Thắm tình Việt - Lào trên dải Trường Sơn
Việt - Lào xa-ma-khi, tiếng hát rộn ràng hòa với điệu lăm-vông duyên dáng đã đánh thức cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On trên dãy Trường Sơn, nơi ghi dấu Lễ khánh thành cột mốc đại 460 và Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa. Ðây là bước ngoặt quan trọng trong việc thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, tạo tiền đề quan trọng để hai nước hoàn thành Dự án vào năm 2014.
Việt – Lào xa-ma-khi, tiếng hát rộn ràng hòa với điệu lăm-vông duyên dáng đã đánh thức cửa khẩu Thanh Thủy – Nậm On trên dãy Trường Sơn, nơi ghi dấu Lễ khánh thành cột mốc đại 460 và Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào trên thực địa. Ðây là bước ngoặt quan trọng trong việc thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, tạo tiền đề quan trọng để hai nước hoàn thành Dự án vào năm 2014.
Anh Ðuông-kẹo Công khăm, Phó Trưởng ban Biên tập Thời sự, Ðài Truyền hình quốc gia Lào không giấu niềm xúc động và vinh dự được đưa tin về hai sự kiện rất quan trọng giữa hai nước Việt Nam và Lào. Anh nói:
“Ðây là dấu mốc quan trọng, giúp cho con cháu sau này của hai nước chúng ta biết được ranh giới đâu là Việt Nam và đâu là Lào. Ðây cũng là sự nỗ lực lớn của hai Ðảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Tôi tin rằng, các sự kiện này sẽ làm cho nhân dân hai nước hiểu thêm về quyết tâm của hai Ðảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Lào và Việt Nam xây dựng đường biên giới hòa bình, đoàn kết và phát triển”.
Việt Nam và Lào có đường biên giới dài 2.067 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam (gồm Ðiện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum) và 10 tỉnh của Lào (gồm Phông-xa-lì, Luông-pha-băng, Hủa Phăn, Bo-ly-khăm-xay, Khăm Muộn, Xa-vẳn-na-khệt, Xả-lạ-văn, Xiêng Khoảng, Xê Công và Át-ta-pư). Ðường biên giới dài là vậy, nhưng trước khi thực hiện Dự án, hai nước chỉ cắm được 214 mốc, tương ứng 199 vị trí, mật độ mốc quá thưa, thêm vào đó, hệ thống mốc được thiết kế và xây dựng chưa phù hợp điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu ở khu vực, gây khó khăn cho công tác nhận biết và quản lý biên giới. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, lãnh đạo hai nước đã thống nhất cho phép triển khai xây dựng và thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, thời hạn 2008-2014. Ngày 5-9-2008, tại cửa khẩu Lao Bảo – Ðen-xa-vẳn, hai bên đã long trọng tổ chức lễ khánh thành mốc đôi 605 – cột mốc đầu tiên, chính thức khởi động công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới giữa hai nước. Sau 5 năm triển khai thực hiện Dự án, với sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương cùng lực lượng trực tiếp tham gia công tác cắm mốc trên thực địa hai nước, công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới đã đạt được những thành quả hết sức to lớn. Ðến nay, hai bên đã hoàn thành xây dựng một hệ thống mốc hiện đại, bền vững bằng đá hoa cương với 793 vị trí mốc (tương ứng với 835 cột mốc) và cắm bổ sung hơn 20 cọc dấu, góp phần làm rõ hướng đi của đường biên giới.
Ðể có được những thành quả đó, bằng ý chí và quyết tâm, bằng tình cảm và trách nhiệm và cả sự hy sinh lặng thầm, cán bộ và nhân dân hai nước đã vượt qua bao gian nan, thử thách. Khu vực biên giới Việt Nam – Lào có địa hình hiểm trở, thời tiết vô cùng khắc nghiệt khiến công tác khảo sát, vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng cột mốc gặp vô vàn khó khăn. Chỉ tính riêng một cột mốc phải cần ít nhất tám lần tiếp cận: rà phá bom mìn, khảo sát, làm đường, chuyển nguyên vật liệu, xây dựng mốc, đo đạc thông số kỹ thuật… Ðịa bàn cắm mốc của Ðội cắm mốc số 2 thuộc đoạn biên giới Nghệ An – Bô-ly-khăm-xay dài 155 km, theo kế hoạch tổng thể tôn tạo và tăng dày 39 mốc (trong đó có một mốc đại tại cửa khẩu Thanh Thủy, 12 mốc trung và 26 mốc tiểu). Ðoạn biên giới này được xác định là một trong những địa bàn có những vị trí mốc tôn tạo và tăng dày khó khăn gian khổ nhất trong 10 cặp tỉnh có chung đường biên giới.
Chứng kiến nhiều câu chuyện thắm tình hữu nghị Việt Nam – Lào trong thời gian cùng làm nhiệm vụ với phía bạn, Trung tá Phan Thanh Hồng, Ðội trưởng Ðội cắm mốc 2 thuộc Ðồn Biên phòng Cao Vều (Anh Sơn, Nghệ An), kể: Chúng tôi và các đồng chí Lào sang phối hợp thực hiện Dự án đã kề vai sát cánh, thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Gùi vật liệu nặng hàng tạ trèo núi cao, qua vực thẳm, suối sâu, hình ảnh các bác sĩ của bạn băng bó cho cán bộ của ta bị thương, hai bên ăn chung một nồi cơm chưa chín kỹ vì củi ướt và trời lạnh… là những kỷ niệm khó quên. Có lần, Ðội cắm mốc 2 và phía bạn thực hiện kế hoạch khảo sát song phương tại địa bàn Ðồn Biên phòng 559 Thanh Hương (Thanh Chương, Nghệ An). Khi hành quân khảo sát các mốc 452, 453 do đoạn này chưa có đường tuần tra, việc đi lại cực kỳ khó khăn, dốc gần như dựng đứng. Hành quân ròng rã, liên tục khảo sát các vị trí mốc trên thực địa, nhiều anh em có lúc lả đi vì kiệt sức. Chuyến khảo sát này lại đúng dịp mưa nên đường trơn trượt, ô-tô không thể đi được, chúng tôi đành phải hành quân trong quãng đường gần 35 km suốt hai ngày liên tục. Sau đó, lại hành quân lên biên giới mất 12 ngày mới khảo sát xong các vị trí mốc 432, 433, 434.
Với Thượng tá Phan Văn Hồng, Ðội trưởng Ðội cắm mốc 1, những kỷ niệm xúc động về sự giúp đỡ chân tình và hết lòng hết sức của người dân trên đường cắm mốc trong hành trình 5 năm cheo leo trên những nơi hẻo lánh nhất của miền tây xứ Nghệ luôn lưu dấu trong tim. Nhìn thành quả của ngày hôm nay, anh khẳng định, nếu không có đồng bào vùng biên cương giúp đỡ thì các anh khó có thể hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.
Dưới lá cờ Tổ quốc của hai nước tung bay trong gió, những câu chuyện cảm động như thế trên dải Trường Sơn tiếp tục lan tỏa. Ngày hôm qua, hai đất nước, hai dân tộc chúng ta kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu để giành độc lập dân tộc, đã ủng hộ giúp đỡ nhau trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” và cùng nhau tiếp tục giành được thắng lợi, cho đến lúc giải phóng hoàn toàn đất nước. Hôm nay đây, một lần nữa, những người bạn, người đồng chí và anh em Việt Nam và Lào lại cùng nhau, tay chung tay trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển ở mỗi nước. Bài ca trên dải Trường Sơn năm xưa vẫn mãi ngân vang.
Theo Nhandan
Ý kiến ()