Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà Ninh Bình đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong năm 2012, nhất là những kết quả trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội…
Thủ tướng chỉ đạo, Ninh Bình cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội và chăm lo đời sống của người dân địa phương. Trước hết, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, nhất là tồn kho về xi-măng. Tập trung khai thác các thế mạnh của địa phương về du lịch, dịch vụ, phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng,… tỉnh cần rà soát lại quy hoạch, đặc biệt là việc cấp mỏ cho các nhà máy xi-măng phải kiểm soát chặt chẽ hiệu quả về kinh tế và môi trường.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý tỉnh Ninh Bình cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng nông thôn mới gắn liền với thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; áp dụng mạnh khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao…; bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán nhằm vừa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, vừa thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng đầu cơ, găm giá; chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, người nghèo; quan tâm đến công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, đốt pháo nổ, bảo đảm an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán…
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư cũng xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Ninh Bình liên quan đến việc hỗ trợ, cấp vốn cho địa phương triển khai thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An, hạ tầng vùng phân lũ, nâng cấp đê biển; hỗ trợ xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch…
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị Hà Nam cần tiếp tục tập trung huy động, lồng ghép mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.
Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của Hà Nam trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội; cho rằng những kết quả mà Hà Nam đạt được là khá toàn diện trên các mặt, nhất là trong duy trì tăng trưởng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, các mô hình mới trong chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới, thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân… Trên tinh thần này, Thủ tướng mong muốn Hà Nam tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trước hết là tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện, thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng, dịch vụ các khu công nghiệp, sẵn sàng đón các dự án đầu tư. Tỉnh triển khai mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho; tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: trồng cây vụ đông hàng hóa, nấm ăn, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học… Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Hà Nam cần tiếp tục chú trọng đến phát triển sự nghiệp y tế, đào tạo nguồn nhân lực, giảm nghèo; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Thủ tướng đề nghị Hà Nam chăm lo tốt Tết cho nhân dân, bảo đảm người người có Tết, nhà nhà có Tết; nhân dân đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, lành mạnh…
Tại buổi làm việc, Hà Nam đề nghị Chính phủ hỗ trợ, bố trí kinh phí đầu tư tuyến đường nối cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; tuyến quốc lộ 38B; hỗ trợ đầu tư xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao Đồng Văn III, hạ tầng khu đô thị Đại học Nam Cao…
* Trước đó, vào sáng 27-1, tại Trung tâm hội nghị 25B tỉnh Thanh Hóa diễn ra lễ ký kết hợp đồng EPC dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản, Cô-oét tại Việt Nam chứng kiến lễ ký kết.
Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn được triển khai ở các xã phía nam huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa có dự toán đầu tư gần chín tỷ USD do liên doanh các nhà đầu tư: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Công ty dầu khí quốc tế Cô-oét, Công ty Idemitsu Kosan, Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản cùng góp vốn thực hiện. Với tổng công suất lọc dầu gần 10 triệu tấn/năm, dự án có vai trò quan trọng mang tính chiến lược của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển các lĩnh vực hạ nguồn của công nghiệp chế biến dầu mỏ và khí đốt, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, vận hành lọc dầu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng nam Thanh Hóa – bắc Nghệ An, đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH đất nước. Đến thời điểm này, Chính phủ các nước cùng đối tác liên doanh đã hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai dự án. Tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành giải phóng mặt bằng gần 400 ha cho nhà thầu thi công san lấp nền, tiếp tục triển khai di dân, tái định cư, bàn giao mặt bằng khu C cho nhà thầu thi công. Tại lễ ký hợp đồng EPC với các tổ hợp nhà thầu, các đối tác liên doanh, lãnh đạo liên danh các nhà thầu cam kết chuyển giao công nghệ hiện đại, bảo đảm tiến độ, chất lượng các sản phẩm lọc hóa dầu khi đưa vào vận hành thương mại vào năm 2017.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương nỗ lực, cố gắng của tỉnh Thanh Hóa, các đối tác liên doanh, bộ chủ quản trong giải phóng mặt bằng, phối hợp hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tiến hành ký hợp đồng EPC. Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, từ nay đến khi đưa vào vận hành thương mại còn cả khối lượng công việc lớn nên chủ đầu tư, tổng thầu EPC phải thực hiện nghiêm túc các nội dung cam kết, bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa phải hết sức ủng hộ, phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, trước hết tập trung giải phóng mặt bằng khu C, quan tâm chăm lo tư tưởng, ổn định đời sống cho số hộ dân phải di dời đến nơi ở mới; bảo đảm an ninh, an toàn cho việc xây dựng, thực thi dự án. Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm theo dõi, trợ giúp tổng thầu EPC, chủ động tháo gỡ khó khăn, ách tắc nảy sinh trong quá trình thực hiện. Với trách nhiệm trước Đảng, đất nước và nhân dân, tỉnh Thanh Hóa cùng lợi ích chính đáng của các liên doanh, tổng thầu, Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết trách nhiệm để chủ đầu tư, tổng thầu thực hiện dự án thuận lợi, đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm phát huy hiệu quả toàn diện của dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn khi đưa vào khai thác.
Ý kiến ()