Thắm nồng tình nghĩa quân dân
Không chỉ chắc tay súng bảo vệ, giữ gìn bình yên biên cương của Tổ quốc, những chiến sĩ biên phòng Tây Nguyên còn giúp đồng bào các dân tộc nơi đây ổn định, phát triển sản xuất, gìn giữ tình hữu nghị hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia.Tây Nguyên mùa khô, bạt ngàn nắng, bạt ngàn gió và... bụi. Bụi đỏ quyện theo người, tung hoành trong gió, bụi nhuộm đỏ mầu tóc, bụi luồn vào trong ba-lô, thậm chí bụi xộc thẳng vào họng. Chiếc sơ-mi mầu sáng tôi mặc biến sang mầu đỏ nâu tự bao giờ. Đứng trên cao nguyên, ngẩng mặt lên là bầu trời bao la, xanh trong văn vắt, cảm giác chưa ở đâu mà bầu trời gần với mặt đất như ở đây.Giới thiệu về đặc thù địa bàn tuyến biên giới Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCHBĐBP) tỉnh Đác Lắc quản lý và công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, đại tá Lê Xuân Đáng, Chủ nhiệm Chính trị BCHBĐBP Đác Lắc cho biết: Tỉnh có hai huyện biên giới là Buôn Đôn và Ea Súp, tám xã biên giới, với 75 km đường biên giới (có 39...
Tây Nguyên mùa khô, bạt ngàn nắng, bạt ngàn gió và… bụi. Bụi đỏ quyện theo người, tung hoành trong gió, bụi nhuộm đỏ mầu tóc, bụi luồn vào trong ba-lô, thậm chí bụi xộc thẳng vào họng. Chiếc sơ-mi mầu sáng tôi mặc biến sang mầu đỏ nâu tự bao giờ. Đứng trên cao nguyên, ngẩng mặt lên là bầu trời bao la, xanh trong văn vắt, cảm giác chưa ở đâu mà bầu trời gần với mặt đất như ở đây.
Giới thiệu về đặc thù địa bàn tuyến biên giới Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCHBĐBP) tỉnh Đác Lắc quản lý và công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, đại tá Lê Xuân Đáng, Chủ nhiệm Chính trị BCHBĐBP Đác Lắc cho biết: Tỉnh có hai huyện biên giới là Buôn Đôn và Ea Súp, tám xã biên giới, với 75 km đường biên giới (có 39 km trên bộ) với Cam-pu-chia. Phong trào quần chúng tự quản đường biên được thực hiện khá tốt trên địa bàn, việc tổ chức thực hiện các kế hoạch bảo vệ biên giới cũng như việc vận dụng linh hoạt chủ trương, đối sách, biện pháp công tác biên phòng của cán bộ, chiến sĩ từng bước được nâng lên. Các đồn biên phòng duy trì và thực hiện nghiêm túc Hiệp ước bổ sung, Hiệp định về quy chế biên giới; tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị trong các thời gian trọng điểm và các dịp lễ, Tết.
Từ tỉnh lộ 1 vào hai huyện Krông A Na và Ea Súp, suốt mấy chục cây số chỉ thấy duy nhất một loại cỏ tên là cỏ Mỹ mọc được trong mùa khô Tây Nguyên. Lên với Đồn Đá Bằng, xã Ea Bung, huyện Ea Súp, điều đầu tiên chúng tôi thấy là nhà cửa, trụ sở đơn vị vừa được cán bộ, chiến sĩ sơn sửa, quét vôi mới khang trang, sạch đẹp. Anh em biên phòng ở đây đãi chúng tôi bữa cơm toàn 'cây nhà lá vườn', cá bắt dưới suối, gà thả trên đồi, rau trồng trong vườn. Đơn vị canh tác ruộng lúa 5 ha, năm 2010 thu hoạch được 40 triệu đồng; đàn bò, đàn lợn, mỗi đàn vài chục con; đàn gia cầm hơn 100 con, vườn rau của đơn vị trồng cải ngọt, cải thìa, rau muống, cải cay, cải bắp… xanh ngát, tươi non mơn mởn thật thích mắt. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn có thêm thu nhập từ lúa, điều và cá. Đại úy Bùi Khắc Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đá Bằng có vợ là giáo viên dạy trường phổ thông cơ sở xã vùng biên Ea RVê. Hai vợ chồng cùng lên công tác trên tuyến biên giới đã hơn chục năm nay. Anh tâm sự, nhiều lúc rất nhớ vợ và con gái đầu lòng mới hơn hai tuổi, thèm hơi ấm gia đình, mặc dù khoảng cách chỉ khoảng 20 km song nhiệm vụ là trên hết nên mỗi năm cũng chỉ về nhà được đôi lần khi có phép. Tuy vậy, hoàn cảnh của Đại úy Bùi Khắc Hiệp còn thuận lợi hơn nhiều cán bộ, chiến sĩ khác. Phần lớn tổ ấm của anh em đều cách đồn hàng trăm km, mỗi khi được về phép lại tranh thủ chạy xe máy trên những con đường rừng heo hút trong cái bụi mịt mù cao nguyên và cái nóng rang người.
Song song với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Bộ đội Biên phòng Đác Lắc còn thực hiện khá tốt công tác dân vận. Phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để triển khai xây dựng nhà 'mái ấm cho người nghèo nơi biên giới', các công trình dân sinh và nhà tình nghĩa thuộc chương trình 'Nghĩa tình Trường Sơn'.
Năm 2010, Đồn Đá Bằng đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng ba mái ấm cho người nghèo nơi biên giới và hai căn nhà theo chương trình 'Nghĩa tình Trường Sơn' với trị giá gần 100 triệu đồng tại các xã Ea Bung, huyện Ea Súp và các xã Ea KPam, Ea Kue, huyện Cư M'gar.
Đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng địa bàn xã Ea RVê, huyện Ea Súp, tuyến biên giới mà Đồn Biên phòng Y A Te Mốt quản lý là thiên tai, hạn hán liên miên, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng; lớp đất đỏ chỉ dày khoảng gang tay, còn dưới đó là lớp đá quặng, có đổ bao nhiêu nước đi chăng nữa thì lớp đá này cũng hút hết sạch. Khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt nên đời sống bà con nơi đây khá chật vật. Thiếu tá Bùi Quang Tuyến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Y A Te Mốt cho biết: 'Khó nhất là khi khoan giếng. Khoan từ bốn đến năm lần không gặp nước, nếu may mắn thì khoan 50 đến 60 m mới gặp được nước. Nếu không may mắn thì khoan xuống 100 m cũng chẳng bói ra được một giọt'. Đời sống khó khăn là vậy, bà con còn phải lo nơm nớp, lo nạn voi rừng về phá hại mùa màng, cây trái và nhất là khả năng xâm phạm đến tính mạng con người rất cao. Cán bộ, chiến sĩ của đồn phải luân phiên nhau vừa làm ruộng của đơn vị vừa canh đàn voi dữ cho nhân dân. Năm 2010, đồn đã tham gia xây dựng chín mái ấm cho người nghèo, tám căn nhà 'Nghĩa tình Trường Sơn' và khoan hai giếng nước ngọt cho người dân ở thôn 3, thôn 5 xã Ea RVê.
Trung úy Phạm Văn Bình, Đồn Biên phòng Tuy Đức, xã Đác Búc So, huyện Tuy Đức, Đác Nông cắm chốt ở địa bàn đã được 15 năm, từ khi ở khu vực này không phương tiện giao thông nào di chuyển được, chỉ toàn cuốc bộ mà thôi cho đến nay đường sá đã đi lại thông suốt đến từng hộ dân. Anh tâm sự, ấn tượng nhất khi nhập ngũ là thực hiện 'bốn cùng' với bà con dân tộc Ê Đê, Mơ Nông, trong bữa ăn có món 'canh bồi', 'canh thụt'. 'Canh bồi' gồm lá nhíp, đọt mây, bột gạo còn thành phần để nấu 'canh thụt' có cà đắng, thật nhiều ớt xanh giã nhuyễn, cá khô, đọt mây được nấu chín, giã nát. Sở dĩ gọi là 'canh thụt' do ăn cay quá, thụt lưỡi – đó là một cách ví von đầy hình ảnh của đồng bào ở đây.
Thượng úy Dương Đức Long, Phó đồn trưởng trinh sát Tuy Đức thông thuộc địa bàn quản lý như trong lòng bàn tay và sử dụng trôi chảy tiếng Mơ Nông. Anh Long dẫn chúng tôi vào thăm căn nhà do đồn mới xây tặng vợ chồng anh Y Than – chị Thị Thim, đồng bào Mơ Nông. Bế đứa con trai đầu lòng mới một tuổi trên tay, Y Than phấn khởi nói: Có căn nhà mới, tôi rất mừng rất vui. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và Bộ đội Biên phòng đã tạo dựng cho gia đình tôi có được cuộc sống ổn định.
Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Đồn trưởng Biên phòng Tuy Đức cho biết, công tác nắm địa bàn, vận động quần chúng, trinh sát, được cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, Đồn Tuy Đức còn xây dựng mô hình trồng lúa nước, khoai lang cho nhân dân xã. Với mô hình trồng khoai lang do cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn, năm nay thôn 8 (nhà nào cũng có hơn 1 ha khoai lang), xã Đác Búc So đã thoát nghèo, khấm khá dần lên. Bình quân mỗi hộ mỗi năm thu hoạch ba vụ khoai, năng suất trung bình 20 tấn/1ha. Bác cựu chiến binh Văn Bình, 53 tuổi, quê gốc Hoằng Hóa, Thanh Hóa ở thôn 8 đã thu nhập được 100 triệu đồng từ khoai lang năm 2010 và được đi dự điển hình nông dân giỏi tỉnh Đác Nông. Đồn còn giúp một nghìn công xây dựng kiên cố 13 căn nhà, diện tích mỗi căn là 25 m2 cho đồng bào với kinh phí của Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh hỗ trợ.
Công tác tăng gia sản xuất tại chỗ của Đồn Biên phòng Bu Cháp, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức khá nổi trội. Đồn Biên phòng có thu nhập trong năm 2010 khoảng 120 triệu đồng từ trồng cà-phê, rau và bảo vệ rừng.
Lực lượng Biên phòng Đác Nông hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới và đoàn kết, đi sâu đi sát với nhân dân trên địa bàn quản lý. Đại tá Nguyễn Minh Hà, Phó Chính ủy BCHBĐBP Đác Nông cho biết, Thường vụ Đảng ủy quán triệt công tác chính trị cho từng cán bộ, đảng viên. Song song đó là tập trung giáo dục về bản lĩnh chính trị, xác định phấn đấu 100% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng các chi, đảng bộ vững mạnh toàn diện. Chú trọng Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' gắn lời dạy của Bác với công tác giáo dục chính trị, đạo đức cho cán bộ chiến sĩ; giáo dục cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thấm nhuần đạo đức, phong cách, tấm gương của Bác; thực hiện nội dung ཆ xây 10 chống' trong Bộ đội Biên phòng.
BCHBĐBP Đác Nông đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp khác xây dựng và bàn giao 42 căn nhà gồm 22 căn nhà 'Đại đoàn kết', 20 căn nhà 'Nghĩa tình Trường Sơn', một công trình dân sinh cho đồng bào với trị giá gần 2 tỷ đồng. Riêng cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh đóng góp gần 150 triệu đồng trong số tiền gần 2 tỷ đồng và toàn bộ ngày công xây dựng. Một số hộ có nhà mới là hộ anh Điểu Nh'Hớt, thôn Bu Nung, xã Quảng Trực có nhà 72 m2, anh Y Văn Tim, thôn Bu Bong, xã Đác Búc So diện tích nhà 40 m2, hộ Trần Thị Nguyệt, thôn Đác Huýt, xã Quảng Trực có nhà kiên cố rộng 52 m2.
Rời cao nguyên khi những chùm hoa Pơ-lang đang nở rộ, chúng tôi thầm cảm phục và càng thêm tin yêu những cán bộ chiến sĩ biên phòng Tây Nguyên mà mình đã gặp. Các anh đã gác lại hạnh phúc riêng mình để ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và chăm chút từng mái ấm của đồng bào Tây Nguyên như chính tổ ấm của mình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()