban hành Nghị quyết 128 của Chính phủ là đúng hướng, sát thực tế, kịp thời, hiệu quả, chúng ta đã từng bước hoàn thiện lý thuyết, công thức phòng, chống dịch, cần tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa. Tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước đang được kiểm soát, kinh tế-xã hội từng bước phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Các trường học từng bước được mở cửa trở lại bằng việc kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, bố trí các buổi học phù hợp…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của ban chỉ đạo các cấp, sự hưởng ứng của nhân dân, sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua và nhất là sau khi Nghị quyết 128 được ban hành. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, số ca mắc mới hằng ngày có xu hướng gia tăng, số ca tử vong tăng tại một số địa phương.
Bên cạnh nguyên nhân của những kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên. Theo đó, có nơi, có lúc, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác, thỏa mãn với kết quả đạt được và hiểu chưa đúng về hiệu quả của vaccine (sau khi tiêm vẫn có thể nhiễm nhưng giảm lây nhiễm, giảm tăng nặng, giảm tử vong, nhất là khi kết hợp và triển khai kịp thời các biện pháp khác). Đa số các ca chuyển nặng và tử vong đều chưa được tiêm vaccine hoặc/và có bệnh nền. Năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa được nâng cao nên việc người bệnh tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở còn hạn chế. Tiến độ tiêm vaccine vẫn chưa đạt như mong muốn dù đã có bước nhảy vọt được, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số nơi, chưa quản lý được rủi ro là do cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực hiện hiệu quả các biện pháp y tế và các biện pháp khác.
Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Thủ tướng yêu cầu phải có cảnh báo, giải pháp từ sớm, từ xa để tránh bị động, bất ngờ. Việc hồi phục và phát triển kinh tế-xã hội tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều, còn rất lớn. Công tác bảo đảm an sinh xã hội cần tiếp tục được rà soát. Cần cố gắng hơn nữa trong việc khôi phục thị trường lao động, khắc phục thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu công nghiệp lớn. Còn nhiều dự báo, nhận định khác nhau về độ lây lan, độc lực, tính chất kháng vaccine của chủng mới Omicron và không loại trừ việc tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới.
Về mục tiêu, Thủ tướng nêu rõ, khi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì phải thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong.
Một mục tiêu quan trọng khác là về tiêm vaccine. Cụ thể, phấn đấu tới 15/12 và chậm nhất tới 31/12 phải hoàn thành bằng được việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện sớm nhất có thể, phấn đấu đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Phấn đấu tới 31/1/2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi. Về tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố- Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Không để thiếu vaccine và lực lượng tiêm vaccine
Thủ tướng nêu rõ các biện pháp trọng tâm trong thời gian tới, mà trước hết là tuyệt đối không lơ là, chủ quan mất cảnh giác, cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh trước dịch bệnh, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, kiên trì cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết 128 theo đúng tinh thần an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phù hợp diễn biến, tình hình theo từng thời kỳ và từng biến chủng. Kiên trì thực hiện nhất quán trên toàn quốc các quy định của Nghị quyết 128, kiên trì thực hiện 3 trụ cột trong phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K vaccine thuốc công nghệ đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Bộ Y tế hướng dẫn về việc tự xét nghiệm.
Thủ tướng yêu cầu, các địa phương không được ban hành các biện pháp trái quy định của Trung ương, nếu triển khai các quy định khác với nguyên lý chung hoặc nếu thấy các biện pháp của Trung ương không phù hợp tình hình thực tiễn thì báo cáo ngay Ban Chỉ đạo Trung ương để bổ sung, điều chỉnh. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương “luôn luôn mở” về điều này. Ông cũng lưu ý, bên cạnh những được địa phương được doanh nghiệp hoan nghênh, đánh giá cao thì vẫn còn một số địa phương triển khai các quy định không phù hợp, nhất quán.
Thứ ba, thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vaccine và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine để đạt mục tiêu đề ra. Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; rà soát lại các quy trình, công đoạn liên quan tới vaccine, tránh xảy ra và khắc phục các sự cố. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vét vaccine, ai chưa tiêm buộc phải tiêm, ai cương quyết không tiêm thì phải xử lý bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật, ví dụ nếu không tiêm thì chữa bệnh phải trả tiền. Không để thiếu vaccine và lực lượng tiêm vaccine”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương rà soát, tiêm ngay cho các đối tượng chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi, nhất là đối với người cao tuổi, người mắc bệnh nền; lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao để quản lý, tiêm vaccine, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời…
Thứ tư, phải có kế hoạch cụ thể về bảo đảm cung ứng thuốc điều trị, các địa phương đề xuất, Bộ Y tế tổng hợp, tập trung chỉ đạo việc bảo đảm nguồn, phân bổ kịp thời thuốc điều trị; đối với các loại thuốc thiết yếu, phải có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong nước, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Triển khai ngay các cơ chế, chính sách liên quan sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý để đáp ứng ngay nhu cầu thuốc điều trị cho nhân dân, nghiên cứu xã hội hóa việc cung ứng thuốc, bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm…
Thứ năm, các địa phương cân đối nguồn lực để tăng cường năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở; Bộ Y tế, chủ động triển khai các công việc theo thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền nếu cần thiết. Cùng với phòng chống dịch, phải bảo đảm việc khám chữa các loại bệnh khác cho nhân dân.
Thứ sáu, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các tỉnh, thành phố rà soát và thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ; biểu dương, khen thưởng những nơi làm tốt, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý những nơi làm không tốt, làm không đúng; dứt khoát không để ai thiếu ăn thiếu mặc, thiếu chăm sóc y tế khi cần. Cùng với đó, tiếp tục khôi phục thị trường lao động và đề xuất chính sách phù hợp với lực lượng tuyến đầu.
Thứ bảy, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tham mưu, triển khai việc khôi phục các đường bay quốc tế bảo đảm an toàn, theo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại cuộc họp ngày 9/12.
Về sản xuất, kinh doanh, các địa phương phải bàn bạc, thảo luận với các doanh nghiệp và người dân để triển khai các biện pháp, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các cơ quan, địa phương sớm đề xuất cụ thể về vấn đề nhà ở cho công nhân.
Thủ tướng yêu cầu có kế hoạch truyền thông chủ động, kịp thời, đi trước một bước, bảo đảm đa dạng, phong phú, linh hoạt; dứt khoát không để khủng hoảng truyền thông; sớm hoàn thiện về công nghệ trong phòng, chống dịch bởi “không có thời cơ nào thúc đẩy chuyển đổi số nhanh như lúc này”. Các bộ ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan xử lý các kiến nghị của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. Bộ Tài chính cân đối nguồn lực để hỗ trợ ngay những nơi quá khó khăn trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng địa chỉ, tránh tiêu cực, lãng phí.
Ý kiến ()