Thứ 3, 26/11/2024 09:03 [(GMT +7)]
Thẩm quyền, thời hạn và thủ tục đăng ký khai sinh
Thứ 5, 03/06/2010 | 08:42:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Ngày 27/12/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, Nghị định này đã thay thế và khắc phục được những bất cập của Nghị định 83 cũ.
Để nâng cao hiểu biết của cán bộ, nhân dân về đăng ký và quản lý hộ tịch, ở bài viết này xin giới thiệu đến bạn đọc quy định của pháp luật về thẩm quyền, thời hạn và thủ tục đăng ký khai sinh tại Nghị định 158/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Về thẩm quyền đăng ký khai sinh: Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì UBND cấp xã nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha thì UBND cấp xã nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.
Về thời hạn đăng ký khai sinh, Nghị định 158 không phân biệt ở đồng bằng hay miền núi, thời hạn thống nhất để đi đăng ký khai sinh cho trẻ trên toàn quốc là 60 ngày kể từ ngày đứa trẻ được sinh ra. Nếu quá thời hạn trên mới đi đăng ký khai sinh thì phải làm thủ tục đăng ký quá hạn và bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng (Nghị định số 60/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp).
Về thủ tục đăng ký khai sinh được Nghị định 158 quy định rất đơn giản, tạo điều kiện tối đa cho người đi đăng ký khai sinh và đề cao trách nhiệm, tính chủ động của cán bộ Tư pháp – Hộ tịch. Nếu trước đây người đi đăng ký khai sinh phải bắt buộc có và xuất trình thì tại Nghị định này người đi đăng ký khai sinh không phải bắt buộc phải xuất trình Sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân nếu cán bộ Tư pháp- Hộ tịch biết rõ về nhân thân hoặc nơi cư trú của người đi đăng ký khai sinh. Cũng theo quy định của Nghị định 158 thì giấy tờ phải có khi đi đăng ký khai sinh cho trẻ gồm hai loại: Phải nộp Giấy chứng sinh và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ đẻ (nếu cha mẹ đẻ có đăng ký kết hôn), nếu cán bộ Tư pháp- Hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ thì không bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn. Giấy chứng sinh có thể do cơ sở y tế nơi trẻ em được sinh ra cấp, nếu trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng thì người đi khai sinh làm cam đoan về việc sinh là có thực cũng đủ điều kiện để đăng ký khai sinh cho trẻ. Người đi đăng ký khai sinh không nhất thiết phải đăng ký đúng tên của trẻ trong Giấy chứng sinh. Tên của trẻ trong Giấy chứng sinh mới chỉ thể hiện dự định đặt tên cho con của cha mẹ trẻ, do đó trong Giấy chứng sinh có ghi rõ “dự định đặt tên cho trẻ”. Khi đăng ký khai sinh cha mẹ có thể thay đổi tên đệm cũng như tên của con.
Việc đăng ký khai sinh được thực hiện ngay sau khi cán bộ Tư pháp- Hộ tịch kiểm tra các giấy tờ hợp lệ của người đi đăng ký khai sinh. Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký khai sinh một bản chính Giấy khai sinh, còn bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi đăng ký khai sinh.
Người có hành vi cố tình làm chứng sai sự thật trong đăng ký khai sinh; người đi khai sinh cam đoan không đúng sự thật về việc sinh; Tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh thì có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Đối với hành vi làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký khai sinh; Thực hiện hành vi gian dối khác để được đăng ký khai sinh nhằm mục đích trục lợi; Làm giả hoặc mượn giấy khai sinh của người khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị phạt bổ sung và buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()