Tham vọng đằng sau siêu dự án 1.200 tỷ USD của Ấn Độ
Với niềm tin công nghệ là chìa khóa để giải quyết những vấn đề cấp thiết hiện nay, Ấn Độ đang đổ nhiều tiền của vào một “siêu dự án” dựa trên nền tảng công nghệ nhằm đưa nước này trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất trên khắp thế giới.
Hãng tin Bloomberg, Ấn Độ đang có kế hoạch triển khai một “siêu dự án công nghệ” với tên gọi Gati Shakti, theo tiếng Hindi có nghĩa là “sức mạnh của tốc độ”. Với trị giá lên tới 1.200 tỷ USD, dự án này được kỳ vọng sẽ giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đến mở cơ sở làm ăn, kinh doanh tại Ấn Độ, qua đó biến nền kinh tế thứ ba của châu Á trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Trọng tâm của dự án Gati Shakti là xây dựng một nền tảng kỹ thuật số với sự hợp tác của 16 bộ, ngành của Ấn Độ. Theo đó, cổng thông tin Gati Shakti sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp giải pháp quan trọng để thiết kế, phê duyệt các dự án một cách nhanh chóng và giảm chi phí.
Bên trong một nhà máy sản xuất các sản phẩm may mặc ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh một nửa số dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ đang bị chậm tiến độ và 1/4 số dự án bị đội vốn so với ngân sách ước tính ban đầu, Thủ tướng Narendra Modi tin rằng dự án Gati Sakti sẽ là giải pháp công nghệ để tháo gỡ nút thắt này. Khi giới thiệu về dự án, ông Modi cũng từng khẳng định, nếu không có cơ sở hạ tầng hiện đại, Ấn Độ không thể phát triển toàn diện, bởi cơ sở hạ tầng chất lượng là chìa khóa để khởi động một số hoạt động kinh tế và tạo việc làm.
Ông nói: “Ấn Độ cam kết thúc đẩy đầu tư nhiều hơn để phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và đang từng bước bảo đảm các dự án không gặp trở ngại hay bị trì hoãn”.
Amrit Lal Meena, một quan chức Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ khẳng định, nhiệm vụ của cổng thông tin Gati Shakti là triển khai các dự án mà không bị chậm tiến độ và đội vốn, từ đó giúp Ấn Độ trở thành điểm đến hàng đầu để các công ty toàn cầu xây dựng trung tâm sản xuất tại đây.
“Chúng tôi đang tập trung hơn nữa vào hạ tầng kho bãi hiện đại, số hóa quy trình, lao động chất lượng cao và giảm chi phí hậu cần”, quan chức này nhấn mạnh.
Tương tự, ông Anshuman Sinha, Chủ tịch của Kearney India-một trong những doanh nghiệp hàng đầu về vận tải và vận hành cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ, cũng cho rằng dự án Gati Shakti giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc lưu chuyển hàng hóa và các thành phần khác được sản xuất ở khắp Ấn Độ.
Nhiệm vụ của dự án là xác định vị trí tiềm năng để xây dựng những cụm sản xuất mới, kết nối các địa điểm này một cách liền mạch với mạng lưới đường sắt, cảng biển và sân bay. Nói cách khác, dự án Gati Shakti sẽ giúp hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn trên khắp Ấn Độ.
Đặc biệt, các giải pháp công nghệ của dự án Gati Sakti sẽ giúp giảm bớt những quy tắc rườm rà để từ đó giải quyết các dự án cơ sở hạ tầng đang bị đình trệ. Chẳng hạn, ông Lal Meena cho biết, có tới gần 40% trong tổng số 1.300 dự án mà cổng thông tin Gati Shakti chịu trách nhiệm giám sát đã bị trì hoãn vì nhiều vấn đề liên quan tới thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và khiến chi phí của các dự án này bị đội lên.
Tuy nhiên, đến nay, cổng thông tin Gati Shakti đã giải quyết dứt điểm khoảng 200 dự án có vấn đề. Ngoài ra, Bộ Giao thông và Đường bộ Ấn Độ cũng đang sử dụng cổng thông tin này để thiết kế 11 dự án trong kế hoạch xây dựng mạng lưới đường giao thông với tổng trị giá 106 tỷ USD.
Bloomberg nhận định, thuận lợi của Ấn Độ trong tham vọng trở thành “công xưởng” của thế giới là sở hữu nguồn nhân tài lớn và có thể cung cấp nguồn lao động giá rẻ, trong đó phần lớn lực lượng này có thể nói tiếng Anh.
Ý kiến ()