Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn được tổ chức hết sức trọng thị tại Cung điện Bin-ne-hốp ở Thủ đô hành chính Đên Hác. Công trình nổi tiếng này được xây dựng từ thế kỷ 13, là nơi đặt trụ sở của Thượng viện, Hạ viện và Phủ Thủ tướng Hà Lan. Đên Hác là thành phố lớn thứ ba ở Hà Lan, có nhiều công trình kiến trúc, cung điện cổ kính, êm ả và thanh bình với những tòa nhà ốp gạch mộc sẫm màu thời gian, đan xen là nhiều thảm hoa, thực vật tuyệt đẹp dọc các tuyến phố, bờ sông, con kênh. Đên Hác còn có tên gọi thông dụng khác là Dơ Ha-gơ (The Hague) theo tiếng Anh; La Hay (La Haye) theo tiếng Pháp. Còn Am-xtéc-đam vẫn là thủ đô chính, trung tâm kinh tế, thương mại của Hà Lan. Đất nước này từ lâu được mệnh danh “Xứ sở muôn hoa” vì có nhiều loài hoa tuyệt đẹp mà điển hình là hoa tuy-líp, cùng với những tuyến đê biển, cối xay gió, giày gỗ… làm nên nét đặc trưng của đất nước Hà Lan.
Trong cuộc hội đàm sau lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Mắc Rút-tơ đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó tập trung bàn biện pháp tăng cường hợp tác trên năm lĩnh vực ưu tiên gồm: thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển, dịch vụ hậu cần, đồng thời đẩy mạnh triển khai thỏa thuận Đối tác chiến lược về thích ứng BĐKH và quản lý nước đã được hai bên ký tháng 10-2010. Hà Lan có truyền thống ứng phó với BĐKH, nước biển dâng bởi khoảng 50% diện tích của Hà Lan thấp dưới mực nước biển từ một đến năm mét. Các quan chức Chính phủ, nhà khoa học Hà Lan khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng: Vùng châu thổ của Hà Lan và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có nhiều nét tương đồng, dễ bị tổn thương bởi BĐKH, nước biển dâng, vì vậy, hai nước cần tăng cường hợp tác để giảm thiểu tác động tiêu cực. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân sau khi kết thúc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Hà Lan Mắc Rút-tơ khẳng định: Trong khuôn khổ đối tác chiến lược về ứng phó BĐKH, nước biển dâng, Hà Lan có truyền thống và thế mạnh, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Giáo sư Xi Vơ-men, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan, hiện là cố vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về BĐKH, kiểm soát lũ lụt và quản lý nước, một người luôn cảm tình và nhiệt huyết với Việt Nam cũng khẳng định, sẽ triển khai một số biện pháp, trong đó có việc giúp Việt Nam xây dựng một chương trình đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng trong vòng 100 năm tới, đồng thời giúp Việt Nam xây dựng một đội ngũ chuyên gia đủ sức đảm đương công việc này cũng như đề ra các biện pháp ứng phó vừa mang tính khoa học, lại vừa thực tế.
Để tìm hiểu thực tế kinh nghiệm của nước bạn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát tuyến đê biển và các công trình trị thủy, gia cố bờ biển, cảng biển ở TP Rốt-téc-đam và tỉnh Di-len. Tại khu Deltapark Neeltje Jans (Di-len), địa phương mà phần lớn diện tích đất nằm thấp dưới mực nước biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đã được ông Giúp Át-xma, Quốc vụ khanh Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan đón tiếp, giới thiệu về Chương trình châu thổ Hà Lan trong nhiều năm qua. Ông G.Át-xma khẳng định mạnh mẽ: Những thách thức về BĐKH, nước biển dâng của Việt Nam cũng là những thách thức của Hà Lan. Ngay sau đó, cũng tại Deltapark, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Thái tử Hà Lan Uy-li-em A-lếch-xan-đơ và các cố vấn chiến lược của Hà Lan. Thái tử tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Hà Lan đối với Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về sự giúp đỡ Việt Nam ứng phó BĐKH và quản lý nước.
Một trong những trọng tâm của chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Kim ngạch thương mại Việt Nam-Hà Lan năm 2011 dự kiến đạt 2,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu. Hà Lan là nước châu Âu đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng số 153 dự án, tổng vốn 5,6 tỷ USD. Hà Lan có những thế mạnh về năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, đóng tàu, thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý nước… mà Việt Nam rất cần hợp tác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần khẳng định với phía bạn rằng, các dự án đầu tư của Hà Lan vào Việt Nam rất hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích cho cả hai nước. Đến nay, nhiều tập đoàn lớn của Hà Lan như Philips, Unilever, Royal Dutch Shell, Foremost, Heineken… đã có mặt và làm ăn rất hiệu quả ở Việt Nam.
Diễn đàn hợp tác năng lượng và dầu khí Hà Lan-Việt Nam được tổ chức nhân dịp này đã thu hút khoảng 100 doanh nghiệp (DN), doanh nhân hàng đầu của Hà Lan tham dự. Đây là cơ hội tốt để DN hai nước chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, đẩy mạnh chương trình tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam… Các nhà đầu tư của Hà Lan rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi cụ thể cho phía Việt Nam để tìm hiểu tiềm năng hợp tác, các cơ chế, chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bên lề diễn đàn, chúng tôi đã gặp và trao đổi với Phó Thủ tướng Hà Lan kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Nhà nước và Đổi mới Ma-xim Vơ-ha-gien. Ông vui mừng khẳng định, diễn đàn này là cơ hội tuyệt vời cho hai nước và chắc chắn rằng, sau chuyến thăm này, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tăng tốc “rất, rất mạnh”. Trên cương vị Phó Thủ tướng, ông Ma-xim Vơ-ha-gien hoàn toàn ủng hộ và nỗ lực hết sức hỗ trợ các DN Hà Lan tăng cường vào đầu tư, làm ăn ở Việt Nam, nhất là Royal Dutch Shell bởi đây là tập đoàn có bề dày kinh nghiệm và chắc chắn sẽ thành công ở Việt Nam. Ông sẽ thảo luận với Nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam để tìm hiểu cụ thể hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong buổi tiếp, các quan chức cao cấp của Hội đồng xúc tiến thương mại Hà Lan, một tổ chức xúc tiến thương mại có uy tín hàng đầu của Hà Lan với 800 thành viên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các DN Hà Lan tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đồng thời tin tưởng chắc chắn rằng, các DN Hà Lan sẽ phát huy được thế mạnh để làm ăn thành công ở Việt Nam, nhất là các lĩnh vực năng lượng sạch và tái sinh, đa dạng sinh học, môi trường, quy hoạch đô thị và quản lý nước. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được hai bên ký nhân dịp này thuộc các lĩnh vực hợp tác năng lượng, dầu khí, giáo dục đào tạo, đóng tàu, tư vấn thiết kế…, trong đó nổi bật là thỏa thuận hợp tác về dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với Tập đoàn Royal Dutch Shell .
Nồng nhiệt chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam, Thị trưởng Am-xtéc-đam E-bơ-hát Van đơ Lan đã bày tỏ ấn tượng về thành tựu kinh tế Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Thị trưởng E.Van đơ Lan mong các DN Việt Nam đến Am-xtéc-đam và làm ăn, và ông sẽ nỗ lực hết mình để các DN Việt Nam có thể coi Am-xtéc-đam như “ngôi nhà” thứ hai của mình. Phía bạn, từ quan chức chính phủ đến các DN, đều nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa hai nước: Hà Lan có vị trí chiến lược, cửa ngõ thông thương vào châu Âu, Việt Nam là cửa ngõ vào Đông-Nam Á, hai nước có truyền thống ứng phó với thiên tai, lũ lụt; người dân hai bên đều cần cù, thông minh, thân thiện và cởi mở, hai nước đã giao thương cách đây hơn bốn thế kỷ, là những điều kiện hết sức thuận lợi để đưa quan hệ hợp tác kinh tế sang một trang mới. Phía bạn cũng đánh giá cao chính trị – xã hội ở Việt Nam ổn định, an toàn, coi đây là nền tảng số một, lợi thế lớn để phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam rất cởi mở và luôn rộng cửa chào đón nhà đầu tư nước ngoài.
Trong buổi đến thăm Rijk Zwaan-một trong những công ty tạo giống rau quả lớn nhất của Hà Lan và thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết mạnh mẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về đất đai, cơ chế chính sách cho Rijk Zwaan cũng như các DN khác của Hà Lan nói chung vào làm ăn ở Việt Nam. Phấn khích trước thông điệp này, lãnh đạo Công ty Rijk Zwaan đã quyết ngay từ “cân nhắc đầu tư” sang “chắc chắn đầu tư” vào Việt Nam trong năm 2012. Điều này thể hiện các DN Hà Lan rất tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh, sự điều hành của Chính phủ Việt Nam.
Tạm biệt đất nước Hà Lan tươi đẹp và thanh bình, chúng tôi mang theo những tình cảm tốt đẹp và nồng thắm của người dân xứ sở hoa tuy-líp thân thiện và mến khách, với niềm tin tưởng mạnh mẽ quan hệ Việt Nam và Hà Lan luôn được bồi đắp, đơm hoa và kết trái.
Ý kiến ()