LSO-Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo(Trích tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XV của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn).Trên cơ sở xác định rõ những tiềm năng, lợi thế của Lạng Sơn trong mối tương quan với các tỉnh, thành khác trong nước cũng như với các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là tầm quan trọng về kinh tế cửa khẩu, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 1996 – 2000) đã xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những lĩnh vực kinh tế hết sức trọng yếu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh với tốc độ nhanh hơn, có điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao vị thế của tỉnh Lạng Sơn đối...
LSO-Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo
(Trích tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XV của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn).
Trên cơ sở xác định rõ những tiềm năng, lợi thế của Lạng Sơn trong mối tương quan với các tỉnh, thành khác trong nước cũng như với các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là tầm quan trọng về kinh tế cửa khẩu, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 1996 – 2000) đã xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những lĩnh vực kinh tế hết sức trọng yếu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của toàn tỉnh với tốc độ nhanh hơn, có điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao vị thế của tỉnh Lạng Sơn đối với cả nước và mở rộng quan hệ với nước ngoài. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, từ khi mở cửa giao lưu kinh tế với thị trường Trung Quốc, các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra hết sức sôi động. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2005 là 594 tỷ đồng; 2006 là 617 tỷ đồng; 2007 là 1.052 tỷ đồng; 2008 là 1.438 tỷ đồng và 2009 là 1.392 tỷ đồng. Kết quả đó đã thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của khu vực kinh tế cửa khẩu của tỉnh thì sự phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trong khu kinh tế cửa khẩu chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường trong nước và thị trường Trung Quốc; việc cụ thể hóa các thể chế, tổ chức bộ máy quản lý cho từng lĩnh vực cụ thể còn chậm, chưa đồng bộ, thiếu sức thông thoáng; công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; việc huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cho khu kinh tế cửa khẩu còn nhiều hạn chế…
Nhằm phát huy hiệu quả lợi thế kinh tế cửa khẩu, đón đầu xu thế hội nhập, hợp tác kinh tế – các lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Trung Quốc, tỉnh đã chủ động xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ra một số quyết định về việc phê duyệt Đề án, thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Theo đó, tổng diện tích khoảng 39.400 ha, gồm Thành phố Lạng Sơn, Thị trấn Đồng Đăng, một số xã thuộc huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan, Chi Lăng.
Ngày 3/4/2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 22 – NQ/TU để lãnh đạo việc triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Theo đó, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thành một khu vực có không gian kinh tế – thương mại riêng biệt, với 2 khu chức năng chính là Khu phi thuế quan và khu thuế quan; xây dựng Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Bằng Tường (Trung Quốc); tạo lập môi trường hấp dẫn thu hút các nguồn lực đầu tư, khai thác tối đa lợi thế sẵn có, phát triển sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu, tạo việc làm; xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, môi trường xã hội thân thiện, đồng thời củng cố quốc phòng toàn dân, bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, nâng cao vị thế của Lạng Sơn và Việt Nam trong tiến trình hội nhập… Hiện tại, chúng ta đã và đang nỗ lực xúc tiến thực hiện được những kết quả bước đầu quan trọng trong việc xây dựng quy hoạch, ban hành cơ chế, chính sách, lập danh mục đề án đầu tư và phê duyệt một số dự án lớn đề nghị Chính phủ bố trí vốn ngân sách đầu tư từ năm 2011 và các năm tiếp theo.
Tin tưởng rằng, được sự giúp đỡ của Trung ương, sự đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, sự cố gắng phấn đấu phát huy nội lực của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, chúng ta sẽ huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo.
“Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”
(Trích tham luận của đồng chí Nông Thị Lâm, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lạng Sơn)
Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành có hiệu quả của các cấp chính quyền, các mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các giai cấp, các tầng lớp nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh tiếp tục được củng cố, tăng cường; MTTQ tỉnh đã kết nạp thêm 6 tổ chức thành viên, nâng tổng số thành viên lên 23 thành viên. Ủy ban MTTQ các cấp đã có nhiều hình thức thu hút, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, doanh nhân tham gia UBMTTQ các cấp và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư làm cho hoạt động của MTTQ ngày càng nâng cao; Các tổ chức đoàn thể nhân dân đã tập trung củng cố và mở rộng tổ chức, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, do vậy những năm qua số tổ chức cơ sở, số lượng đoàn viên, hội viên tăng mạnh. Đã có gần 90% công nhân viên chức được tập hợp trong tổ chức công đoàn; 100% các xã, phường, thị trấn và các thôn, bản ở nông thôn có các chi, tổ hội nông dân; các địa bàn khu vực dân cư đã có các chi đoàn, chi hội thanh niên, chi hội phụ nữ. Trên 65% nữ giới được tập hợp vào tổ chức Hội LHPN; trên 95% cựu chiến binh được tập hợp trong tổ chức Hội Cựu chiến binh…
Để phát huy vai trò của khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, đưa Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội; Củng cố, kiện toàn hệ thống Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng thực hiện các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Phát huy vai trò của UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh và làm hạt nhân lãnh đạo khối Đại đoàn kết các dân tộc…
Tăng cường phối hợp hoạt động giám sát thường xuyên, chặt chẽ giữa Quốc hội, HĐND, Thanh tra nhân dân, giám sát cộng đồng.
(Trích tham luận của đồng chí Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh)
Tôi đồng tình và nhất trí cao với nội dung Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XV. Như chúng ta đều biết, trong những năm qua, tình hình khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những khó khăn khách quan khác đã ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ, các cấp chính quyền, sự giám sát tích cực và có hiệu quả của Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, HĐND các cấp, MTTQ và các đoàn thể, sự phấn đấu nỗ lực và sáng tạo của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, chúng ta đã cơ bản thực hiện được các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2006 – 2010; duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an sinh xã hội; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.
Tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn là một tỉnh nghèo, cơ cấu lao động trong nông nghiệp còn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Nền kinh tế tỉnh ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững không chỉ trước mắt mà cả những năm sau này. Báo cáo chính trị đã nêu rất rõ và tương đối cụ thể, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại chậm được khắc phục. Theo tôi, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra của nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp đồng bộ, trong đó, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cần dựa trên cơ sở phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, khai thác tối đa và có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời tranh thủ bối cảnh thuận lợi của nền kinh tế cả nước trong thời gian tới; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương; tập trung phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế – xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã nghèo vùng khó khăn; tăng cường phối hợp hoạt động giám sát thường xuyên, chặt chẽ giữa Quốc hội, HĐND, Thanh tra nhân dân, giám sát cộng đồng, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, chương trình giám sát, đổi mới nội dung, phương thức tiếp xúc cử tri của các cơ quan dân cử, xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của cử tri…
Nhóm PV
Ý kiến ()