Thảm họa sinh thái biển Baltic
Biển Baltic, nơi có tuyến đường thủy chiến lược kết nối các quốc gia lớn ở châu Âu, là một trong những vùng biển bị ô nhiễm nặng nề nhất thế giới, sau khi khu vực này trở thành nơi trút bỏ vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ sau hai cuộc chiến tranh thế giới. Theo Euronews, khoảng 300.000 tấn vũ khí chết người đang nằm rải rác dưới đáy biển Baltic.
Đổ vũ khí thải loại ra biển từng được coi là giải pháp nhanh chóng, an toàn và rẻ tiền để loại bỏ những vũ khí không còn sử dụng. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc năm 1945, lực lượng đồng minh đã tiêu hủy một lượng lớn vũ khí, đạn dược bằng cách trút chúng xuống biển Baltic. Sau gần 80 năm, những vũ khí thải loại này phân hủy dưới đáy đại dương, từ từ làm rò rỉ các hóa chất độc hại như thuốc nổ TNT, khí mù tạt, phosgene, arsen (thạch tín)… ra vùng biển này.
Terrance Long, người sáng lập tổ chức phi chính phủ International Dialogues on Underwater Munitions (IDUM) cho hay, cộng đồng quốc tế cần mạnh mẽ lên tiếng để buộc các chính phủ phải hành động bảo vệ hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường: “TNT trong đạn dược có thể gây bỏng và tẩy trắng san hô, đồng thời tạo ra dòng chất khiến tảo có hại nở hoa. Khí mù tạt chuyển hóa thành arsen vô cơ lan rộng khắp đáy biển, tàn sát mọi loài sinh vật. Các hóa chất độc hại kể trên còn ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của sinh vật phù du và tỷ lệ nở trứng của các loài giáp xác”.
![]() |
Nhiều hóa chất độc hại rò rỉ từ vũ khí, đạn dược bị trút xuống đáy biển Baltic (ảnh minh họa). Ảnh: Euronews |
Mặc dù các nhà khoa học trong nhiều thập kỷ đã cung cấp bằng chứng về tác hại nguy hiểm của vũ khí thải loại dưới đáy biển, song giới chính trị gia các nước vẫn chần chừ chưa đưa ra biện pháp nào đáng kể vì gặp khó khăn trong việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với những loại vũ khí bị lãng quên. Và trong khi công chúng nhận thức sâu sắc về sự nguy hiểm của ô nhiễm nhựa, vi nhựa trong đại dương, thì vẫn không nhiều người ý thức được mối nguy hại từ vũ khí thải loại đối với sự an toàn của con người và hệ sinh thái biển.
Phải tới gần đây, hoạt động nạo vét đáy biển, thiết lập trang trại điện gió ngoài khơi, đánh bắt hải sản bằng lưới kéo đáy, cũng như lo ngại tội phạm có thể lấy được vũ khí, đã khiến vấn đề này được giới chính trị chú ý. Đầu năm nay, Đức công bố chương trình trị giá 100 triệu euro để thí điểm thu hồi và phá hủy đạn dược.
Sự suy giảm trữ lượng cá ở vùng biển Baltic do nhiễm độc hóa chất đạn dược, phân bón, chất thải công nghiệp… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành đánh bắt cá, gây áp lực buộc các chính phủ phải hành động. Vào tháng 8, Ủy ban châu Âu đã áp đặt giới hạn đánh bắt mới đối với một số loài hải sản ở vùng biển Baltic. Tiến bộ trong công nghệ hàng hải, trong đó có áp dụng trí tuệ nhân tạo, cũng giúp việc phát hiện và lập bản đồ đạn dược dưới đáy biển trở nên dễ dàng hơn. Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy con người vẫn còn cơ hội hành động để bảo vệ đại dương, bảo vệ cân bằng sinh thái biển.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/tham-hoa-sinh-thai-bien-baltic-745273
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()