‘Thảm họa’ bụi cát vàng tại Hàn Quốc
Bão cát vàng khởi nguồn từ Mông Cổ ngày 26/3 tuần trước đã vượt qua đại lục Trung Quốc bay tới Hàn Quốc do ảnh hưởng của gió Tây Bắc.
Đêm ngày 28/3, bụi cát vàng đã bay tới đảo Baengnyeong trên biển Tây. Sáng ngày 29/3, phần lớn các khu vực trên toàn Hàn Quốc đều quan trắc được bụi cát vàng dày đặc.
Ở phía tây thành phố Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong, nồng độ bụi nhỏ đã cao gấp 20 lần so với thông thường. Ở Seoul và các địa phương lân cận, ven biển Tây, khu vực sâu trong đất liền, nồng độ bụi nhỏ cũng ở ngưỡng từ 500-600 2µg/m³, gấp hơn 10 lần so với bình thường. Chỉ ngoại trừ khu vực Bắc và Trung tỉnh Gangwon và đảo Jeju, phần lớn các địa phương khác trên toàn Hàn Quốc đều đã ban cảnh báo bụi cát vàng.
Lần đầu tiên kể từ 10 năm trở lại đây, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã phải đưa ra cảnh báo bụi cát vàng trên quy mô toàn quốc. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 6 năm (kể từ tháng 2/2015) và cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2017 khi Hàn Quốc bắt đầu thực hiện chế độ cảnh báo tổng hợp về môi trường – khí tượng, cảnh báo bụi cát vàng được ban bố tại các khu vực sâu trong đất liền.
Đáng chú ý là nồng độ bụi siêu nhỏ trong không khí. Thông thường, bụi cát vàng chỉ chủ yếu gồm bụi cát, nhưng đợt bụi cát vàng lần này đang cuốn theo nhiều vật chất ô nhiễm trong không khí từ Trung Quốc tới Hàn Quốc.
Dự báo chỉ số PM 10 sẽ duy trì ở mức “rất xấu” trên toàn Hàn Quốc cho đến hết ngày 30/3, sau đó trở lại mức tốt từ ngày 31/3. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo bụi vàng cho khu vực thành phố Seoul, yêu cầu những người dân có vấn đề về đường hô hấp hoặc tim mạch, trẻ em và những người dễ bị tổn thương khác không nên ra ngoài trời trong những ngày này.
Trong một động thái liên quan, Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết mức độ “thận trọng” cao thứ ba trong thang cảnh báo khủng hoảng 4 cấp độ về bụi vàng lần đầu tiên đã được thực hiện ở tất cả 17 tỉnh và thành phố trên cả nước. Thông thường, bụi cát vàng ở Hàn Quốc chủ yếu chỉ gồm bụi cát nhưng đợt bụi cát vàng lần này đang cuốn theo nhiều chất gây ô nhiễm không khí, trong đó nồng độ kim loại nặng (như chì) cũng tăng cao.
Ý kiến ()