Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước
Soi vào thời điểm lịch sử lúc bấy giờ sẽ thấy, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” thiết thực và ý nghĩa vô cùng. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước đang rất khó khăn, lời hiệu triệu của Người đã tạo nên một động lực tinh thần mới thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, hăng hái thi đua trên mọi lĩnh vực, từ tiền tuyến đến hậu phương, tất cả để “kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”.
Những năm sau đó, thi đua yêu nước vẫn luôn là vấn đề được Bác đặc biệt quan tâm. Đơn cử, trong “Bài nói tại Đại hội các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc” (5/1952), Bác tiếp tục chỉ rõ mục đích thi đua, tình hình thi đua mấy năm vừa qua, nội dung thi đua, cách thi đua, mức thi đua, ý nghĩa thi đua… Người khẳng định: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất. Bởi “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực”…
Bác Hồ nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Lạng Sơn tại sân vận động Đông Kinh ngày 23/2/1960 Ảnh: TIẾN THẮNG (sưu tầm)
Một điểm đáng chú ý là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến thi đua “tăng gia sản xuất và tiết kiệm”. Đây thực sự là hai mặt của một vấn đề và vô cùng ý nghĩa giữa lúc cuộc kháng chiến, kiến quốc còn đang gặp rất nhiều cam go, thử thách. Theo Bác, “Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì: “Tăng năng suất: làm mau, làm tốt, làm nhiều; ra sức tiết kiệm: nguyên liệu, vật liệu, sức lao động, thì giờ. Tiết kiệm để giúp tăng gia…”.
Trong cách thi đua, Người chỉ rõ: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào và lan rộng mãi”… Về mức thi đua, “phải tiến dần dần và tiến mãi mãi”. Để phát triển phong trào thi đua, “chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua”.
Qua đây, chúng ta càng thấy những lời dạy của Bác hết sức sâu sắc và thiết thực. Không chỉ có vậy, Bác còn luôn quan tâm, dõi theo để kịp thời động viên các ngành, địa phương, đồng bào và chiến sĩ cố gắng thi đua hơn nữa. Trong nhiều tác phẩm sau này, Bác đã chỉ ra những vấn đề trọng tâm cần làm tốt cũng như những khuyết điểm, hạn chế mà chúng ta phải gấp sửa chữa, “để đẩy mạnh phong trào thi đua lên cao hơn, rộng khắp hơn nữa”.
Cụ thể như trong “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” (năm 1949), Bác nêu: “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua”. Theo đó, “Điều cần thiết nhất, là phải giải thích kỹ càng cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc thế nào. Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được”. Hay trong bài “Sau đại hội toàn quốc”, Bác chỉ ra: “Chúng ta đã có những chiến sĩ và những tổ thi đua kiểu mẫu. Từ nay, chúng ta phải cố gắng tiến đến những xưởng và những ngành thi đua kiểu mẫu”.
Có thể khẳng định, năm tháng qua đi nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ mãi là nền tảng, kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đặc biệt là trong đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của hôm nay và mai sau.
Thời gian tới, cùng với cả nước, Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Đồng thời tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thi đua; quy trình khen thưởng, nâng cao tính giáo dục trong công tác khen thưởng. Tin rằng, Lạng Sơn sẽ có nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, sôi nổi và rộng khắp hơn nữa.
Ý kiến ()