Thân cây gồng mình kéo điện
LSO – Đến xã Xuân Mai, huyện Văn Quan, chúng tôi không khỏi ái ngại trước thực trạng đường điện kéo về phần lớn các hộ gia đình nơi đây đều là những cây tre, cây gỗ nhỏ không đảm bảo an toàn. Cùng với đó là điện luôn chập chờn, lúc có lúc mất. Tình trạng này đã kéo dài suốt 13 năm qua khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hạ tầng điện không đảm bảo
Ngưòi dân lấy cây gỗ làm cột điện không đảm bảo an toàn
Xã Xuân Mai được sử dụng điện năm 1969 từ công trình thủy điện của Đập Bản Quyền. Khi đó, nhà nước đầu tư Trạm biến áp tại trung tâm xã. Người dân tự mua dây dẫn điện từ Trạm biến áp về các hộ gia đình. Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên để có điện, các hộ đã dùng cây tre, cây gỗ làm những cột điện. Đến năm 2000 Xuân Mai được sử dụng điện lưới quốc gia và vẫn sử dụng Trạm biến áp tại trung tâm thôn. Vậy là với 7 thôn bản, lúc nào trong xã cũng có từ 500-700 cây cột tre, cột gỗ để kéo điện về các gia đình. Các cột tre to hơn cổ tay chút xíu chỉ cần một cơn gió thoảng qua là lung lay. Còn với những đợt mưa to gió lớn, cây gẫy là chuyện thường xuyên và người dân lại phải tìm cây tre, cây gỗ mới để thay thế. Cách dẫn điện mà người dân Xuân Mai đã và đang dùng bao nhiêu năm nay tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Đến thôn Bản Dạ, xã Xuân Mai, nhiều người kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cách đây chưa lâu, khi có trận mưa to, gió lớn, những cây cột điện bằng tre, bằng gỗ nghiêng ngả trong gió. Có cây bị đổ, đúng lúc đó, con trâu của một hộ gia đình trong xã đi qua bị điện giật chết ngay tại chỗ.
Điện chập chờn
Từ năm 2000, đường điện dẫn về UBND xã, Trạm y tế và các hộ dân đã bắt đầu xuống cấp. Đối với UBND xã, từ 10 giờ 30 đến hết buổi trưa và từ 16 giờ 30 trở đi điện luôn trong tình trạng chập chờn, lúc thì có, lúc thì sụt xuống, có lúc lại tắt phụt hoặc bóng điện sáng le lói yết ớt, lúc đỏ quạch. Vào thời điểm này, máy phô tô, máy in không thể hoạt động. Trong ngày chỉ cần có 1 chiếc máy khoan, máy hàn hoạt động là UBND xã cả ngày mất điện, cán bộ, công chức không thể làm được việc, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cơ quan. Còn đối với các hộ gia đình, điện luôn chập chờn đã trở nên quá quen thuộc bởi thực trạng này đã kéo dài suốt 13 năm nay. Bà Hoàng Thị Cưởm, thôn Bản Dạ cho biết: 13 năm qua, gia đình không thể sử dụng nồi cơm điện để nấu cơm mà quay trở lại nấu cơm bằng bếp củi bởi điện quá yếu. Qua tìm hiểu được biết: một số thôn như: Bản Dạ, Khòn Đon, Khòn Khẻ từ 17h chiều đến hơn 8 giờ tối hầu như không có điện. Vậy là mặc dù đã có điện lưới quốc gia nhưng đến giờ ăn cơm tối, giờ người dân nghỉ ngơi, thư giãn xem thời sự, xem phim để nâng cao đời sống tinh thần, giờ các em nhỏ học bài thì các thôn này điện không thể lên nổi. Để có ánh sáng, các hộ đã phải sử dụng đèn dầu, nến, hoặc đèn tích điện rất bất tiện.
Hy vọng Dự án nâng cấp lưới điện không phải dự án rùa
Ông Hoàng Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mai cho biết: điện chập chờn, hạ tầng cơ sở không đảm bảo là vấn đề bức xúc nhất của xã trong suốt 13 năm qua. Trước thực trạng trên, nhiều năm qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo xã, các ban, ngành, đoàn thể, bà con nông dân đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị xem xét nâng cấp lưới điện cho xã. Vừa qua, niềm hy vọng về một lưới điện đảm bảo an toàn, chất lượng đã đến với người dân nơi đây khi UBND huyện Văn Quan phối hợp với Điện lực Lạng Sơn quyết định đầu tư nâng cấp lưới điện xã Xuân Mai, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2015. Bà con nông dân nơi đây ai nấy đều rất vui mừng, mong muốn dự án nâng cấp lưới điện sẽ được đầu tư đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Bài, ảnh: Đức Anh
Ý kiến ()