Thứ 4, 25/12/2024 01:19 [(GMT +7)]
Tham gia ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân
Thứ 6, 25/01/2013 | 10:38:00 [(GMT +7)] A A
Tích cực tham gia ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân; góp phần làm cho bản Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận của toàn dân trong việc xây dựng và thi hành Hiến pháp; góp phần tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
LSO-Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi bản hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân ta đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước. Thực tiễn 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đến nay cần tiếp tục sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều chuyển biến sâu sắc, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Quốc hội nhất trí tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố. Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.
Giáo viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ
trao đổi chuyên môn nghiệp vụ – Ảnh: Thanh Sơn
Trong lịch sử lập hiến của nước ta, việc xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; huy động, tập hợp trí tuệ sâu rộng, tâm huyết của toàn dân góp phần làm cho bản Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận của toàn dân trong việc xây dựng và thi hành Hiến pháp. Đồng thời, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến vào toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung đóng góp ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình và những vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm.
Các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bằng nhiều hình thức bao gồm: tham gia ý kiến tại cơ sở, cơ quan, đơn vị mình đang sinh sống, lao động, học tâp, công tác, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; tham luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hoặc gửi thư điện tử đến hộp thư: [email protected]; tham gia ý kiến đóng góp qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội tle=”http://duthaoonline.quochoi.vn;”>http://duthaoonline.quochoi.vn;qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc các hình thức phù hợp khác. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 2-1-2013 đến ngày 31-3-2013, ngành bưu điện sẽ vận chuyển và phát thư đóng góp ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên toàn mạng bưu chính công cộng, tại tất cả các điểm phục vụ bưu chính… mọi tổ chức, cá nhân có thể gửi thư không dán tem và trên bì thư ghi rõ: “Thư góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, nơi nhận là: Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, số 37 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội. Để các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đạt kết quả tốt; mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần tự giác học tập, nghiên cứu, củng cố nhận thức, kiên định lập trường tư tưởng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo phương châm chủ động, linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, làm cho toàn dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn đảng, toàn quân, toàn dân, góp phần xây dựng Hiến pháp theo đúng yêu cầu của Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền để quần chúng nâng cao ý thức cảch giác cách mạng, chủ động, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, gây rối, phá hoại của các thế lực thù địch đối với việc thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Tích cực tham gia ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân; góp phần làm cho bản Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận của toàn dân trong việc xây dựng và thi hành Hiến pháp; góp phần tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Nguyễn Đức Luận
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()